Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 08:08 GMT+7

Lê Thị Nhung - “Áo xanh nhuộm thắm đại ngàn”

Biên phòng - Gặp ca sĩ trẻ Lê Thị Nhung sau chuyến lưu diễn dài ngày của Đoàn Văn công BĐBP tại miền Trung, thấy cô chững chạc, trưởng thành lên nhiều. Được biểu diễn phục vụ bộ đội và đồng bào biên giới lần đầu tiên từ khi bước ra từ ánh hào quang giải Nhì, dòng nhạc thính phòng, giải Sao Mai 2017, Lê Thị Nhung chính thức đi vào hoạt động nghề nghiệp chuyên biệt. Cô trở thành một trong nhiều ca sĩ chính trong các chương trình của Đoàn Văn công đi biểu diễn ở các đơn vị BĐBP.

bj1l_20d
Ca sĩ Lê Thị Nhung trao đổi với lãnh đạo Đoàn Văn công BĐBP về tác phẩm mới.  Ảnh: TTH

Đợt lưu diễn kéo qua 3 tỉnh miền Trung là Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, các nghệ sĩ của Đoàn Văn công BĐBP đã quen với những khó khăn của nghề, nhưng Lê Thị Nhung thì lần đầu tiên được trải nghiệm một chuyến đi đường bộ lên biên giới, đến với đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi và đồng đội đóng quân ở những vùng biên cương xa xôi.

Lê Thị Nhung có vóc dáng nhỏ bé, mỏng mảnh như con chim sơn ca, cô ấn tượng mạnh với những vất vả và xa xôi của chuyến đi. Nhung nói, đường lên biên giới cứ hun hút mãi, hành trình đã làm sức lực một cô gái như tôi mỏi mệt rồi mà vẫn chưa tới được đồn Biên phòng. Nhờ thế, tôi mới biết những người lính đóng quân ở nơi xa xôi cách biệt, đồng bào các dân tộc nơi đây so với thành thị còn thiếu thốn quá nhiều và nhiệm vụ của chúng tôi là lấp đầy khao khát được hưởng thụ văn hóa tinh thần mà không phải lúc nào những người lính văn công Biên phòng cũng có thể tổ chức lưu diễn như thế này.

“Mỗi khi tới một điểm biểu diễn, một vùng miền nào đó, Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Đoàn Văn công BĐBP lại nói với tôi sơ bộ về tình hình chung vùng biên giới đó, để tôi tự chọn bài hát biểu diễn cho phù hợp” - Lê Thị Nhung chia sẻ - “Tôi thường chọn bài hát có liên quan đến văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở đó, đồng thời chọn những bài mà chính mình cảm thấy không lạc lõng, tạo được sự gần gũi, khơi gợi tình cảm, tình yêu làng bản quê hương để hát cho bà con nghe. Tôi không thể quên được những đêm mưa, bà con phải đi xa hơn 5 cây số đường rừng để ra trung tâm xã, nơi mà chúng tôi biểu diễn. Đến lúc mưa bất ngờ đổ xuống, không ai chạy vào hiên trú mưa mà cứ đứng đó để chờ nghe hát. Nhìn những gương mặt nhòa nước mưa hướng về sân khấu, tôi xúc động đến nghẹt thở, chỉ muốn hát thật nhiều cho bà con nghe”.

Lê Thị Nhung kể lại, khi cô tới La Lay, một xã biên giới miền Tây Quảng Trị. Ở đây, người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều rất nghèo nhưng rất thích xem văn nghệ. Khi Lê Thị Nhung đứng trên sân khấu hát, bà con lắng nghe rất chăm chú như muốn nuốt từng lời. Cô hát say sưa những bài hát “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư”, “Cô gái vót chông”, “Cô gái Pa Cô”... Lúc lùi lại để bước xuống sân khấu, cô hẫng chân bị ngã xuống sàn, cả đám đông những người đang nghe chăm chú bỗng nhiên ồ lên. Nhung vội vã đứng lên và cười, lúc đó bà con mới cười lên vui vẻ. “Tôi cảm thấy ấm áp lạ lùng, như một người con được trở về với quê hương, trở về với vòng tay của người mẹ, người chị xa lâu ngày gặp lại. Trong tôi đã cố định được tình cảm rất tự nhiên và gắn bó giữa người lính và biên cương, giữa bộ đội với đồng bào các dân tộc trên biên giới”. 

Trung tá, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ sự vui mừng khi một ca sĩ của Đoàn đạt giải cao trong một cuộc thi được giới chuyên môn đánh giá tốt là giải Sao Mai 2017. Tuy nhiên, anh cho rằng, Nhung bước vào nghiệp diễn chuyên biệt theo các chương trình nghệ thuật của Đoàn Văn công BĐBP là một thành công trong việc tuyển dụng, đào tạo nhân lực ở lĩnh vực đặc biệt này. Lê Thị Nhung là một diễn viên hát có năng lực chuyên môn, sở hữu chất giọng soprano đã qua đào tạo bài bản.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh đánh giá, có được giọng nữ cao và hiếm như Lê Thị Nhung, người nghệ sĩ phải có quá trình rèn luyện học tập nghiêm túc, đúng phương pháp, nếu không sẽ phá hỏng chất giọng tự nhiên, không những không thể tỏa sáng, mà còn mất đi cái vốn giọng hát ban đầu trời phú. Mặc dù mới về công tác tại Đoàn Văn công BĐBP, nhưng Lê Thị Nhung chịu khó học hỏi, kiên trì luyện tập và luôn tìm tòi, sáng tạo trong cách xử lý các tác phẩm, khiêm tốn và lắng nghe những người đi trước.

yrdj_20c
Ca sĩ Lê Thị Nhung. Ảnh: TTH

Nhạc sĩ Tuấn Anh cũng khẳng định, Đoàn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nhung phát triển con đường của một ca sĩ chuyên nghiệp vươn tới đỉnh cao. Nhung sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thi, mài giũa chuyên môn, tích lũy kiến thức. Đoàn sẽ mời các chuyên gia thanh nhạc có uy tín, trau dồi thêm kiến thức, kỹ thuật thanh nhạc, cách xử lý tác phẩm âm nhạc tròn trịa, thậm chí là hoàn thiện hơn nữa vẻ đẹp của giọng hát và ngoại hình để ca sĩ tỏa sáng.

Trước mắt, Đoàn Văn công BĐBP tin cậy giao cho Lê Thị Nhung vị trí hát chính trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Cô ca sĩ trẻ đang phấn chấn lên kế hoạch trong những tháng còn lại của năm 2017 sẽ ra mắt một tuyển tập CD gồm các tác phẩm thanh nhạc tốt nhất của mình trong thời gian vừa qua. Lê Thị Nhung nói rằng sẽ không thể thiếu được trong đó bài hát “Tình rừng” của nhạc sĩ Đức Trịnh, phổ thơ Lê Cảnh Nhạc. Vì bài hát này cô ca sĩ trẻ như thấy hình ảnh của mình trong đó: “Yêu thương cao như ngọn núi/ nỗi nhớ say như là rừng/ qua bao mùa trăng mùa rẫy/ Chờ mong em vẫn chờ mong/ Gió ngàn Việt Bắc gọi anh/ Rừng phong nắng trưa vàng rực/ Xa xa nhớ người chiến sĩ /Áo xanh nhuộm thắm đại ngàn...

Thụy Văn

Bình luận

ZALO