Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 12:57 GMT+7

Lên biên giới tưởng nhớ những người con hy sinh vì đất nước

Biên phòng - Nhân ngày giỗ trận Vị Xuyên (12-7), đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội dẫn đầu lên điểm cao 468, nơi cách đây hơn ba chục năm, trong trận phản kích các điểm cao bị quân địch chiếm giữ, đã có 595 chiến sĩ Sư đoàn 356 và 200 chiến sĩ Sư đoàn 316 hy sinh trong một ngày.

d02x_7a
Nhà thơ Trần Đăng Khoa và các nhà văn trên điểm cao 468 Vị Xuyên. Ảnh: Việt Chiến

Cao điểm đi vào lịch sử chiến tranh

Sau trận đánh ác liệt và chịu nhiều hy sinh cách đây hơn ba chục năm, thời gian vẫn không sao xóa mờ được ký ức đau thương của những cựu binh và gia đình các liệt sĩ, dẫu vết thương chiến tranh đã phần nào được hàn gắn. Con đường lên điểm cao 468 chật hẹp, cheo leo, hun hút do các cựu binh của Sư đoàn 356 và các đơn vị bạn thay nhau bạt đồi, xẻ núi làm đường.

Trên con dốc chênh vênh, một bên là vách đứng, một bên là vực thẳm, tôi thấy trái tim mình có lúc như nghẹn lại ở mỗi khúc cua. Tôi thầm nghĩ, biết đâu đó, ở dưới mặt đường gồ ghề này hay ở dưới khe núi kia vẫn còn hài cốt của những người đồng đội trong trận đánh năm xưa. Nếu không thế thì tại sao chiếc xe con chở chúng tôi cứ thở lên hồng hộc, bánh xe như bị chặn cứng lại ở mỗi khúc cua trong nhiều khoảnh khắc? Lúc ấy, tôi thấy chiếc xe con như sắp lao thẳng xuống vực sâu thăm thẳm dưới nắng chiều. Nhưng rồi tôi lại cảm thấy như có cả ngàn cánh tay lính trận trong bời bời mây trắng đã nâng từng bánh xe lên, đưa nó đi qua những khúc cua gập khúc tay áo trên đỉnh dốc này. Những cảm giác thật lạ lùng đời tôi chưa từng thấy.

Chiếc xe con cứ ngoặt ngoẹo từng khúc quanh một trên con dốc dựng đứng gần hai cây số rồi cũng lên được đến đỉnh cao 468, nơi ngày xưa đặt Sở Chỉ huy của Sư đoàn 356, trong một cái hầm lớn. Trên điểm cao này, các cựu binh Sư đoàn 356 vừa khánh thành Nhà tưởng niệm liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên. Trước sân nhà tưởng niệm có một cây hương được dựng lên trước đây, để gia đình các liệt sĩ có người thân hy sinh ở chiến trường Vị Xuyên từ năm 1984-1989 chưa tìm thấy hài cốt, đến thắp hương hằng năm. Các cựu binh cho biết, khi chưa có cây hương này, gia đình các liệt sĩ lên tới đây không biết thắp hương ở đâu, đành đặt hương, hoa lên các mô đất ở điểm cao 468 để cầu khấn vong linh các liệt sĩ. Nay các cựu binh mới cùng nhau góp tiền xây nhà tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh.

Thượng úy Nguyễn Xuân Đệ, một cựu binh mặt trận Vị Xuyên năm xưa chỉ xuống thung lũng Nậm Ngặt và các đỉnh núi trước mặt, nói với các nhà văn: "Trên các dãy núi này và thung lũng dưới kia còn tới hàng trăm liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Vùng này còn nhiều mìn sót lại, chưa rà phá được. Tôi lại xúc động nhớ tới hình ảnh nhạc sĩ Trương Quý Hải, một cựu binh của Sư đoàn 356, đã khóc nức nở khi cầm đàn, hát bài "Đồng đội ơi về đây" do chính anh sáng tác. Trước cây hương trên điểm cao 468 này và tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, anh đã nhiều lần hát gọi các đồng đội đã hy sinh năm xưa hãy thức dậy trở về.

Hai ngàn tay súng chốt trên đồi này

Trong ngày giỗ trận Vị Xuyên năm nay, khi lên thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ trên điểm cao 486 và Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tôi đã không cầm được nước mắt khi các dòng thơ cứ tuôn trào trong bài thơ "Hai ngàn tay súng chốt trên đồi này": "Các anh nằm lại Vị Xuyên/ Hai ngàn liệt sĩ ở trên đồi này/ Nén hương đầu gió khói lay/ Khói hương chia khắp bia này mộ kia/ Âm dương hai ngả cách chia/ Hai ngàn tay súng đi về tận đâu/ Mẹ ơi! Đất nước thương đau/ Chúng con nằm lại núi sâu rừng già/ Hai ngàn trái tim xót xa/ Hai ngàn câu hát tình ca tắt rồi/ Hai ngàn nỗi nhớ  mồ côi/ Hai ngàn ngọn lửa quên đời trong đêm/ Các anh nằm lại Vị Xuyên/ Hai ngàn tay súng chốt trên đồi này/ Các anh vẫn mãi còn đây/ Đội hình đánh giặc bao ngày không quên/ Thưa mẹ, sớm nay bình yên/ Hai ngàn gương mặt hồn nhiên hiện về".

w08y_7b
Tác giả bài báo thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Ảnh: Việt Chiến

Sau khi thắp hương tưởng niệm ở đỉnh cao 468, đoàn nhà văn chúng tôi có buổi làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang để nghe các sĩ quan ở đây cung cấp tư liệu về trận chiến Vị Xuyên. Thượng tá Nguyễn Đình Tác, Trưởng ban Nghiên cứu khoa học Quân sự cho biết: Cuộc chiến bảo vệ biên giới ở tỉnh Hà Giang (trước đây là tỉnh Hà Tuyên) thực tế đã diễn ra trong 10 năm liền (từ 1979-1989). Năm 1979, trận chiến đầu tiên diễn ra ở các điểm cao vùng Lao Chải, Xín Chải và Mèo Vạc. Đến năm 1984, trận chiến ác liệt diễn ra ở điểm cao của huyện Vị Xuyên. Từ ngày 2 đến 27-4-1984, quân địch liên tục bắn pháo sang đất Việt Nam. Có ngày, chúng bắn từ 10.000 đến 12.000 viên đạn pháo vào các trận địa phòng ngự phía trước của ta, xa nhất chúng bắn pháo vào cả thị trấn Hà Giang cách biên giới 20km. Từ ngày 28 đến 29-4-1984, chúng bắt đầu tiến công chính diện mặt trận Vị Xuyên tại các điểm cao 1509, 772, 685, 400 và điểm cao 233, 266 tại cửa khẩu Thanh Thủy và chiếm các điểm cao này. Bộ đội ta từ những phút đầu tiên đã nổ súng đánh chặn địch quyết liệt. Đến 3 giờ chiều, địch mới chiếm được điểm cao 1509, bộ đội ta hy sinh 60 người và rút xuống phòng ngự ở bình độ 1.200m-1.100m. Địch tiếp tục tấn công dữ dội, ta đánh trả lại trong thế trận phòng ngự giằng co giữa hai bên, cũng có lúc ta phản kích chiếm được trận địa quan trọng nhưng cũng không giữ được vì hỏa lực pháo binh của địch quá mạnh.

Thời gian sau, chúng ta điều 3 Sư đoàn chủ lực 356, 316, 312 vào tham chiến. Vào ngày 12-7-1984 , các đơn vị chủ lực của bộ đội ta phản kích quyết liệt nhằm chiếm lại các điểm cao nói trên, nhưng do địa hình phức tạp, công tác chuẩn bị chiến trường chưa kỹ nên ta đã hy sinh gần 1.000 chiến sĩ, trong đó có 595 người thuộc Sư đoàn 356. Sau đó, rút kinh nghiệm, ta lại thay đổi cách đánh, thay đổi chiến thuật, đánh theo kiểu "lấn dũi", lên tới đâu mang vật liệu xây dựng hầm hào phòng ngự, chốt giữ ngay tại đấy. Từ tháng 10-1984 đến 3-1985, bộ đội ta đã giành lại được nhiều trận địa chốt quan trọng tạo thế xen kẽ giữa ta và địch.

Trong chiến tranh biên giới ở Hà Giang, có 2.760 liệt sĩ đưa vào 8 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó 1.882 liệt sĩ xác định được danh tính, còn 792 liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hà Giang còn gần ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Hà Giang còn 85.000ha đất ô nhiễm bom, mìn, trong đó có 25.000ha bom mìn dày đặc - Thượng tá Nguyễn Đình Tác cho biết.

Thượng tá Tác cũng cho biết: Có người cho rằng chiến dịch Thành cổ Quảng Trị diễn ra 81 ngày đêm cũng không gian khổ, khốc liệt bằng trận chiến hàng ngàn ngày ở Vị Xuyên. Bộ đội ta ban ngày phải quyết liệt giữ chốt dưới mưa đạn pháo của quân thù, ban đêm thì vận chuyển nước uống, gạo sấy, cơm nắm, đạn dược lên các điểm cao. Những ngày gian khổ ấy, thức ăn của chiến sĩ rất đạm bạc, thậm chí không có đủ mắm tôm để phát cho bộ đội ăn. Ở trên chốt lâu ngày, bộ đội ta để tóc dài, râu dài… không cắt, thậm chí không dám bắt tay nhau để kiêng tránh mọi sự rủi ro. Những người mẹ Hà Giang cưu mang bộ đội trong thời gian gian khổ ấy đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp về tình quân dân.

Các trận đánh ác liệt nhất ở Vị Xuyên diễn ra trong các năm 1984 và 1985, nhiều đơn vị đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 153, Sư đoàn 356), Trung đoàn 567 của Sư đoàn 322 và nhiều cá nhân Anh hùng như: Lê Trần Mã của Trung đoàn 153, Sư đoàn 356; Anh hùng liệt sĩ Hoàng Hữu Chuyên, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316; Anh hùng Nguyễn Viết Ninh với câu nói nổi tiếng "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử" 5 lần bị thương không rời trận địa… Trong 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới, có nhiều địa danh nổi tiếng của Vị Xuyên, Hà Giang đã đi vào lịch sử như: Đồi Đài, Cô Ích, Hang Lò, Hang Dơi, 685, 772…

Nguyễn Việt Chiến

Bình luận

ZALO