Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:13 GMT+7

Lấy người dân làm chủ thể trong bảo tồn văn hóa truyền thống

Biên phòng - Tôi lên vùng cao Nam Giang, thỉnh thoảng bắt gặp những cơn gió mát mẻ và bầu không khí trong lành đặc trưng của vùng Trường Sơn để hòa vào văn hóa truyền thống của tộc người Ve, Tà Riềng và Cơ Tu thuộc xã vùng biên Đắc Tôi giáp với nước bạn Lào. Trong những năm qua, nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, chính quyền xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và đồng bào các dân tộc nơi đây đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả.

Những nghệ nhân trong tổ điêu khắc của thôn Đắc Ro, xã Đắc Tôi đang thực hiện công đoạn tạc tượng gỗ (ảnh chụp trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội). Ảnh: Văn Sơn

Những ngày đầu tháng 9-2021, chúng tôi đến thăm Đắc Rích, một thôn có 100% đồng bào dân tộc Tà Riềng định cư, sinh sống và nơi có nghề dệt thổ cẩm từ lâu đời. Vội vã chào khách, vừa tranh thủ dệt tấm thổ cẩm còn đang dang dở tại hiên nhà, chị Tơngôl Vang (43 tuổi) cho hay: Từ xưa đến nay, nghề dệt thổ cẩm của người Tà Riềng luôn được các thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau, vì thế, trang phục truyền thống của người Tà Riềng trong thôn Đắc Rích hôm nay đã được gìn giữ những nét độc đáo trong kỹ thuật dệt và nhuộm sợi.

Theo chị Vang, mỗi khi được bà con trong thôn đặt hàng từ tấm địu trẻ em, khố, váy về mặc vào những dịp lễ hội đến tấm choàng được các gia đình mua về đắp cho ấm trong những cơn mưa rừng Trường Sơn, đã làm tôi rất vui bởi bà con vẫn còn dùng trang phục truyền thống dân tộc mình. Dệt vải thổ cẩm còn nhằm trao đổi với người Ve trong xã để có thêm con heo, con gà về nuôi tăng thêm thu nhập, đồng thời tạo động lực, khơi gợi sự đam mê cho con cháu tiếp nối nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.

Còn với anh Zơ Râm Vuôn (dân tộc Cơ Tu) hiện đang trú tại thôn Đắc Ro thì chỉ với cái rìu, đục và bằng đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, anh cho ra đời nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc độc đáo. Anh Vuôn đến với nghề từ khi 15 tuổi là nhờ những nghệ nhân lớn tuổi trong làng chỉ dạy. Năm nay 50 tuổi, nhưng anh Vuôn đã có thâm niên tạc tượng gỗ hơn 30 năm. Anh luôn trăn trở làm sao để tác phẩm của mình làm ra thật gần gũi với đời thường.

Anh Vuôn chia sẻ: “Làm nhiều, chế tác nhiều rồi thành quen. Ấy thế, mỗi lần đi rừng săn bắn hay đi khai thác mật ong, khi bắt gặp một gốc cây hay một khúc gỗ thô, trong đầu mình đã hình dung ra được mình phải đục đẽo như thế nào. Khi mang một gốc gỗ về, mình cũng cần thêm nhiều thời gian để ngắm nghía, hình dung rồi mới mày mò để sáng tác. Làm một bức tượng gỗ đã khó, nhưng để bức tượng đó có hồn, mang ý nghĩa và toát lên nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì càng khó hơn”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nhiều năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong xã Đắc Tôi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nơi đây. Địa phương này đã có nhiều cách tuyên truyền nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, lấy đồng bào các dân tộc thiểu số làm chủ thể. Hiện nay, mỗi thôn đều đã thành lập đội cồng chiêng và văn nghệ dân gian với hạt nhân nòng cốt là các nghệ nhân.

Tại thôn Đắc Tà Vâng đã xây dựng đội múa cồng chiêng từ 25-30 người và đội đinh tút với từ 10-12 người tham gia nhằm duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa của đồng bào. Thôn Đắc Rích thành lập tổ dệt thổ cẩm thu hút 20 phụ nữ Tà Riềng tham gia. Thôn Đắc Ro thành lập tổ điêu khắc tượng gỗ với nhiều nghệ nhân lớn tuổi làm nòng cốt và thanh niên trong thôn.

Bà Cha Rum Ơn, ở thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi với chiếc mâm cơm do bà đan, đây là nghề truyền thống của người Tà Riềng. Ảnh: Văn Sơn

Hằng năm,vào những dịp tổ chức ăn mừng lúa mới, Ngày hội Đại đoàn kết, mừng Ngày Quốc khánh (2-9), mừng ngày thống nhất đất nước (30-4)..., xã Đắc Tôi thường lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: Diễn tấu cồng chiêng, hát múa, thổi đinh tút, thi ẩm thực, dệt thổ cẩm, điêu khắc tượng gỗ..., luôn được người dân tham gia nhiệt tình, đông đảo.

Đem câu chuyện bảo tồn văn hóa truyền thống ở địa phương, chúng tôi được ông Zơ Râm Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi cho biết: Thời gian qua, chính quyền xã đã có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích các nghệ nhân dệt thổ cẩm, điêu khắc, đan lát để truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, nhất là các con cháu trong gia đình.

Ông Minh chia sẻ thêm: Là xã vùng cao biên giới, nên so với một số địa phương khác trong huyện Nam Giang, bản sắc văn hóa đồng bào Ve, Tà Riềng, Cơ Tu trong xã Đắc Tôi còn tương đối nguyên vẹn. Điều đó thể hiện rõ nét từ nếp sống, sinh hoạt, phong tục tập quán đến kiến trúc nhà, trang phục và nghề truyền thống... Đồng bào Ve, Tà Riềng, Cơ Tu đều có những truyền thống văn hóa riêng nên chúng tôi luôn chú trọng bảo vệ những nét riêng đó. Đây được xem là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị chứ không phải của riêng ai.

Tuy nhiên, lãnh đạo xã Đắc Tôi cũng thừa nhận, mặc dù làm tốt công tác bảo tồn, nhưng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ve, Tà Riềng, Cơ Tu, đặc biệt với đồng bào Tà Riềng - một tộc người chiếm số đông trong xã vẫn bị mai một. Do vậy, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số không chỉ có ý nghĩa giữ gìn nền tảng tinh thần của xã hội mà còn trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyễn Văn Sơn

Bình luận

ZALO