Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Lặng lẽ Pa Vây Sử

Biên phòng - “Ai cũng chọn về thành phố, về nơi đủ đầy thì trẻ em vùng cao, biên giới sẽ để cho ai lo? Ở đâu có trẻ em nghèo thì chúng em sẽ “cõng chữ” đến đó” - đây là những lời tâm sự cô giáo Nguyễn Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pa Vây Sử, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, người có 18 năm gắn bó với các em học sinh nơi vùng cao, biên giới Lai Châu.

Cô giáo Nguyễn Thị Thắng (thứ 5 từ trái sang) cùng lãnh đạo BĐBP Lai Châu và cán bộ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải tặng quà các em học sinh tại Trường Mầm non Pa Vây Sử (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Kim Nhượng

Học tiếng đồng bào để vận động học sinh đến trường

Trường Mầm non Pa Vây Sử nằm chót vót trên đỉnh núi cao của xã biên giới Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nơi đây có độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển. Cả trường có tổng số hơn 60 em học sinh, đa phần đều là con em đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Hà Nhì. Nỗi vất vả cũng như sự khó khăn, thiếu thốn của cô giáo Nguyễn Thị Thắng không phải ai cũng biết.

Cô Thắng tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, năm 2003, tôi được phân công về dạy tại điểm trường mầm non của xã Pa Vây Sử, tôi là thế hệ đầu tiên thuộc diện giáo viên xung phong đi xóa “bản trắng” về mầm non”.

Điểm trường cách nhà cô Thắng hơn 100km, cô đi xe máy tới trung tâm xã Dào San rồi đi bộ băng núi, vượt đèo thêm 17km nữa. “Chúng em cứ cuốc bộ như thế, lúc đó, nhà trường còn nhiều khó khăn, lớp học chỉ bằng tre nứa, khá lắm có thêm vài tấm vải bạt quây tạm, còn đâu đều lợp bằng lá cây trên rừng. Lớp học thiếu thốn đã đành, khu nhà cho giáo viên cắm bản cũng không có, thầy cô hô hào nhau dựng lán ở, nhiều lúc thấy tủi thân. Người dân coi việc đi học của con em là cái gì đó không cần thiết. Cứ mỗi lần đêm xuống là em lại ôm gối khóc, rồi nghĩ không biết mình có trụ lại được ở đây được không” - cô Thắng chia sẻ với chúng tôi.

Cô Thắng kể cho chúng tôi nghe về phương thức mà các cô vẫn thường nói vui là “đi bắt học sinh”. Cô bảo: “Cứ sáng sớm tinh mơ là em lại một tay cầm gậy, một tay cầm túi kẹo đi vận động học sinh. Mới đầu dụ trẻ bằng kẹo chúng nghe, ăn hết kẹo chúng lại bỏ về, dần dần em thấy cách làm ấy không hiệu quả”. Khó khăn không chỉ từ con đường đến trường mà còn là sự bất đồng ngôn ngữ, vì thế việc vận động học sinh đi học khó trăm bề. Đó là lý do cô Thắng quyết định học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có như thế mới nói chuyện được với các em, từ đó, vận động các em đi học. Nói là làm, hằng ngày, cô giáo đi đến các nhà dân, cầm sổ ghi lại những câu đơn giản như ăn cơm, uống nước, đi học..., sau gần một năm, cô Thắng đã nói thành thạo tiếng Hà Nhì, tiếng Mông.

Thương học sinh còn thiếu thốn, hằng tuần về nhà, cô Thắng lại mua mì tôm, cá khô, rồi kêu gọi mọi người ủng hộ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho các em. Cô Thắng bảo, dù ai có nói gì, cô vẫn luôn vững niềm tin với quyết định của mình và mong đóng góp một phần công sức nhỏ bé để giúp các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa theo đuổi con chữ để hy vọng sau này có cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Sự đồng hành của BĐBP

Bây giờ, Trường Mầm non Pa Vây Sử không còn khó khăn như trước nữa, nhưng các em học sinh nơi đây vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ. Mỗi mùa Đông đến, nhìn cảnh những đứa trẻ không có quần áo ấm, lòng cô Thắng lại quặn thắt, chỉ mong làm sao các em có áo ấm, có đôi ủng đi, để chống chọi với mùa Đông buốt giá. Trường không có nhà ăn, nên đến bữa trưa cô trò cùng nhau xếp lại bàn, ghế ngồi quây lại ăn luôn trong lớp học.

Cô Thắng nói với chúng tôi: “Khó khăn, thiếu thốn là thế, nhưng chúng em luôn nhận được tình cảm thương mến của bà con nơi đây. Mỗi lần bà con đi nương về lại cho ít rau, khi thì củ sẳn, củ khoai, cân thịt gác bếp. Rồi chúng em còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thắng chuẩn bị bữa ăn cho các em học sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp đầu năm học mới, hay bắt đầu vào đầu mùa Đông là các anh BĐBP lại vận động các nhà hảo tâm, vận động những người quen mang chăn, áo ấm đến từng điểm trường cho các cháu. Năm 2019, các anh ở Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải còn vận động các nguồn tài trợ rồi đứng ra xây điểm trường và nhà ăn, kinh phí lên tới gần 1 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ kinh phí giúp nhà trường mua các đồ dùng cho nhà ăn và các thiết bị, học cụ cho học sinh mầm non. Những món quà ý nghĩa ấy đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên vùng biên gian khó này” - Cô Thắng xúc động chia sẻ.

Trong điều kiện dạy và học nơi đây còn gian nan, vất vả, sự hy sinh tuổi xuân của cô giáo Thắng để đưa con chữ về bản quả thật đáng khâm phục. Thế nhưng con đường nào để các em tiếp thu kiến thức làm chủ cuộc đời, hướng đến một tương lai tươi đẹp cho vùng đất này thì vẫn còn lắm gian truân và điều đó phụ thuộc nhiều vào sự vượt khó các thầy, cô giáo nơi đây. Đồng bào và các em nhỏ vùng cao đang rất cần những người yêu nghề, yêu trẻ không ngại khó, ngại khổ như cô giáo Nguyễn Thị Thắng.

Dù khó khăn, vất vả nhưng tôi tin chắc tương lai tốt đẹp cho trẻ em vùng cao sẽ thành hiện thực như những điều cô Thắng mong ước, tâm sự với chúng tôi: “Em chỉ ước, khi lớn lên, những em nhỏ được chúng em dạy dỗ sẽ là những chồi non tiên tiến và trong số các em trưởng thành sẽ trở lại vùng cao tham gia vào sự nghiệp trồng người cho chính đồng bào mình và chung tay xây dựng quê hương”.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO