Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 07:55 GMT+7

Lặng lẽ Ma Lù Thàng

Biên phòng - Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu) đã khởi động trở lại từ ngày 25/5/2022. Khác với hình dung của chúng tôi về sự sôi động thường thấy ở các cửa khẩu, Ma Lù Thàng sau gần một tháng hoạt động thông quan trở lại vẫn lặng lẽ, đìu hiu. Mỗi ngày chỉ có vài chuyến hàng được thông quan, trong khi người dân và các thương nhân đang nóng lòng giữa mùa thu hoạch chuối - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của bà con các dân tộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Sự vắng vẻ ở cửa khẩu Ma Lù Thàng dù đã thông quan trở lại. Ảnh: Bích Nguyên

Mới chỉ có nông sản khô được thông quan

Chúng tôi tới cửa khẩu Ma Lù Thàng vào một ngày nắng chói chang hiếm hoi giữa mùa mưa Lai Châu. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) và Kim Thủy Hà (Trung Quốc) đã hoạt động trở lại hơn 1 tháng qua (từ ngày 25/5/2022), thế nhưng suốt dọc con đường từ trung tâm huyện Phong Thổ vào tới cửa khẩu, chúng tôi chỉ bắt gặp vài chiếc xe tải đi ngược ra. Tới khu vực cửa khẩu cũng chỉ thấy lác đác vài chiếc xe tải đậu rải rác trong tình trạng chờ đợi. Một số cửa hàng dịch vụ, nhà nghỉ đã mở cửa trở lại nhưng rất vắng khách. Khung cảnh thật đìu hiu, vắng vẻ.

Do thời gian dài bị ngừng hoạt động thông quan để phòng, chống dịch Covid-19, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam tồn đọng nhiều, việc tiêu thụ nông sản của Lai Châu gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc cửa khẩu Ma Lù Thàng hoạt động trở lại là tín hiệu vui cho người dân, thương nhân và các doanh nghiệp để xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, với năng lực thông quan còn rất hạn chế như hiện nay, các doanh nghiệp và thương nhân vẫn chưa thực sự vui.

Sáng nay, chị Hoàng Xa Ngậu ở xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, một người chuyên thu mua chuối xuất sang Trung Quốc, ngồi bàn chuyện với những đồng nghiệp của mình trong sự thấp thỏm về giá chuối lên xuống thất thường và nỗi lo “ách tắc” biên có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chị Ngậu bảo, trước đây, vùng này là “vựa chuối” của huyện Phong Thổ. Mấy năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu khó khăn, diện tích trồng chuối đã giảm đi một phần.

Chị Ngậu kể: “Trước khi có dịch Covid-19, cửa khẩu này nhộn nhịp người mua bán chuối lắm. Bãi tập kết chuối được tổ chức ngay gần cửa khẩu. Hoạt động xuất nhập khẩu rất thuận lợi, chuối vừa được giá, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển. Bây giờ, phía Trung Quốc không cho nhập khẩu chuối qua cửa khẩu này nữa nên chúng tôi phải xuất qua các cửa khẩu của Lạng Sơn, Lào Cai, phí tổn tăng lên rất nhiều, thời gian vận chuyển lâu hơn, khiến chuối rất nhanh bị hư hỏng, do đó, lợi nhuận không còn được bao nhiêu”.

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, điện thoại chị Ngậu đổ chuông liên tục. Các cuộc hội thoại của chị đều liên quan đến chuối, từ việc trả giá đến liên hệ xe bốc hàng, vận chuyển, làm thủ tục thông quan chuối. Chị bộc bạch: “Điều tôi mong muốn nhất bây giờ là được xuất khẩu chuối qua cửa khẩu Ma Lù Thàng, vừa thuận lợi, vừa đỡ chi phí vận chuyển. Hàng hóa thông thương thuận lợi, chuối sẽ được giá hơn, người trồng chuối sẽ là người được hưởng lợi đầu tiên”.

Thượng úy Nguyễn Thanh Trung, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, BĐBP Lai Châu cho biết, thời điểm hiện tại, Trung Quốc mới cho nhập khẩu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng các mặt hàng khô như: Mực, hồ tiêu và xuất sang Việt Nam các loại rau, củ, quả... Các loại nông sản khác, đặc biệt là hoa quả tươi của Lai Châu vẫn phải xuất qua các cửa khẩu khác.

Chờ giao thương sôi động trở lại

Để đảm bảo hoạt động giao thương ổn định, lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại cửa khẩu với các hoạt động được quản lý khép kín, phù hợp với thực tế.

Theo đó, tỉnh Lai Châu thiết lập vùng đệm trong xuất nhập khẩu và thiết lập vùng xanh an toàn với dịch Covid-19. Đồng thời, thống nhất với cơ quan chức năng phía Trung Quốc một số nội dung phòng, chống dịch Covid-19 như thực hiện công tác khử khuẩn và xét nghiệm; trong quá trình thực hiện xuất khẩu hàng hóa phải có chứng nhận khử khuẩn, kết quả xét nghiệm Covid-19 trong 24 giờ. Hai bên cũng thiết lập điểm chuyển giao xe khi giao nhận hàng hóa. Lái xe của cả hai bên chỉ đến điểm tiếp nhận xe chở hàng, sau đó, bàn giao cho phía bên kia rồi quay trở lại.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Ma Lù Thàng kiểm tra phương tiện trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh: Bích Nguyên

Theo tìm hiểu của chúng tôi, so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động giao thương qua cửa khẩu Ma Lù Thàng vẫn ảm đạm, chưa thể lấy lại nhịp giao thương sôi động như đã từng có. Thượng úy Nguyễn Thanh Trung cho biết, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu hiện rất hạn chế, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 20-30 tấn hàng nông sản khô được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, bạn xuất sang ta khoảng 200 tấn rau, củ, quả.

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Chu Minh Thành, Trưởng ban Cửa khẩu, Phòng Tham mưu, BĐBP Lai Châu cho biết thêm, trước khi có dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra nhộn nhịp hơn bây giờ nhiều. Mỗi ngày có khoảng 200 phương tiện chở hàng hóa được làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu này. Từ năm 2014, lưu lượng hàng hóa qua cửa khẩu Ma Lù Thàng tăng lên sau mỗi năm, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng biên giới. Thế nhưng dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả, cửa khẩu rơi vào cảnh vắng lặng không người qua lại.

Hiện tại, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng có tăng lên so với ngày đầu tiên thông quan trở lại, song vẫn còn rất hạn chế và không ổn định với những con số khiêm tốn. Cụ thể, ngày 12/6, có hơn 30 tấn hạt tiêu và mực khô của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc và 300 tấn rau, củ được nhập về. Ngày 13/6, có 20 lượt phương tiện làm thủ tục thông quan, xuất khẩu 50 tấn hạt, nhập khẩu hơn 300 tấn rau, củ, quả...

Không chỉ chị Ngậu mà chúng tôi cũng mong lắm cửa khẩu Ma Lù Thàng sớm nhộn nhịp trở lại để người dân, thương nhân, doanh nghiệp hai bên biên giới sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO