Biên phòng - 10 năm qua, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 513-NQ/QUTW ngày 21/9/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về công tác tài chính Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo (viết tắt là Nghị quyết 513), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, cơ quan tài chính các cấp đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; huy động và quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn lực tài chính của Nhà nước và Quân đội; góp phần bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, nắm vững quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 513 gắn với quán triệt các quy định, hướng dẫn của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về công tác tài chính. Chủ động rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, bảo đảm công tác tài chính trong BĐBP hoạt động đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhiệm vụ chính trị của lực lượng BĐBP; quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn tài chính; góp phần bảo đảm cho BĐBP hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao.
Huy động mọi nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ chính trị
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo ngành tài chính phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu, đề xuất cơ chế tạo lập, huy động các nguồn lực tài chính, trong đó có nguồn lực được huy động từ hoạt động có thu theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, chú trọng đến công tác lập nhu cầu và dự toán ngân sách hằng năm. Đảng ủy BĐBP duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy biên giới trong lãnh đạo công tác Biên phòng và xây dựng BĐBP ở địa phương vững mạnh; các đơn vị đã tích cực tham mưu, đề xuất với địa phương trong việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện. Giai đoạn 2013- 2022, các đơn vị BĐBP đã tích cực huy động nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ để phục vụ cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, tổng ngân sách huy động được là trên 12.161 tỷ đồng.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường đầu tư kinh phí để phát triển các khu tăng gia sản xuất tập trung; khai thác hiệu quả nguồn thu từ sử dụng đất quốc phòng vào mục đích làm kinh tế theo quy định của pháp luật; các đơn vị đã tận dụng tốt nguồn nhân lực, điều kiện tự nhiên để tổ chức tăng gia sản xuất, cung ứng dịch vụ, tăng nguồn thu cải thiện đời sống cho bộ đội, bổ sung kinh phí phục vụ nhiệm vụ của đơn vị; huy động nguồn lực tài chính do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để xây dựng, củng cố hạ tầng, hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Bảo đảm tài chính cho nhiệm vụ chính trị và khi có tình huống đột xuất
Trên cơ sở tổ chức biên chế, các tiêu chuẩn chế độ và nhiệm vụ của đơn vị, hằng năm, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các đơn vị xây dựng nhu cầu, dự toán ngân sách năm cũng như kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm và trung hạn theo đúng định hướng của Bộ Quốc phòng, phù hợp với khả năng ngân sách và sát với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những sai phạm về quản lý tài chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp gây thiệt hại về tài sản, công quỹ của cơ quan, đơn vị.
Hằng năm, trên cơ sở dự toán thu, chi ngân sách được giao, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai công tác phân bổ, giao dự toán theo đúng hướng dẫn, trình tự, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm; đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, trong đó, ưu tiên bảo đảm chế độ, chính sách, đời sống của bộ đội; các nhiệm vụ trọng tâm, địa bàn trọng điểm, các đồn Biên phòng, các đơn vị mới thành lập, các đơn vị khó khăn; tăng đầu tư huấn luyện, giáo dục, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu, mua sắm, nâng cấp, cải tiến vũ khí, trang bị quân sự; ưu tiên bảo đảm vốn đầu tư cho các công trình chiến đấu, xây dựng doanh trại cho các đơn vị; bảo đảm đủ xăng dầu cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tốt kinh phí cho công tác biên phòng, đối ngoại quốc phòng; các đối tượng chính sách hậu phương quân đội. Chỉ đạo bảo đảm kịp thời cho các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, dịch bệnh, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống. Tăng cường phân cấp cho các đơn vị, hạn chế tối đa việc mua sắm tập trung.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác bảo đảm tài chính cho nhiệm vụ chính trị của các đơn vị; đáp ứng yêu cầu kịp thời, đúng, đủ trong bảo đảm tài chính, giúp các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tài chính bảo đảm cho BĐBP khi có tình huống xảy ra; triển khai xây dựng, hoàn thiện kế hoạch tài chính BĐBP bảo đảm cho những năm đầu chiến tranh; nghiên cứu phương thức bảo đảm, quản lý tài chính của BĐBP phù hợp trong chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; bảo đảm tài chính cho các đơn vị, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biên giới. Chủ động, kịp thời bảo đảm vật chất, tiêu chuẩn, chế độ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Năm 2020 và 2021, BĐBP được cấp trên cấp hơn 1.508 tỷ đồng và các tổ chức, cá nhân ủng hộ số tiền hơn 23 tỷ đồng phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Quản lý tài chính nhất quán, linh hoạt, sâu sát, quyết liệt, chặt chẽ
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thường xuyên quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của cấp trên về quản lý tài chính, tài sản. Chỉ đạo điều hành dự toán ngân sách nhất quán, linh hoạt, sâu sát, quyết liệt và chặt chẽ. Trên cơ sở phân cấp, phân quyền, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong BĐBP đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm dự toán ngân sách được giao hằng năm; tổ chức triển khai thực hiện chi tiêu kinh phí theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện giám sát chặt chẽ trước, trong và sau quá trình chi tiêu nhằm phục vụ tốt nhất cho yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị.
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư, triển khai thực hiện các công trình, dự án, mua sắm trang thiết bị, phương tiện theo đúng quy định; quyết liệt đôn đốc triển khai thực hiện ngân sách, nhất là triển khai mua sắm và thực hiện dự án để giải ngân vốn, hạn chế chuyển chi tiêu, tăng hiệu quả sử dụng ngân sách. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ ở tất cả các khâu trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là đối với các nội dung mua sắm tập trung, chi công tác phí, hội nghị...
Các cơ quan, đơn vị BĐBP đã sử dụng đồng bộ, hiệu quả các công cụ quản lý để điều hành dự toán ngân sách như: Thực hiện nghiêm Luật Kế toán; tăng cường công tác quản lý giá, quản lý quân số, quản lý tài sản công; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính, sử dụng hiệu quả phần mềm lập dự toán ngân sách, phần mềm quyết toán ngân sách và phần mềm kế toán; bước đầu đã phát huy hiệu quả việc sử dụng mạng nội bộ phục vụ công tác tài chính đảm bảo an toàn, bảo mật tuyệt đối; mở rộng thực hiện trả lương qua tài khoản, đến nay, đạt 45/62 đơn vị, đạt tỷ lệ 72,5%.
Trần Đức