Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 01:41 GMT+7

Làng Thanh niên lập nghiệp trên biên giới Nghệ An

Biên phòng - Cùng với những người lính Biên phòng, cán bộ, đội viên Làng Thanh niên lập nghiệp (Tổng đội Thanh niên xung phong 9), Tỉnh đoàn Nghệ An đang đang góp sức làm thay đổi diện mạo bản làng biên giới. Hàng chục hộ đồng bào dân tộc Mông ở bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An từ chỗ chỉ bám vào rừng tự nhiên, giờ đây đang từng bước sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

zdpa_4a
Cán bộ Làng Thanh niên lập nghiệp thu mua nghệ tươi cho nhân dân. Ảnh: Viết Lam

Dấu ấn người lính Biên phòng

Bản Huồi Sơn được thành lập hơn 10 năm về trước trên cơ sở BĐBP Nghệ An vận động, di dời hai cụm dân cư Huồi Sến và Tân Sơn sát với biên giới Việt - Lào về định cư. Trước khi về với Huồi Sơn, hơn 40 hộ đồng bào dân tộc Mông sống du canh, du cư trong những cánh rừng già, nay đây, mai đó. Họ thường xuyên phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, thất học, bệnh tật đe dọa đến sự tồn vong. Đặc biệt, có nhiều người trong bản bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo hoạt động vi phạm pháp luật, như: Tái trồng cây thuốc phiện, chặt phá rừng bừa bãi, vượt biên trái phép...

Sau khi vận động nhân dân về Huồi Sơn định cư, BĐBP Nghệ An đã quyết định chọn Huồi Sơn làm bản điểm củng cố cơ sở chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội. Để thực hiện điều đó, cùng với việc đầu tư nguồn kinh phí, một tổ công tác Biên phòng được thành lập ở Huồi Sơn trên cơ sở lựa chọn những cán bộ giỏi nhiều việc, thực hiện “bốn cùng” với nhân dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc). Thời gian đầu, BĐBP Nghệ An điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung tâm Huấn luyện BĐBP tỉnh hành quân dã ngoại về giúp đồng bào làm đường dân sinh, phát quang, khai hoang ruộng lúa nước.

Thực hiện cuộc vận động “Mái ấm nơi biên cương”, năm 2008, BĐBP Nghệ An đã vận động nguồn kinh phí, thành lập một tổ thợ Biên phòng giúp nhân dân bản Huồi Sơn làm nhà kiên cố. Sau gần 1 năm lao động cật lực, tổ thợ Biên phòng cùng những người đàn ông khỏe mạnh trong bản đã hoàn thành được 41 căn nhà cho các hộ dân. BĐBP cũng tiến hành khai hoang nhiều diện tích ruộng, kiên nhẫn vận động, hướng dẫn đồng bào trồng lúa nước, chủ động về lương thực. Những công trình ở Huồi Sơn đều mang dấu ấn BĐBP (nhà bộ đội, đường bộ đội, ruộng lúa bộ đội).

Cùng với việc giúp dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng Tam Hợp luôn chú trọng xây dựng cơ sở chính trị tại bản làng của đồng bào Mông. Từ chỗ chỉ có 3-4 đảng viên là bộ đội, giáo viên sinh hoạt ghép, đến nay, Chi bộ Đảng bản Huồi Sơn đã có 14 đảng viên, đều là con em của đồng bào Mông, trong đó có 2 đảng viên là nữ giới. Ngoài chi bộ Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đều hoạt động hiệu quả. Đây đang là những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đời sống ở bản làng biên giới.  

Thêm lực lượng hỗ trợ nhân dân

Nằm trong khu vực biên giới, nhưng Huồi Sơn lại được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, thổ nhưỡng phù hợp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế như khoai sọ, nghệ đỏ, chè shan tuyết, chanh leo và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm bản địa. Trên cơ sở đó, năm 2013, Tỉnh đoàn Nghệ An chọn nơi đây xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp (Tổng đội Thanh niên xung phong 9). Công trình được xây dựng với hi vọng sẽ là mảnh đất lành cho nhiều đoàn viên, thanh niên trẻ từ xuôi lên lập nghiệp. Xa hơn nữa là cán bộ, đội viên của Tổng đội Thanh niên 9 sẽ góp phần giúp đỡ nhân dân địa phương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, thực hiện việc giãn dân.

Ngay sau khi ổn định về nơi ăn, chốn ở, cán bộ, nhân viên, đội viên của Tổng đội Thanh niên 9 đã bắt tay ngay vào việc thử nghiệm, xây dựng các mô hình kinh tế trong diện tích đất đơn vị được giao. Sau thời gian thí điểm, cây chanh leo, củ nghệ đỏ và gà đen bản địa cho kết quả tốt và được xác định là những loại cây, con giống phù hợp để phát triển Huồi Sơn. Trên cơ sở thành công ban đầu, Tổng đội Thanh niên 9 đã cấp cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân cùng làm.

Tính đến đầu năm 2018, trên địa bàn xã Tam Hợp đã trồng được 5ha chanh leo, 10ha nghệ đỏ, nuôi hàng nghìn con gà đen. Tất cả các sản phẩm do người dân làm ra đều được đơn vị thu mua, tiêu thụ. Nói về điều này, anh Lỳ Bá Xồng, bản Huồi Sơn cho biết: “Trước đây, gia đình chủ yếu làm nương rẫy, cuộc sống chỉ đủ ăn. Năm vừa rồi trồng được hơn 1 tấn nghệ đỏ được Tổng đội Thanh niên 9 thu mua với giá cao, nên có được ít tiền để dành”.

Theo anh Vương Trung Úy, Tổng đội phó Tổng đội Thanh niên 9: “Mùa thu hoạch nghệ vừa qua, toàn bản Huồi Sơn thu được gần 70 tấn nghệ củ; tuy vậy, giá nghệ tươi trên thị trường sụt giảm nên rất khó khăn cho đầu ra. Chúng tôi đã tổ chức thu mua cho nhân dân, đồng thời xây dựng xưởng chế biến tinh bột nghệ ngay trên biên giới. Qua kiểm định, thấy chất lượng tinh bột nghệ ở đây tốt hơn dưới xuôi rất nhiều. Mong mọi người ủng hộ chúng tôi”.

Với việc phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, Tổng đội Thanh niên xung phong 9 đang tạo ra một luồng gió lập nghiệp cho các bạn trẻ ở bản làng biên giới. Hiện tại đã có 25 hộ gia đình trong độ tuổi thanh niên là con em của đồng bào Mông trong bản tham gia làm đội viên của Làng Thanh niên lập nghiệp. Họ được Tỉnh đoàn Nghệ An hỗ trợ tiền làm nhà, hỗ trợ sản xuất, tác phong sinh hoạt, lối sống, đặc biệt là kỹ thuật sản xuất tiến bộ từng ngày.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, giúp đỡ nhân dân trong lao động sản xuất, Thanh niên xung phong đang đóng góp tích cực vào nhiệm vụ an ninh quốc phòng tại địa phương. Cán bộ, nhân viên, đội viên Tổng đội Thanh niên xung phong 9 đang sát cánh cùng BĐBP và nhân dân địa phương bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Viết Lam

Bình luận

ZALO