Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Lệ Thủy - Nhịp chèo theo dặm cờ bay

Biên phòng - Sáng ngày 2-9 hàng năm, như lệ cũ từ năm 1946 đến nay, để chào mừng Quốc khánh, vòng chung kết Hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang diễn ra tưng bừng trong niềm tươi vui, phấn khởi của bà con huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ngày hội của năm nay lại đặc biệt hơn vì cùng với việc diễn ra vòng chung kết, Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng Chứng nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia. Một lần nữa, lễ hội “dưới sông bơi chải, nhà nhà cờ bay” được nâng lên một tầng ý nghĩa mới.

bjvi_9a
Đội nữ Đại Phong trong hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang năm 2019. Ảnh: CTV

Các vòng loại bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang năm nay dù đã được chuẩn bị chu đáo, thời gian thi tài vẫn phải di dịch nhiều lần vì cơn bão số 4 đang đổ bộ, gây mưa lớn xuống miền Trung. Sáng 2-9, trên đoạn sông chảy qua thị trấn Kiến Giang, vang xa tiếng trống thúc, tiếng hò reo xen lẫn với những câu hò mái nhì, hò mái đẩy của vùng quê Lệ Thủy. Chưa bao giờ, nơi này có ngày hội “trai bơi, gái đua” náo nức đến thế. 

Thiên nhiên ban tặng cho Lệ Thủy cảnh sắc thanh bình, an vui, đặc biệt là dòng Kiến Giang (tên cũ là Bình Giang) ăm ắp sinh sôi cội rễ của mùa màng chảy ngang theo hướng Đông Bắc. Có thể vì dòng chảy không thuận như những con sông khác nên sông Kiến Giang còn được gọi là “nghịch hà”, mỗi năm đều đặn dâng lũ và dòng chảy khó lường. 

Sử sách ghi lại, hội bơi, đua thuyền có lịch sử lâu đời bởi con người ở miền đất cửa sông này luôn khao khát chế ngự được con sông. Hội bơi, đua thuyền là một trong những hình thức cầu mưa thuận, gió hòa, cầu mùa đối với cộng đồng dân cư làm nông nghiệp. Họ tổ chức đua thuyền cùng với cúng kiếng hà bá thần linh và quan trọng hơn nữa là tập dượt, làm quen với “tính nết” của con sông lớn. 

Trước đây, hội bơi, đua diễn ra vào mùa xuân, mùa ăn chơi lễ hội, trước khi cấy lúa xuân hè và xuất hiện từ thời di dân lập ấp cách đây hơn 600 năm của triều đại nhà Trần. Nhưng từ sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân Lệ Thủy tổ chức lễ hội vào ngày 2-9 hàng năm, để mừng ngày Quốc khánh.

Khởi đầu, 8 đội đua nữ tham gia hội bơi, đua thuyền năm nay gồm Lộc Thượng, Lộc Hạ, Lộc An, Phú Thọ, Thượng Phong, Đại Phong, Tuy Lộc và An Xá. Mỗi thuyền 16 vận động viên nữ bay trên đường đua sông 18km xuất phát ở Mũi Viết lên Thượng Tiêu vòng về Hạ Tiêu rồi về đích ở chân cầu Phong Giang. Toàn bộ đường đua tranh tài khoảng 90 phút đua. Các đội nam thi đấu làm 2 hạng A và B với 12 thuyền đua.  Khác với các đội nữ thì đội nam phải thi đua vòng bảng để chọn ra các đội vào vòng chung kết. 

Người dân Lệ Thủy rất tự hào về hội bơi, đua này. Họ lấy đây là niềm tự hào, nuôi dưỡng tâm hồn luôn nhớ về dòng sông và lấy đó là động lực làm giàu cho quê hương và bồi đắp ý chí cho chính mình. Vào hội, những trai bơi, gái đua vốn là những nông dân chân đất bỗng chốc trở thành những vận động viên đầy khí chất, hừng hực khí thế. 

Dòng Kiến Giang đỏ nặng phù sa vẫn mưa nặng hạt trong suốt buổi sáng ngày 2-9. Nhưng 2 bên bờ sông, người dân đứng chật kín, vẫy nón và áo mưa theo các đoàn đua. Thỉnh thoảng, người dân lại ào xuống sát mép nước, cổ vũ té nước vào các tay bơi thể hiện sự phấn khích, yêu quý và thúc giục đoàn đua tiến về đích. Đặc biệt là người gõ mõ trong mỗi chặng đua chính là người cầm cái, nắm giữ linh hồn của các con thuyền. Người này là người có uy tín trong cộng đồng, ít khi thay đổi mà trải qua năm này, năm khác, như cây cao bóng cả, người gõ mõ động viên, cổ vũ tinh thần các trai bơi, gái đua.

Sáng ngày 2-9-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức trao Bằng Công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho Lễ hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang. Cùng với hò khoan Lệ Thủy, huyện Lệ Thủy sở hữu 2 di sản văn hóa cấp quốc gia, đứng vào hàng ngũ những địa phương giàu giá trị văn hóa đời sống của cả nước. 

Tiếng gõ có chủ ý, có thông điệp như là tín hiệu nên người ta thường nói người đua thuyền tay thì theo nhịp chèo, nhưng hồn thì nương theo tiếng mõ tre. Năm nay, tiếng mõ tre bên sông Kiến Giang mang lại cảm xúc lạ kì. Không chỉ người bơi thuyền mà cả khán giả bên sông như hòa vào cơn mưa quá to, tiếng mưa rơi lớn và tiếng bơi chèo cũng hối hả bên sông. Tiếng mõ tre như tiếng hồn dân tộc, vọng về từ trăm năm, cổ vũ những con người Lệ Thủy hôm nay tiến lên phía trước. 

Từ giữa tháng 8, các làng đã hạ thủy các đò bơi để tập dượt cho cuộc đua đặc biệt này. Hội bơi, đua thuyền Lệ Thủy vốn là lễ hội giao thoa giữa 2 nền văn hóa của lịch sử là Đại Việt và Chiêm Thành. Vì vậy, hội đua hình thành từ đời sống, có ảnh hưởng của tôn giáo và đầy chất thượng võ.

Các trai đinh của làng được chọn phải khỏe mạnh, dẻo dai, thi đấu trên chặng sông dài hơn đua nữ, khoảng 24km. Toàn bộ sức vóc và tâm thế của dòng sông cũng gửi cả vào những tay chèo đó. Kỹ thuật trở hạ tiêu, sao cho thuyền không va chạm với đội bạn, kỹ thuật trầm mái chèo, thi đấu không thay người, giữ sức và khéo léo. 

Hội đua là một ví dụ điển hình của xã hội hóa, là thành quả và giá trị của văn hóa cách mạng mạnh mẽ, thu hút và tích tụ nhiều loại hình văn hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di sản khởi nguồn từ đời sống. 

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO