Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Lễ cúng chóe mới của người Ê Đê ở Phú Yên

Biên phòng - Nhân dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022, chúng tôi có dịp về buôn Chơ, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên để giao lưu cùng với bà con của buôn và dịp này chứng kiến lễ cúng chóe mới của người Ê Đê ở đây.

Ông Ma Lâk làm nghi thức cúng chóe mới. Ảnh: Hà Thế

Theo quan niệm của người Ê Đê, trong mỗi chiếc chóe đều có một linh hồn. Chóe không đơn thuần chỉ là hiện vật, mà còn mang tính linh thiêng. Đây còn là vật dụng thể hiện sức mạnh của dòng tộc, tham gia vào dịp lễ giúp gắn kết cộng đồng, dòng họ. Do đó, người Ê Đê luôn làm lễ cúng báo với thần linh mỗi khi mua chóe về hoặc có sự thay đổi liên quan đến chóe.

Đối với gia đình người Ê Đê, voi, trâu, bò, cồng chiêng, chóe ủ rượu là tài sản có giá trị. Nhà nào có vài chục cái chóe là thể hiện sự ăn nên làm ra sung túc, là thước đo cho sự giàu có và uy lực của một gia đình, uy lực của dòng tộc. Chóe còn là sính lễ trong cưới hỏi và của cải chia cho người đã qua đời trong lễ cúng bỏ mả.

Ông Ma Lâk, ở buôn Chơ cho biết: “Khi đưa một chiếc chóe mới về nhà, phải tổ chức cúng nhập gia cho chóe. Lễ cúng mang ý nghĩa chủ nhà thông báo đến họ hàng, bà con trong buôn làng biết và đến chia vui cùng gia đình. Để từ đây, chóe chính thức như một thành viên, được quan tâm, đối xử như con người và “chung sống” lâu dài với gia đình”. Theo ông Ma Lâk: “Khi không còn sử dụng mà bán hay cho chóe đi thì cũng làm lễ cúng, khi không may làm bể chóe thì phải cúng tạ lỗi với thần linh”.

Già làng Oi Ngun, ở buôn Chơ bộc bạch: “Sau mùa vụ thu hoạch và chuẩn bị đón lễ hội lớn, bà con mua sắm chóe. Khi chóe mang về nhà, họ chờ cho đến đầu xuân, cây thay lá đâm chồi nảy lộc thì tổ chức lễ cúng xin phép các thần linh cho chóe cùng “ở chung” với gia đình”.

Quan sát lễ cúng chóe mới của gia đình ông Ma Lâk, chúng tôi thấy một con heo chừng 25-30kg, 3 chóe rượu, cơm gạo lúa tẻ, lúa nếp, muối, có cong đồng, vòng bạc, trầu cau và chiếc chóe mới được đặt ở giữa nhà. Chủ nhà làm lễ khấn vái Yang Adiê (Thần trời), Yang Ea (Thần nước), Yang Lăn (Thần đất), Yang Chứ (Thần núi và tổ tiên).

Lời khấn của ông Ma Lâk đại ý như sau: “Ơ các thần linh, dòng tộc, hôm nay gia đình chúng tôi làm lễ cúng mừng chóe mới về nhà, xin được các thần linh, tổ tiên cho phép chóe Tang, chóe Tuk như một thành viên trong gia đình, chóe cùng chia sẻ cái vui, nỗi buồn và những khó khăn trong cuộc sống ở ngôi nhà này. Thần linh độ trì chóe ủ rượu thật ngon để tế lễ cúng mừng lúa mới, cúng bến nước, cúng thần đất, mừng con cháu trưởng thành…”.

Khi cúng xong, ông Ma Lâk hút rượu cần vào chóe mới và đeo những chiếc cong đồng vào các tai chóe và vòng bạc vào cổ chóe. Nghi thức này là “mời”chóe uống rượu và trao “quà lưu niệm” cho chóe mới. Theo đó, chủ nhà mời các thành viên trong gia đình, thân tộc và khách xa, bạn gần ăn cơm, uống rượu.

Trên chiếc kpan (nơi ngồi đánh cồng chiêng) đặt dọc theo nhà dài, họ chuyền tay nhau tô rượu cần thơm nồng và gõ nhịp chiêng âm vang cả buôn làng, chia vui cùng gia chủ có ché mới về nhà. Các thanh niên thổi kèn môi truyền đạt ước vọng, còn các thiếu nữ với trang phục truyền thống hân hoan thể hiện điệu múa xoang Tưnôl và Tap sơgơr dưới nhà sàn.

Kết thúc nghi lễ cúng chóe mới bằng một tràng chiêng vang lên, thay cho lời cảm ơn của chủ nhà tới họ hàng, bà con đến chung vui và mọi người quây quần bên các ché rượu cần, cùng ăn bữa cơm mừng cho gia chủ đã sắm được chiếc chóe quý.

Nhân dịp này, chúng tôi tìm hiểu và được biết, hiện nay, gia đình ông Ma B’Hoa, ở buôn Lé A, xã Krông Pa có số lượng chóe nhiều nhất tại địa phương với hơn 30 chóe Tuk và chóe Tang. Đây là sính lễ của cha mẹ vợ ông mừng cho con gái đã “bắt” chồng (theo tục lệ của dân tộc Ê Đê, con gái đi cưới con trai làm chồng).

Ông Kpă Thinh, Chủ tịch HĐND xã Krông Pa chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình nào có mua chóe mới đều tổ chức cúng thần linh. Nghe tin ấy, bà con trong buôn làng rất mừng vui, bởi gia chủ có làm, có tích lũy mới sắm được chóe làm tài sản… Gia đình nào, buôn làng nào có chóe nhiều là thể hiện sự đủ đầy trong cuộc sống. Nó còn ý nghĩa hơn là gìn giữ được truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc Ê Đê”.

Người Ê Đê xếp theo giá trị của chóe thành 4 cấp: Chóe Tuk, chóe Tang, chóe Ba, chóe Bô. Ngoài ra, còn có loại chóe Jăn, chóe Duê, chóe Kriăk... tùy theo văn hóa từng vùng nên đôi khi cùng một loại chóe nhưng tên gọi khác nhau. Xưa kia, chóe Tuk là có giá trị nhất thường đổi bằng 1 con voi hay 8 con trâu. Loại chóe này chỉ sử dụng trong lễ hội quan trọng của buôn làng và phải có gia súc tế lễ kèm theo, ít nhất là con heo đực thiến trên 50kg. Gia chủ không bao giờ cho người khác mượn chóe Tuk. Chóe phải để nơi kín đáo, riêng biệt, người ít tuổi không được lại gần chóe.

Hoàng Hà Thế

Bình luận

ZALO