Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 09:29 GMT+7

Lành mạnh hóa thương mại điện tử

Biên phòng - Với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Dự báo đến năm 2025, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD, thậm chí lên đến 57 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

Hiện, có khoảng 60 triệu người Việt Nam đang tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm trung bình từ 260-285 USD/người. Với sự phát triển mạnh mẽ này, TMĐT Việt Nam đang được định hướng trở thành bệ phóng của nền kinh tế số.

Song, bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, TMĐT còn bộc lộ một số bất cập trong quá trình phát triển do phải đối mặt với những hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Đặc biệt, sự gia tăng hoạt động TMĐT qua môi trường các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… trong những năm gần đây đang kéo theo những hệ lụy về lừa đảo, gian lận, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trốn thuế. 3 năm trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý khoảng 3.000 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng liên quan đến các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT.

Bộ Công thương quan ngại khi mỗi ngày có tới 5-6 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động TMĐT và có tới 68% người tiêu dùng cho biết trở ngại lớn nhất khi mua hàng trực tuyến vì lo hàng nhái, hàng kém chất lượng so với quảng cáo.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam còn chưa tương thích và chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế về quản lý nhà nước và đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT. Việc phát hiện, xử lý các vi phạm về TMĐT còn hạn chế và bị động do công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh.

Theo các chuyên gia, nếu không có biện pháp, công cụ pháp lý hữu hiệu để kiểm soát tốt môi trường trực tuyến, sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng, bản thân nền tảng mua hàng trực tuyến và các doanh nghiệp sản xuất cũng dần bị mất uy tín. Điều này đang đặt ra những yêu cầu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý TMĐT.

Dư luận kỳ vọng, Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 và Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ sẽ góp phần siết chặt công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, quản lý thuế, bảo đảm hoạt động TMĐT được minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, quản lý rủi ro dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn…

Để quản lý hoạt động TMĐT hiệu quả, theo các chuyên gia, trước hết cần có những chế tài pháp lý rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm của các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop...

Hiện, Bộ Công an đã cấp hơn 81 triệu căn cước công dân điện tử gắn chip và khoảng 30 triệu tài khoản định danh điện tử. Việc liên thông dữ liệu, quá trình xử lý đối soát, cùng việc bắt buộc phải “định danh cá nhân” khi thực hiện các giao dịch TMĐT là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái và các loại hàng hóa vi phạm trên môi trường mạng. Đồng thời giúp các sàn TMĐT nắm rõ “người bán - người mua” để có trách nhiệm và cách giải quyết phù hợp khi có sự cố xảy ra.

Xây dựng và củng cố lòng tin người tiêu dùng khi tham gia hoạt động TMĐT cũng là nền tảng để TMĐT phát triển lành mạnh, thực sự là trụ cột của nền kinh tế số trong thời gian tới.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO