Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 09:41 GMT+7

Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ III: Băn khoăn với “Bản tình ca từ đá”

Biên phòng - Lễ hội Hoa tam giác mạch trong vài năm trở lại đây đã trở thành điểm hẹn của những người yêu thích cảnh quan và cuộc sống đầy màu sắc của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Hà Giang thành công khi tạo dựng được một thương hiệu vừa mang nét truyền thống, vừa hợp xu thế để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù đã trải qua 2 kỳ lễ hội suôn sẻ, nhưng sắp bước vào kỳ lễ hội năm nay, Hà Giang vẫn phải tính đến chiến lược quảng bá đường dài về văn hóa, đây không hề là việc dễ dàng.

59cdfa1c22f7c744bf000d40
Cô gái Dao chuẩn bị cho cuộc thi sắc đẹp của thanh niên hưởng ứng Lễ hội Hoa tam giác mạch năm 2017.  Ảnh: Trương Thúy Hằng

Theo tính toán của Ban tổ chức, Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ III năm 2017 sẽ diễn ra muộn hơn những năm trước, từ cuối tháng 11 đến hết tháng 12 tại 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chủ đề của lễ hội lần này - “Bản tình ca từ đá” có ý muốn tạo dựng lên một cuộc trình diễn bản sắc văn hóa quy mô lớn. Khác với những năm trước, một số hoạt động táo bạo và thời thượng được đưa vào chương trình như: Bay dù lượn trên thảm hoa tam giác mạch, ẩm thực thịt bò bít-tết từ sản phẩm bò nuôi bằng cỏ dược liệu, hòa nhạc dưới chân cột cờ Lũng Cú...

Rõ ràng, lễ hội đang nhắm đến những khách du lịch từ xa tới, thu hút những người thích cảnh quan mạo hiểm và hướng đến những yếu tố du lịch hợp thời, mới mẻ với những khái niệm hoàn toàn xa lạ với người bản địa như dù lượn, bít-tết, hòa nhạc... Chúng tôi có cuộc đối thoại với ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn, xoay quanh một chủ đề: Làm thế nào để quảng bá vốn văn hóa gốc của Hà Giang trong sự cấp thiết phải đưa ra các chủ đề du lịch ăn khách có tính chất thời vụ? Ông Nguyễn Trung Ngọc thẳng thắn thừa nhận rằng, văn hóa lễ hội du lịch chưa thực sự mang lại lợi ích cho người dân bản địa. Bài toán về sinh kế vẫn tiếp tục phải đặt ra. Cùng với chiến lược phát triển nông thôn mới, có thể Hà Giang bắn mũi tên vào 2 đích: Tạo ra sản phẩm hàng hóa từ đặc sản địa phương và thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch thành mũi nhọn bằng sản phẩm du lịch tại chỗ. 

Trong kỳ lễ hội, liên tiếp các hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra như hội chợ Công viên địa chất quốc tế; Hội thi sản phẩm mật ong bạc hà tỉnh Hà Giang 2017 và hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ và các giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng mật ong bạc hà tỉnh Hà Giang; các hoạt động du lịch trải nghiệm như trình diễn, giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc... Một lần nữa, vấn đề sản phẩm du lịch được nhắc tới một cách cấp thiết.

Hà Giang có gì dành cho du khách? Mật ong hoa bạc hà, rượu và bánh bột tam giác mạch, trang sức bạc chế tác bởi bàn tay nghệ nhân người Mông, rượu ngô... tất cả đều rất hiếm! Riêng sản phẩm mật ong hoa bạc hà gần như không có, vì cây bạc hà trên cao nguyên đá không có đất sống sau nhiều mùa khô hạn. Nay, đã có người nghĩ rằng phải trồng lại loại cây dại này để nuôi ong. Sản phẩm từ hoa tam giác mạch vẫn còn là điều mới mẻ và sự trở lại của hoa tam giác mạch cũng đã là câu chuyện về cố gắng thay đổi nhận thức của người dân. 

Ông Nguyễn Trung Ngọc cho hay, việc phát động chiến dịch trồng hoa tam giác mạch lên tới 550ha ở huyện Đồng Văn vào thời điểm này cần phải huy động các tổ chức xã hội và toàn dân vào cuộc. Trừ những người dân có đất ven đường sẵn sàng hưởng ứng chiến dịch vỡ đất trồng hoa với phân và hạt giống được UBND huyện cung cấp thì cũng vẫn còn những người dân không muốn trồng hoa tam giác mạch. Đất của họ vốn để trồng ngô đông, rau và đậu.

So sánh lợi ích kinh tế, cây tam giác mạch là cây có hiệu quả kinh tế thấp nhất. Việc ngắm hoa đẹp sau đó ăn đói, mặc rét là việc đã từng xảy ra khi Hà Giang trồng đại trà cây cải dầu. Khách du lịch phấn khích và chớp lấy cơ hội có một không hai khi cả cao nguyên đá nở rộ hoa cải vàng - một hình ảnh của cao nguyên đầy hoa đẹp. Nhưng người dân sau đó chặt cây vứt đi vì hạt cải dầu không có đầu ra.

Từ chỗ hoa tam giác mạch là loại hoa được giới du lịch bụi mặc nhiên lấy làm hình ảnh đặc trưng cho Hà Giang nên năm nào cũng vậy, vào mùa tam giác mạch nở, người dân ở đây lại đón rất nhiều khách du lịch và mặc nhiên loài hoa này đã trở thành hình ảnh biểu tượng của cao nguyên đá. Cây lương thực ngắn ngày này còn gọi là mạch 3 góc, có hoa màu trắng hồng, rất nhỏ và mang vẻ đẹp mong manh đối lập với vẻ hùng vĩ và màu đá xám lạnh của cao nguyên địa chất mang lại một hình ảnh lãng mạn và khích lệ cảm xúc. Đó chính là “Bản tình ca của đá”. Hơn nữa, khi thu hoạch hạt tam giác mạch, phơi khô tán thành bột có thể dùng làm lương thực, nấu rượu hoặc chăn nuôi gia súc.

Thực tế, những năm gần đây, tam giác mạch dần vắng bóng và được thay thế bằng loại cây kinh tế hơn là cây ngô, đậu tương. Vì vậy, việc vận động người dân trồng cây tam giác mạch lại là một cuộc chiến. Các xã có đất ven đường khổ sở thuyết phục người dân, các tổ chức hội đoàn thể thậm chí phải xuống tận nương bà con, nhổ giúp họ gốc ngô mùa trước, nhổ cỏ làm đất để gieo cây hoa tam giác mạch cho kịp nở vào cuối tháng 11, đúng mùa lễ hội.

Ông Mua Sè Sính, Bí thư xã Sủng Là, Đồng Văn - một trong những địa điểm được mong đợi sẽ là thảm hoa tam giác mạch đẹp lý tưởng cũng phải than phiền rằng, có những người dân vận động mãi không đồng ý, nhiều ông chủ của những khoảnh đất đẹp ven đường mùa nào cũng phải vận động trồng hoa tam giác mạch nhưng chẳng chịu nghe. Họ còn bảo: “Ruộng tôi, tôi cứ để đấy, không trồng gì cả”.

Rõ ràng, họ không nhìn thấy được lợi ích của mình từ lợi ích chung cho toàn thể cao nguyên đá trong mùa lễ hội. Mục tiêu để toàn thể nhân dân được hưởng lợi ích mang lại từ du lịch không dễ thực hiện. UBND tỉnh Hà Giang ngoài việc vận động bà con trồng hoa, đã tính đến việc thu mua hạt tam giác mạch với giá cao cho bà con. Từ đó có cơ sở sản xuất đại trà sản phẩm từ tam giác mạch, giá thành cao hơn, lợi ích kinh tế nhãn tiền hơn là những hiệu quả từ quảng báo du lịch mà người dân chưa nhìn thấy.

Chắt chiu từ vốn văn hóa đang rơi rớt theo nền kinh tế thị trường để làm du lịch là việc không dễ dù lợi ích mang đến nhiều mặt và rất đáng kể. Nếu mùa nào Hà Giang cũng tạo ra một mùa hoa tam giác mạch khá chật vật và bế tắc, thì liệu những mùa sau khi lễ hội xuất hiện khắp mọi nơi và lễ hội chồng lên lễ hội, sự nhàm chán, tẻ nhạt ập tới và Hà Giang sẽ đắp thêm vào đời sống văn hóa bản địa điều gì? Đó là thách thức của các địa phương miền núi và vùng sâu, không chỉ riêng Hà Giang.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO