Biên phòng - Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, việc giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý, giám sát theo truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tại Lào Cai là mô hình bảo vệ rừng hiệu quả nhất.

Kết quả kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững tại tỉnh Lào Cai của Ủy ban Dân tộc cho thấy độ che phủ rừng tại Lào Cai đạt 54%, ở mức cao so với mức bình quân chung của cả nước.
Tính đến tháng 8-2018, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã cơ bản được giao cho cộng đồng dân cư, tổ, nhóm và hộ gia đình ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số quản lý.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, trong khoảng 22.000 hộ tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, có 433 cộng đồng dân cư, 44 tổ, 157 nhóm và gần 300 hộ gia đình quản lý, bảo vệ rừng theo tín ngưỡng. Diện tích rừng giao cho đồng bào dân tộc thiếu số quản lý được bảo vệ tốt.
Bên cạnh việc tổ chức triển khai các chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững do Trung ương ban hành, tỉnh Lào Cai đã chủ động nghiên cứu, ban hành chính sách, đề án hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ để tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất cây trồng và giá trị kinh tế của một số loại lâm sản có lợi thế trên địa bàn.
Được biết, hiện tỉnh Lào Cai đang triển khai đề án phát triển cây Quế, Thông, Bồ đề và cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Xuân Hương