Biên phòng - Tư tưởng "dĩ dân vi bản" là tư tưởng xuyên suốt trong lịch sử dân tộc. Kế thừa và phát triển tư tưởng đó, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, vị trí của nhân dân. Người khẳng định: Dân là "gốc của nước", gốc có vững thì cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
Khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ", do vậy, "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Người yêu cầu tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Người căn dặn cán bộ, đảng viên rằng, mỗi cán bộ trước hết là người "đầy tớ của dân" nên phải hết lòng phục vụ nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực sự "lấy dân làm gốc", phải luôn tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phải lấy mục đích bảo vệ cho nhân dân sống yên vui, hạnh phúc làm đầu; phải vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ; lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của người cán bộ. Phải làm tốt công tác dân vận. Nghĩa là, phải "vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho".
Phải nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân đối với những âm mưu phá hoại, những luận điệu xuyên tạc, chống phá mà các thế lực thù địch có thể tuyên truyền trong quần chúng nhân dân, hòng hạ thấp uy tín của Đảng, làm cho nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, kích động nhân dân chống lại chế độ, gây mất ổn định chính trị và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Thấm nhuần quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, với đường lối chiến tranh nhân dân, Đảng đã phát huy được sức mạnh của mọi người dân, tạo nên sức mạnh to lớn để dân tộc ta chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành lại độc lập và thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng tiếp tục khẳng định “lấy dân làm gốc” là bài học kinh nghiệm hàng đầu, là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ trương đúng đắn của Đảng đã khơi dậy và huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, ức hiếp, trù dập quần chúng, không quan tâm đến những nguyện vọng chính đáng của quần chúng, coi thường kỷ cương phép nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền nhưng đã thoái hóa, biến chất... khiến cho quần chúng nhân dân bất bình, bức bối, giảm niềm tin vào Đảng và Nhà nước, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Trước thực trạng đó, nhằm vận dụng sáng tạo quan điểm “dĩ dân vi bản” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và sức mạnh của mỗi người dân để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, cần tuyệt đối tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN; phát huy vai trò, tạo điều kiện, cơ hội để nhân dân tham gia thảo luận, góp ý những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Phổ biến và thực hiện tốt hơn nữa “Quy chế dân chủ ở cơ sở”, từng bước giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc đang đặt ra.
Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo nhân dân thực sự làm chủ, được bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội. Tổ chức và động viên, quy tụ nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng tôn giáo. Bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, chăm lo xây dựng các công trình phúc lợi cho nhân dân.
Ngoài ra, cần tăng cường mối quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, trong đó, “MTTQ đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân”. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, góp phần làm cho mối liên hệ đó ngày càng khăng khít, đảm bảo ý Đảng luôn phù hợp với lòng dân. MTTQ phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, hiểu biết về đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, về nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng; phát huy vai trò của nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, đưa đất nước phát triển.
Những kỳ tích của ông cha ta trong các cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước và những thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đều xuất phát từ đường lối “lấy dân làm gốc”.
Mặt khác, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần làm tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội phát triển toàn diện và bền vững đất nước. MTTQ phải là chủ thể tích cực phát huy vai trò của nhân dân trong tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho các chủ trương, chính sách của Đảng và của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân... Tăng cường công tác phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từng bước tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.
Vì thế, bài học đó vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay và mai sau.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên