Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:25 GMT+7

Lập nghiệp từ đam mê làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Biên phòng - Lấy kiến thức làm nền tảng, niềm đam mê làm động lực, Vì Văn Bình, sinh năm 1987, người dân tộc Thái, ở bản Áng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã thành công với mô hình trồng nấm và rau sạch theo hướng công nghệ cao. Hiện, 2 mô hình trên cho tổng doanh thu gần 8 tỷ đồng/năm; đồng thời, mang lại công việc cho khoảng 70 lao động thường xuyên và thời vụ.

m196_15a
Đam mê và kiến thức giúp Vì Văn Bình thành công khi làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sơn La được xem là vựa ngô của các tỉnh vùng núi Tây Bắc, nhưng khi thu hoạch, bà con chỉ lấy hạt ngô, còn lõi ngô thì làm củi đốt hoặc vứt bỏ. Ngay khi còn ngồi trên giảng đường, Vì Văn Bình đã nhận thấy chất dinh dưỡng trong lõi ngô là điều kiện chuyển hóa cơ bản để nấm phát triển, anh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu và phát triển ý tưởng sử dụng lõi ngô để trồng nấm. Tháng 6-2011, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, Vì Văn Bình trở về quê cùng 6 người bạn thành lập Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Sơn La chuyên về trồng nấm. Khởi nghiệp chỉ với vài triệu đồng, anh bắt đầu trồng nấm với quy mô nhỏ và mô hình này nhanh chóng cho lợi nhuận. 

Tuy nhiên, Bình gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi mô hình trồng nấm từ quy mô nhỏ sang sản xuất quy mô lớn và môi trường trồng nấm phát sinh bệnh hại. Anh cho biết: “Thời điểm đó, nấm chết rất nhiều, dù đã nghiên cứu và nắm chắc kỹ thuật trồng nấm, nhưng tôi vẫn thất bại. Đồng thời, tôi cũng thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý và hạch toán tài chính, nên công ty dần rơi vào tình trạng thua lỗ, thiếu vốn quay vòng, tái sản xuất, kiệt quệ về tài chính. Một số thành viên trong nhóm đã rút vốn”. 

Chia sẻ về triết lý kinh doanh, Vì Văn Bình cho biết: “Muốn bán một sản phẩm không quá khó, nhưng cái khó là giữ chân được khách hàng. Chính vì vậy, chúng tôi quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”, sản phẩm tốt là yếu tố tiên quyết trong kinh doanh”. 

Đứng trước nguy cơ phá sản, Vì Văn Bình và các thành viên còn lại đã không chịu bỏ cuộc và quyết tâm đổi mới sản xuất. Anh tiếp tục tự nghiên cứu kỹ thuật trồng nấm ứng dụng công nghệ cao qua những lần thất bại, rồi tự học hỏi qua sách báo, mạng Internet và các trại nấm ở các địa phương khác. Anh chia sẻ: “Trồng nấm trên quy mô lớn đòi hỏi cao hơn về kỹ thuật và mức độ chống chịu bệnh hại. Dù đã tham khảo nhiều mô hình trồng nấm của các trang trại bạn, nhưng mỗi địa phương lại có khí hậu khác nhau nên hầu như tôi không thể áp dụng được nhiều. Lúc này, tôi xác định, mình muốn vực dậy được sản xuất thì phải tự nghiên cứu, lấy kinh nghiệm từ thất bại của bản thân đúc kết làm bài học và áp dụng vào sản xuất”. 

Phải đến năm thứ 3, công ty mới dần ổn định sản xuất và Vì Văn Bình dần quen với công tác quản lý, hạch toán tài chính. Hiện, công ty có 3 trại sản xuất nấm tại xã Chiềng Ban với tổng diện tích gần 2ha với các loại nấm sò, mộc nhĩ, hoàng đế, linh chi, vân chi... Sản lượng nấm tươi bình quân của công ty Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Sơn La đạt khoảng 100 tấn/năm, giá bán ra thị trường khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg. Tổng doanh thu trung bình đạt khoảng 4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động và 20 lao động bán thời gian với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. 

Không chỉ dừng lại thành công từ cây nấm, năm 2016, Vì Văn Bình và 7 người khác còn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xanh 26/3, liên kết với các hộ nông dân tại địa phương, sản xuất hơn 30 loại rau sạch cung ứng cho các gian hàng rau sạch của thành phố Sơn La, huyện Mường La, Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La), Hà Nội, hệ thống siêu thị Vinmart... Doanh thu trung bình đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm và tạo công việc cho 20 lao động thường xuyên. 

Hiện, có nhiều địa phương trên cả nước sản xuất và kinh doanh nấm, rau sạch, nhưng thương hiệu nấm của Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Sơn La và rau sạch của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh 26/3 vẫn tạo dựng được vị trí riêng. 

Vì Văn Bình chia sẻ: “Niềm đam mê là động lực thôi thúc tôi và các bạn lựa chọn con đường lập nghiệp bằng làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên chính quê hương mình. Không chỉ sản xuất và kinh doanh nấm, rau sạch, chúng tôi còn cung cấp giống, tập huấn và chuyển giao công nghệ để nhân rộng mô hình này, với mong muốn đóng góp một phần công sức bé nhỏ của mình, làm cho quê hương giàu đẹp hơn”. 

Năm 2017, Vì Văn Bình nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2017 cụm miền núi phía Bắc; Giải thưởng Lương Định Của tuyên dương thanh niên nông thôn sản xuất giỏi. Đồng thời, anh cũng là một trong 120 gương mặt trẻ người dân tộc thiểu số tiêu biểu xuất sắc năm 2019.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO