Biên phòng - Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương từ một nghi lễ dân gian đã trở thành Quốc lễ, là lễ hội đông nhất, được mọi người dân đất Việt không chỉ trong nước, mà còn cả ở nước ngoài mong chờ vào dịp mỗi tháng 3 âm lịch.

Chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam đến năm 2020 đặc biệt chú trọng quảng bá và đẩy mạnh tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt. Đây cũng là mục tiêu hòa nhập văn hóa với thế giới, mở cánh cửa Việt Nam ra quốc tế với niềm tự hào tín ngưỡng dân gian huyền ảo, phong phú mà vẫn đậm đà hồn Việt. Tục thờ các Vua Hùng trưng diễn tâm hồn nhân văn, ngưng kết qua ngàn năm văn minh lúa nước, đề cao mối hòa thuận với tự nhiên và khát khao đời sống thái bình thiện lành.
Với người Việt, tục thờ các Vua Hùng và thiết chế nhà nước Văn Lang từ hàng ngàn năm trước đã nâng đỡ tâm hồn người Việt, hun đúc lòng tự hào dân tộc. Đó hầu như mang ý nghĩa như là chúc thư cho tương lai. Thông điệp văn hóa rõ ràng nhấn mạnh thói quen hàm chứa nếp sống văn hóa của dân tộc ta là uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên khai sơn phá thạch, xây dựng đất nước.
Điều đó cho thấy tín ngưỡng bản địa thờ Hùng Vương đã có sự giao thoa, hoà quyện của văn hóa Phật giáo và Nho giáo trong lịch sử, phù hợp với sự phát triển chung của văn hóa dân gian Việt Nam. Thờ cúng Hùng Vương được xếp đứng đầu trong hệ chuẩn văn hóa Việt Nam, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình, dòng họ của người Việt.
Tín ngưỡng thờ Vua Hùng không những có mặt ở hầu khắp các địa phương trên đất nước Việt Nam, mà còn có mặt trên thế giới. Cộng đồng dân cư người Việt sinh sống ở đâu cũng mang theo tín ngưỡng này, lập làng ở đâu thì lập đền thờ Vua Hùng ở đấy với quan niệm con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó. Vì vậy, thờ cúng Hùng Vương thực sự là một tín ngưỡng bản địa, đã trở thành một hiện tượng văn hóa có sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa rộng, sâu, lâu bền trong cộng đồng người Việt.
Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2019 chính thức diễn ra từ ngày 5-4 đến 14-4 (tức ngày 1-3 đến 10-3 âm lịch), trùng với Tiết thanh minh, gần gũi với cư dân nông nghiệp. Thời điểm này, thời tiết trung du miền núi phía Bắc trong trẻo mát mẻ, là dịp để người dân thăm viếng mồ mả tổ tiên, tảo mộ, tạ lễ với người đã khuất. Như vậy có thể khẳng định, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mang ý niệm tâm linh của người Việt cổ, tải đi thông điệp ghi nhớ công ơn, thờ cúng cội nguồn tổ tiên.
Chương trình khai hội được tổ chức ngày 12-3 (8-3 âm lịch). Trước đó, tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6-3 âm lịch. Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10-3 âm lịch. Nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tổ chức lễ dâng hoa. Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức. Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương vào ngày 10-3 âm lịch. Năm 2019, lễ hội chú trọng đến cách tổ chức văn minh, nghi lễ hàm súc, ý nghĩa, chứa đựng truyền thông văn hóa.
Liên tục trong 10 ngày liền, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trải dài từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì. Hội trại văn hóa, liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ, trưng bày hoa, cây cảnh, hội sách, thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm các vùng miền, thi bơi chải truyền thống, trò chơi dân gian truyền thống, giải bóng đá phong trào. Lễ hội văn hoá dân gian đường phố nằm trong chuỗi các hoạt động bên lề Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019 nhưng cũng là hạng mục lễ hội được chờ đợi với phần trình diễn hấp dẫn ngoài trời và đông đảo người dân tham gia.
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương không chỉ với đồng bào trong nước, mà còn có cả cộng đồng người Việt đang sống xa Tổ quốc. Người Việt ở đâu cũng muốn xây dựng cơ sở thờ tự Hùng Vương ở đó, cúng giỗ tri ân công đức Hùng Vương. Niềm tự hào về nguồn cội đã khiến người dân trở thành những sứ giả mang văn hóa dân tộc đến với thế giới. Quảng bá và nâng vị thế đất nước qua sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng, đó cũng chính là sáng tạo nên những hình thức mới văn minh và bảo vệ bản sắc dân tộc.
Thụy Văn