Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:32 GMT+7

Lệ Thanh trong tôi

Biên phòng - Gần 30 năm gắn bó với đất rừng biên giới Tây Nguyên, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai luôn hiện diện trong tôi với một “vóc dáng” dũng mãnh, dẻo dai, tràn đầy nguồn năng lượng cống hiến. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đây là biểu tượng của niềm tin và chiến thắng, với kỳ tích 9 ngày đêm cán bộ, chiến sĩ đơn vị quyết tử trong vòng vây quân thù. Và khi đất nước yên bình, những người lính Biên phòng dưới chân núi Phượng Hoàng dẻo dai chế ngự điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên để “tung cánh” bay cao, bay xa hơn giữa bầu trời biên giới…

Khu vực tăng gia sản xuất của Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh. Ảnh: TKN

Vượt qua thử thách, xứng danh Anh hùng

Ai đã từng đến với CKQT Lệ Thanh cũng đều cảm nhận, vùng biên này có điều kiện thời tiết khí hậu rất khắc nghiệt, với sự khô khan bức bối đặc trưng toát ra từ những cánh rừng khộp dọc hai bên biên giới. Mặc dù vậy, thử thách của vùng đất từng được ví là “cái rốn” sốt rét của tỉnh Gia Lai không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên mà lịch sử cũng đã ghi nhận những mất mát, hy sinh to lớn trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam.

Hơn 40 năm về trước, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh phải căng mình trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, mà đỉnh cao là trận chiến đấu ròng rã 9 ngày đêm trong vòng vây quân thù (từ ngày 18 đến 27/6/1978). Đây là khúc tráng ca bất tử, tạo nên vóc dáng đơn vị Anh hùng của Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh. Tiếp theo đó là những tháng ngày gian lao vất vả, mất mát, hy sinh trong cuộc đấu tranh chống bọn phản động FULRO và những luận điệu chống phá tình đoàn kết quốc tế, đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, những thách thức trên mặt trận tiêu diệt “giặc đói”, xóa bỏ “giặc dốt”, đẩy lùi “giặc nghèo”... Tuy nhiên, vượt qua tất cả, chiến thắng cuối cùng đã thuộc về những người lính giàu lòng quả cảm trấn giữ biên cương dưới chân núi Phượng Hoàng.

Sau gần nửa thế kỷ đồng hành với đất rừng biên giới, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh vinh dự được lãnh đạo chính quyền địa phương và Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai lựa chọn là đơn vị đỡ đầu cho xã Ia Dom, huyện Đức Cơ xây dựng nông thôn mới. Và cũng chỉ sau 3 năm bắt tay thực hiện chương trình, với sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm của chính quyền địa phương các cấp và BĐBP Gia Lai, 8/8 thôn làng trên địa bàn xã Ia Dom đã được thụ hưởng một hệ thống điện, đường, trường, trạm kiên cố hiện đại.

Các nhu cầu về văn hóa tinh thần, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại dịch vụ, cảnh quan môi trường, y tế, giáo dục và an ninh, trật tự của người dân được đáp ứng, đưa xã Ia Dom trở thành địa phương đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng “chạm đích” xây dựng nông thôn mới. Riêng về kinh tế, từ một xã đặc biệt khó khăn với trên 20% hộ nghèo (năm 2010), đến nay, con số này chỉ còn khoảng dưới 9% trên tổng số gần 2.000 hộ gia đình trong toàn xã.

Có thể nói, mỗi việc làm của người lính Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh là một “hạng mục” để cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nên “căn cứ niềm tin” trong lòng nhân dân. Và dù trong thời chiến hay thời bình, những người lính ấy vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, xứng đáng với tầm vóc đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi “binh cường” thì “thực phải túc”

Nói về Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh, Đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai chia sẻ với chúng tôi rằng, đã là đơn vị Anh hùng thì phải luôn dẫn đầu trên mọi phong trào, trong đó có công tác tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị. Thời gian qua, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh đã khẳng định rất tốt vai trò của mình, thì nay vẫn phải tiếp tục xây dựng mạnh hơn nữa. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh luôn quan tâm chăm lo và chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, vừa không ngừng nâng cao đời sống về mọi mặt cho bộ đội, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, khắc chế mọi sự bất lợi đến từ điều kiện tự nhiên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...

Vườn rau xanh với hệ thống nước tưới, mái che bằng lưới kiên cố, hiện đại vừa được đầu tư xây dựng ở Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh. Ảnh: TKN

“Thực túc, binh cường” hay nói một cách khác, khi “binh cường” thì “thực phải túc”. Với Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh, mỗi lần quay trở lại là một lần chúng tôi được trải nghiệm sự tươi mới tràn đầy “chất lính” khỏe khoắn và năng động.

Trung tá Bùi Quốc Chính, Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh cho biết: “Đứng chân trên địa bàn biên giới có điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đất đai bạc màu, việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bộ đội là điều rất cần thiết. Bên cạnh vườn cao su 15ha đang trong thời kỳ khai thác mủ, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và duy trì thường xuyên đàn gia súc, gia cầm gần 500 con, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng vườn rau xanh quanh bếp, quanh vườn.

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh đã trích kinh phí gần 200 triệu đồng quy hoạch, nâng cấp vườn tăng gia với hệ thống tưới, tiêu và mái che bằng lưới bài bản, bảo đảm mùa nào cây đó, đa dạng các loại rau, củ, quả để không chỉ phục vụ tốt đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, mà còn xây dựng cảnh quan đồn Biên phòng chính quy vững mạnh, tạo ấn tượng sâu sắc đối với mọi người khi qua lại CKQT Lệ Thanh...”.

Cũng theo chia sẻ của Đồn trưởng Bùi Quốc Chính, điều kiện tăng gia sản xuất của đơn vị gặp rất nhiều bất lợi do đất đai cằn cỗi, thiếu nguồn nước tưới, thậm chí có nơi anh em phải cải tạo bằng cách chở đất từ khu vực khác về để trồng. Mặc dù vậy, hiện nay, tất cả các tổ, chốt trên biên giới đều đã chủ động được nguồn rau xanh và thực phẩm tươi sống tại chỗ. Điều đáng nói là sản phẩm từ đôi bàn tay của người lính làm ra luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch, nói không với các loại hóa chất độc hại, tuyệt đối an toàn cho sức khỏe người dùng.

Nhờ làm tốt công tác tăng gia sản xuất, từ nhiều năm qua, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh đã đưa thêm vào bữa ăn cho bộ đội từ 3-4 ngàn đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, khi “thực túc”, đơn vị có thêm điều kiện chăm lo, giúp đỡ ngày càng tốt hơn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, duy trì đều đặn, hiệu quả các mô hình trợ giúp học đường, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần củng cố, thắt chặt tình đoàn kết quân dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.

Gần 30 năm gắn bó với đất rừng biên giới Tây Nguyên, cái tên Lệ Thanh luôn hiện diện trong tôi sự gần gũi, mến phục bởi ý chí, sức mạnh và tình yêu của người lính. Vượt qua bao thử thách gian nan, “vóc dáng” của một đơn vị Anh hùng càng trở nên vững mạnh, dẻo dai và tràn đầy nguồn năng lượng cống hiến.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO