Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:12 GMT+7

Lễ thức dân gian ngày Tết của các dân tộc thiểu số

Biên phòng - “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói từ ngàn xưa giới thiệu về 4 mường lớn ở vùng Tây Bắc. Lớn nhất là Mường Thanh (Điện Biên), thứ nhì Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), thứ ba Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La), thứ tư Mường Than (Than Uyên, Lai Châu). Đây được coi là 4 vựa lúa của Tây Bắc. Mường Lò là một trong 4 mường này, nơi hội tụ của nhiều bản sắc văn hóa của đồng bào Tây Bắc, nổi trội là văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao, Tày. Các lễ thức dân gian các dân tộc thiểu số nơi đây thể hiện đậm nét nhất trong dịp Tết và những ngày hội Xuân.

Tết là dịp để dân tộc Thái ở Mường Lò sum vầy, cùng chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Hoa Viên

Vùng văn hóa Mường Lò bao gồm toàn bộ địa giới thị xã Nghĩa Lộ, cả lòng chảo của một thung với cánh đồng rộng lớn, màu mỡ và một số xã của huyện Văn Chấn bao quanh từ đèo Ách giáp ranh của xã Đồng Khê và Cát Thịnh, kéo dài đến đèo Ngam Cha của xã Tú Lệ. Đây là một miền đất với núi non trùng điệp và nơi bảo lưu nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Thái, Mông, Mường, Tày, Khơ Mú, Dao... thông qua Lễ hội hoa ban, Lễ hội Lồng tồng của người Thái, Lễ tăm khẩu mảu của người Tày, Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ Tết nhảy của người Dao, Lễ đón mẹ lúa của người Khơ Mú...

Người Thái ở Mường Lò có câu tục ngữ: Muốn biết lòng chủ nhà thế nào, hãy xem họ mời rượu (dooc hú trở tày hươn xưng hư, bấng sẳn mơi lảu). Khách quen đến nhà, người Thái xuống tận chân thang đón niềm nở đưa lên sàn trải chiếu ngồi với lời chúc tốt đẹp đầu Xuân, giao lưu, trò chuyện với khách bằng những câu chuyện xa xưa, hiện tại thấm đẫm tình người.

Vừa chuyện trò, vừa nhâm nhi chén rượu, rồi cùng nghe các cụ già “kể chuyện bản mường” từ sáng đến trưa, trưa đến tối không biết chán. Chuyện trò, nhận ra khách quý thật tâm với bản, chủ nhà có tín hiệu cho con cháu mời bà con mường bản và các cô gái đến khắp (hát), múa (xòe), trong âm điệu rộn ràng của nhạc khèn bè và các loại pí (sáo). Khách được mời vào vòng xòe, vừa xòe vừa được chủ nhà, được các mẹ, các bà, các cô gái hướng dẫn theo nhịp trống rộn ràng.

Dịp tháng Giêng, Hai, người Thái còn có Lễ “xên bản, xên mường” (cúng bản, cúng mường), ghi ơn tổ tiên khai mở đất đai, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vui vẻ ăn uống, múa hát.

Người Mường định cư nhiều ở Thanh Lương, Thạch Lương, Sơn Thịnh thuộc Mường Lò xưa (nay thuộc huyện Văn Chấn) thì quan niệm: “Trâu ra đồng ăn cỏ, người đến nhà ăn cơm”. Khách đã đến nhà, nhất là ngày Tết thì phải tuân thủ lệ này. Bao giờ cũng sẵn thức ăn là các sản vật tự làm ra. Chủ nhà ân cần trải chiếu hoa bên cửa sổ nhà sàn, trước là uống nước, sau là uống rượu. Chủ và khách luôn từ tốn làm đẹp lòng nhau. Khách quý còn được chủ nhà đón “thầy Đang” đến hát đối đáp. Khách biết “Đang” thì càng vui (Nếu người Kinh Bắc có dân ca quan họ, người Tày Nùng có hát Then, người Thái có Khắp, thì người Mường có “lời Đang”, hay còn nói ví là “Đang Mường”. Đang Mường là làn điệu dân ca chứa chan tình người, đằm thắm duyên quê, khát vọng về tình yêu quê hương đất nước). Khách đến thăm, khi chia tay, đường về còn xa, được chủ nhà gói theo cơm xôi, cá nướng, trứng gà luộc để ăn đường; nói là làm vía, nhưng thực chất là món quà quê đem về đón tay trẻ nhỏ.

Người Khơ Mú định cư ở xã Nghĩa Sơn, có Lễ hội “đón mẹ lúa” (He re mạ ngọ) và Lễ hội “mùa măng mọc”. Người Khơ Mú đón Tết không cầu kỳ như các dân tộc thiểu số khác. Tết Nguyên đán (lốt pi mặc chềng pi mị), lễ cúng từ chiều 30 đến mồng 3 Tết với nội dung: cúng sang Tết, cúng bố mẹ đã chết, cúng tổ tiên. Người Khơ Mú còn tổ chức Lễ hội “mùa măng mọc”, trang trí cây chuối quấn hoa tươi đủ loại cùng các con giống bằng tre nứa nhuộm màu, cùng các loại ngũ cốc, thể hiện ước mong cuộc sống sung túc, tươi vui và cây cối, mùa màng xanh tốt. Trong lễ hội, mọi người hân hoan trong những điệu dân ca, dân vũ, với các nhạc cụ tăng bu, tăng bảnh, hươn mạy, xe cắp... rộn rã núi rừng.

Người Mường chung vui bên ché rượu cần trong dịp Tết (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Hoa Viên

Người Tày chuẩn bị đón Tết cầu kỳ không kém các dân tộc thiểu số khác. Trước một tháng, các gia đình đều ưu tiên việc lên rừng lấy củi nấu bánh chưng. Củi nấu bánh chưng phải khô, chắc và thơm, đống củi Tết to, đẹp là niềm tự hào về kết quả lao động miệt mài, góp nhặt chăm chỉ và khéo léo của gia chủ. Tiếp đến là lên rừng lấy lá dong gói bánh chưng. Gạo nấu bánh chắc chắn chọn từ khi cấy lúa, đỗ chọn từ trên nương và thịt nhân bánh thì chọn từ lứa lợn đầu tiên trong năm rồi.

Câu nói: dành dụm mổ con lợn làm nhân bánh Tết, từ lâu đã cho thấy họ ý thức về nồi bánh chưng như là mục tiêu đạt đến cho sự no đủ cả vật chất lẫn tinh thần của cả một năm. Nào là bảy nút buộc, nào là lạt buộc xuôi cùng phía, nào là lớp lá trong, lá ngoài ấp ngược và đầu lá gập vào cùng đuôi lá, nào là bốn góc bánh vuông mà thân bánh tròn được kết nối từ bao nhiêu là sản vật. Đặc biệt, bánh chưng tròn phải có sóng lá thẳng thì công việc cả năm mới hanh thông.

Người Mông tính lịch Tết bằng mỗi tháng 30 ngày, mỗi năm 360 ngày, cho nên Tết Mông có thể trước hoặc gần với Tết âm lịch. Một trong những đặc sản của Tết Mông là bánh giầy. Đó là cơm nếp được cho vào máng gỗ giã nhuyễn rồi nắm lại từng nắm dẹt tròn. Có nhà làm hàng trăm chiếc để ăn dần. Tết Mông kéo dài hàng tuần, hàng tháng, với quan niệm “Có rượu cùng uống, có thịt cùng ăn”. Ngày Tết, các công cụ lao động (cày, bừa, dao, cuốc...) được nghỉ ngơi, dùng giấy màu cuốn lại, đặt sát vách gian giữa nhà.

Sau các nghi thức cúng thần linh, cúng ma rừng, ma nhà, cỗ được hạ xuống quanh bếp lửa, mọi người thụ hưởng vui vẻ. Sôi động nhất trong những ngày Tết là Lễ hội Gầu Tào, chọn nơi trời đất khoáng đạt, trồng cây nêu lớn buộc dải vải đỏ trên ngọn, dưới treo giấy bản màu và một quả bầu đầy rượu. Bên cây nêu, mọi người đánh tù lú, ném pao, đẩy gậy, bắn nỏ, đua ngựa, múa ô, thổi khèn, hát “khâu xìa plềnh”...

Những lễ thức ngày Tết, đón Xuân của các dân tộc vùng Mường Lò Tây Bắc ngày nay còn giữ được nhiều nét chân phác, gần gũi với thiên nhiên, thô mộc, khoáng đạt, trữ tình, tạo cho cảnh sắc và con người Mường Lò thêm thân thiện và cởi mở đón du khách về làng, về bản cùng vui Xuân. Hãy về Mường Lò cùng với người Tây Bắc xòe hoa mùa Xuân và cùng hát những bản tình ca núi rừng. Mường Lò và các lễ thức mùa Xuân đang chờ chúng ta, để cùng bảo tồn bản sắc một vùng quê.

Hoàng Nguyễn

Bình luận

ZALO