Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Lày cỏ - Nét đẹp trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng

Biên phòng - Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng có rất nhiều trò chơi dân gian như ném còn, nhảy bao bố, đánh cù, lày cỏ... thể hiện sự đoàn kết, nhanh nhẹn và khéo léo của người tham gia. Trong đó, lày cỏ (tiếng dân tộc là “sai mạ”) là trò chơi thu hút nhiều người tham gia và rộn ràng nhất vào những dịp lễ, Tết, hội hè, ngày vui... Đó là nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của người Tày, Nùng vẫn được đồng bào bảo tồn và phát huy trong đời sống hôm nay.

q9vy_9a
Lày cỏ được đưa vào thi đấu trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2019 nhân dịp kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Thanh Thuận

Trong những dịp lễ, Tết, ngày vui của người Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng, người ta thường tổ chức trò chơi lày cỏ. Đây là hoạt động giao lưu mang nét văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào. Cách chơi lày cỏ của người Tày, Nùng gần giống như trò oẳn tù tì của người miền xuôi, tuy nhiên, trò chơi này phức tạp hơn vì phải kết hợp giữa miệng nói, tay xòe và suy nghĩ. 

Lày cỏ không phân biệt tuổi tác, thu hút đông đảo người chơi từ già đến trẻ và thường đàn ông hay tham gia chơi nhiều hơn phụ nữ. Ngoài những dịp lễ, Tết, hội hè, người ta còn chơi lày cỏ trong giờ giải lao khi làm đồng, những buổi sum họp bạn bè, gia đình, mừng nhà mới, mừng thượng thọ... nhằm tạo không khí sôi động, thu hút người xem và hưởng ứng. Nhiều cuộc chơi không phân thắng bại, kéo dài thời gian bởi người chơi quá khéo léo và nhanh trí. Qua thời gian, trò chơi đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hùng, cách nói lày cỏ được gọi theo tiếng Hán chính là lai quá (lại qua). Người đối qua, người đáp lại, lày cỏ tạo không khí sôi nổi, hào hứng giữa những người chơi. Mỗi lượt chơi lày cỏ thường có 2 người hoặc lập đội, mỗi đội từ 2 người trở lên. Người chơi phải phán đoán xem đối phương xòe ra ngón tay như thế nào để đưa ra kết quả. Bắt đầu chơi, người chơi cùng đồng thanh hô một con số do mình chọn, sau đó, tùy theo ý mình, mỗi người xòe ra mấy ngón tay, miễn sao khi cộng các ngón tay của 2 người lại vừa đúng với số mà mình hô trước đó. Người chơi phải hô và ra ngón tay đều nhau, không giơ ra ngón tay sớm hoặc muộn hơn. Nếu người chơi thực hiện quá trình không đồng bộ giữa xòe ngón tay và hô thì sẽ bị phạt. Hai bên nói kết quả đúng và trùng nhau thì hòa.

Người chơi phán đoán kết quả thường hô bằng ngôn ngữ Hán Nôm, như: “Nhất” là số 1, “nhị” là số 2, “slam” là số 3, “slế” là số 4... Người đoán đúng sẽ thắng, còn người đoán sai bị thua và bị phạt. Người ta dùng 4 que đũa chia đều cho mỗi bên. Người nào thua sẽ tự rút bớt 1 que đũa và đưa cho người thắng cuộc. Chơi đến khi nào một bên hết 4 que thì kết thúc một hiệp. Điều đó cũng có nghĩa là bên đó thua. Người được nhận hết đũa là người thắng cuộc. 2 người chơi cùng nói kết quả đúng và trùng nhau thì hòa. Do đó, người chơi cần suy nghĩ nhanh, liên tục đổi mới cách xòe tay khiến cho đối phương không thể đoán được.

Nhà nghiên cứu dân gian Cao Bằng Hoàng Thị Nhuận cho biết: “Trò chơi lày cỏ là nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày, Nùng từ xa xưa. Trong các ngày lễ hội, ngày vui của bản làng thường tổ chức các cuộc thi lày cỏ nhằm mang lại không khí sôi nổi cho người đi chơi lễ hội. Đây là nét văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng của đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng vẫn được gìn giữ trong đời sống xã hội hiện đại”. 

Người Tày, Nùng ở Cao Bằng hầu như ai cũng biết chơi lày cỏ. Bên những người chơi sẽ có một hũ rượu và có một người chuyên rót rượu cho người bị phạt. Cứ hết một hiệp chơi, người thua cuộc sẽ phải uống 1 chén rượu. Ai thua cuộc liên tục sẽ phải uống nhiều rượu. Nên dứt cuộc chơi, nhiều người ra về trong trạng thái lâng lâng, mặt đỏ bừng, có người chếnh choáng say, nhưng họ đều thấy vui vẻ sau khi đã “hết mình” với cuộc chơi. Ngày nay, trong các cuộc chơi “lày cỏ”, chuyện uống rượu không còn như trước, có người chỉ nhấp ngụm uống cho vui chứ không phải uống hết như trước. Cuộc chơi cũng vì thế có thể kéo dài hơn.

Ngày nay, đời sống xã hội ngày càng phát triển, sự phong phú của nhiều chương trình nghe, nhìn và internet phổ cập đến từng nhà, từng người dân, nhưng với đồng bào Tày, Nùng, lày cỏ vẫn được gìn giữ và phát huy trong những ngày lễ, Tết, hội xuân... Đồng bào vẫn hào hứng, nhiệt tình tham gia. Không chỉ trong lễ hội mà trong ngày vui, ngày trọng đại của làng xã, gia đình, những cuộc chơi lày cỏ cũng được tổ chức đã tạo thành sợi dây vô hình gắn kết mọi người từ xa lạ trở nên thân quen với nhau hơn. Đó chính là nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Tày, Nùng vẫn luôn được bảo tồn, duy trì trong đời sống hôm nay.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO