Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Làng gốm Thanh Hà  bước vào xuân “ông Hổ”

Biên phòng - Nằm bên sông Thu Bồn, làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã có hơn 500 năm tuổi nghề. Mặc dù các sản phẩm từ gốm không còn được ưa chuộng như trước, thế nhưng, với một tình yêu mãnh liệt, các nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà vẫn gắn bó với nghề truyền thống. Những ngày cuối năm, các lò gốm lại nhộn nhịp, đỏ lửa để kịp ra lò những “ông Hổ” cho nhà nhà, người người đón Xuân.

Anh Nguyễn Văn Hoàng tạo hình “ông Hổ” từ đất sét. Ảnh: Đức Hoàng

Trải nghiệm làng gốm 500 tuổi

Làng gốm Thanh Hà vốn được biết đến là một làng nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời trong thế kỷ XVI. Cùng trải qua lịch sử bao thăng trầm nơi phố cảng Hội An, làng nghề cũng đã có những thời kỳ huy hoàng vào thế kỷ XVII - XVIII, nổi danh như một “thổ sản quốc gia” được tiến vua, cũng vì thế mà tiếng lành ngày càng bay xa. Làng gốm Thanh Hà Hội An có sự khác biệt so với nhiều làng gốm khác trên cả nước ở chỗ, cho đến nay, tất cả các quy trình sản xuất đều được làm thủ công hoàn toàn.

Theo những nghệ nhân lâu năm ở Thanh Hà, quy trình để làm ra một sản phẩm đúng chất gốm Thanh Hà đòi hỏi sự kỳ công và tâm huyết, cũng như tài hoa từ bàn tay người thợ để thổi được cái hồn tinh túy nhất vào đất. Từ khâu chọn đất, làm đất, cho đến lên khuôn trên bàn vuốt, những đôi bàn tay nhào nặn đặt cả tâm trí tập trung vào từng vòng quay của chiếc bàn xoay, rồi đến khi ra sản phẩm cuối cùng, còn nhiều công đoạn tinh vi, tỉ mẩn và công phu hơn nữa. Khi sản phẩm đã thành hình, lại tiếp tục trải qua nắng rát, mực vẽ hoa văn rồi mới được đưa vào lò nung. Công đoạn nung thì quan trọng nhất là độ lửa và thời gian đều phải chính xác, nếu không sẽ hỏng cả mẻ gốm, bao công sức sẽ trở thành gốm vụn.

Cũng có những thời kỳ tưởng chừng như nghề gốm ở Thanh Hà rơi vào quên lãng, nhưng với cái tâm và lòng yêu nghề, những nghệ nhân làng nghề vẫn quyết tâm một lần nữa làm sống lại nét đẹp cũng như cái hồn cốt của một làng nghề truyền thống. Sau khoảng thời gian gần như lãng quên, làng gốm Thanh Hà đã trở lại khi “bắt nhịp” với sự phát triển của du lịch địa phương, đặc biệt là sau khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Đến làng gốm Thanh Hà, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt quá trình tạo hình gốm từ đất sét vô cùng tuyệt mỹ của những nghệ nhân tài hoa. Từ những khối đất sét thô sơ, qua bàn tay của nghệ nhân đầy kinh nghiệm tại làng gốm Thanh Hà sẽ biến hình chúng trở thành một sản phẩm đầy tính nghệ thuật. Đặc biệt, đến đây, mọi người có cơ hội tự tay tạo ra một món đồ gốm từ những bước cơ bản nhất. Bởi vậy, đến Thanh Hà không chỉ đơn thuần là tham quan làng gốm, mà còn có cơ hội trải nghiệm với gốm.

Xuân “ông Hổ” ở làng gốm Thanh Hà

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, làng gốm Thanh Hà lại nhộn nhịp với việc sản xuất tượng gốm linh vật 12 con giáp. Năm Mão làm tượng mèo, năm Sửu làm tượng trâu, năm Ngọ thì làm tượng ngựa... Những ngày này, anh Nguyễn Văn Hoàng (38 tuổi, một thợ gốm lâu năm của làng gốm Thanh Hà) đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để cho ra lò những bức tượng hổ, kịp trưng bày tại làng gốm Thanh Hà dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của anh, những cục đất sét vô tri đã được “biến” thành những bức tượng hổ oai phong.

Đến làng gốm Thanh Hà, người ta dễ dàng “bắt gặp” các kỳ quan trên thế giới bằng gốm. Ảnh: Gia Linh

Theo anh Hoàng, mỗi dịp Xuân về, các gia đình ở làng gốm Thanh Hà tất bật chuẩn bị sản xuất linh vật của năm. Năm 2021 thì anh tạo hình con trâu trưng bày, năm nay thì làm tượng hổ. Tượng hổ của anh Hoàng tạc năm nay có hình dáng và kích cỡ khác nhau, nhưng tập trung vào 3 thế: Hổ đứng sẽ có chiều dài 60cm, chiều rộng 30cm và chiều cao khoảng 40cm. Dáng hổ vồ thì dài hơn một chút, nhưng chiều cao lại thấp hơn. Còn dáng hổ ngồi thì chiều cao lại cao hơn. “Công đoạn khó nhất để tạo tượng hổ là giai đoạn tạo hình. Về thân, chân, đuôi... thì dễ hơn, nhưng khó nhất là tạo khuôn mặt hổ” - anh Hoàng chia sẻ.

Để tạo được bức tượng hổ, anh Hoàng lấy đất sét cắt từng miếng lớn, cuộn tròn lại thành hình khối rỗng ruột. Sau đó, anh bắt đầu tạo hình, nắn từng bộ phận, tạo những lớp lông, tiếp đến là phơi khô, chuyển vào lò nung và vẽ sơn lên một số màu sắc ở mặt và thân tượng hổ. Để hoàn thiện được tượng hổ, ít nhất phải cả tháng trời, vì thời gian phơi khô rất lâu, phụ thuộc vào thời tiết. Khuôn mặt hổ, đặc biệt là 2 con mắt là nơi toát lên “cái hồn” của tác phẩm. Để tượng hổ có hồn, anh phải xem nhiều hình ảnh, từ đó hình dung sao cho những đường nét giống với “chúa sơn lâm” nhất.

Theo nghề gốm từ lúc còn nhỏ, anh Hoàng đã từng tạo ra nhiều sản phẩm gốm độc đáo và đẹp để bán cho khách du lịch. Hai năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, làng gốm Thanh Hà vắng bóng du khách, cuộc sống khó khăn, anh Hoàng phải làm đủ nghề để có tiền trang trải, duy trì nghề gốm truyền thống. “Năm qua ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 quá nhiều rồi, những bức tượng hổ này thể hiện sự mạnh mẽ, hy vọng một năm mới khởi sắc hơn. Và điều chắc chắn ai cũng mong muốn, đó là đại dịch nhanh chóng qua đi để cuộc sống có thể trở lại bình thường...” - anh Hoàng tâm sự.

Cứ thế, trải qua thời gian, với bàn tay tài hoa và tấm lòng nhiệt thành của những nghệ nhân tâm huyết, ngày đêm miệt mài thổi hồn cho đất đã làm nên thương hiệu riêng của làng gốm Thanh Hà. Bởi thế mà gốm Thanh Hà không chỉ là những bức tượng đất sét được tạo hình nung trong lửa, mà còn là tâm hồn của con người và vùng đất nơi đây.

Gia Linh - Trúc Hà

Bình luận

ZALO