Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:07 GMT+7

Làng gốm Thanh Hà bên sông Thu Bồn

Biên phòng - Thành phố thị cảng cổ nổi tiếng của Việt Nam là Hội An tăng tốc độ cao nhất tái phục hồi nhịp sống du lịch với quyết định giảm một nửa giá dịch vụ cho du khách trong tháng 12-2021. Để kích cầu du lịch, du khách nội địa và quốc tế được giảm 50% giá vé khi tham quan các làng nghề truyền thống. Đây là cơ hội để khách du lịch trở lại với làng nghề gốm Thanh Hà - di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận.

Khoảng sân nắng phơi gốm ở Thanh Hà. Ảnh: Thúy Hằng

Làng gốm Thanh Hà hình thành bên dòng sông Thu Bồn, vốn chỉ là ngôi làng nhỏ có nghề truyền thống làm gốm đất nâu gia dụng để phục vụ đời sống nhân dân các làng ven sông. Nay làng gốm thu hẹp lại còn một dẻo ở phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Khi Hội An trở thành thị cảng sầm uất vào thế kỷ 16-17, làng gốm Thanh Hà trở thành làng nghề thiết yếu, phát triển rực rỡ và là một trong những làng nghề hậu cần nức tiếng khu vực Đông Nam Á. Pho sử Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều thời Nhà Nguyễn đã ghi gốm Thanh Hà vào mục thổ sản quốc gia tại tỉnh Quảng Nam.

Xuất hiện từ thế kỷ 15 do một nhóm thợ gốm thủ công từ Thanh Hóa, Nghệ An di cư vào bên sông Thu Bồn lập nghiệp, lập làng gốm Thanh Hà; cho đến thế kỷ 17, 18, gốm Thanh Hà vẫn duy trì đỉnh cao rực rỡ. Hầu như toàn bộ gạch ngói xây dựng công trình nhà ở, nơi thờ tự, cơ sở tôn giáo trên đất Hội An và khu vực lân cận đều từ tay thợ gốm Thanh Hà làm nên.

Khi thị cảng Hội An nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, gốm Thanh Hà còn xuống thuyền ra nước ngoài và được thương nhân nước ngoài ưa chuộng. Vì vậy, thợ gốm Thanh Hà xưa kia nức tiếng là khéo léo, hào hoa từ người đến nết, giao thiệp rộng rãi. Hình tượng người thợ gốm đi vào thơ ca hò vè, nghệ thuật miền Trung Bộ, thấp thoáng mang dáng dấp của thị cảng cổ Hội An.

Cùng với nhiều làng gốm khác, gốm Thanh Hà cũng không nằm ngoài vòng xoáy bị mai một, không còn vai trò chủ chốt xây nhà, xây công trình. Làng nghề bị đô thị hóa, dân cư lấn át nơi sản xuất, con đường vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa từ gốm cũng mờ đi. Nhưng làng là chứng nhân của lịch sử, của một thời cảng Hội An phát triển rực rỡ thì không thể phủ nhận. Giữ lại tinh hoa của nghề gốm cũng là giữ lại và trân trọng một phần của lịch sử. Gốm Thanh Hà trỗi dậy nhờ một phần vào đời sống du lịch, cách quảng bá vùng đất con người Hội An của những người làm du lịch. Và điều may mắn là gốm Thanh Hà không lụi tắt hoàn toàn và không bị lãng quên.

Điều đặc biệt là khi đến làng gốm Thanh Hà, du khách luôn được hưởng một không khí yên ả bình dị. Ngôi làng nhỏ hẹp nhưng sạch sẽ với hàng rào ngăn lối đi cài hoa li ti. Đất Hội An đầy nắng gió và những ngôi nhà có xưởng gốm nằm san sát bên sông. Bên trong các khoảng sân ngập nắng luôn có phơi những sản phẩm gốm đất nung mới sơ chế. Nhiều gia đình mở cửa cho khách tới tham quan, trò chuyện và có thể trải nghiệm cách làm gốm cổ đã tồn tại hơn 500 năm qua. Sau đó, họ còn có thể tự tay làm ra các sản phẩm gốm, mang về lưu giữ cho chuyến đi. Một cách làm du lịch không mới, tuy nhiên, luôn hấp dẫn bởi tính chất riêng có, sự ngạc nhiên thích thú từ khéo léo của đôi bàn tay.

Lịch sử tồn tại của cộng đồng cư dân, những biến thiên để tồn tại và phát triển đôi khi lại bình dị từ những điều rất đời thường, nhất là khi làng gốm lại nằm trong một hành trình du lịch đi từ hiện đại đến cổ xưa, làng nghề truyền thống nằm bên một đô thị du lịch phát triển.

Gốm Thanh Hà còn đặc biệt ở chỗ, làng gốm nhỏ nhắn chỉ còn vỏn vẹn hơn 20 gia đình làm nghề, với hơn 100 lao động, sản xuất mỗi năm 400 ngàn sản phẩm mang lại doanh thu chưa tới 1 tỉ đồng, nhưng số lượng khách du lịch ghé thăm làng nghề thì lại là con số khổng lồ. Sản phẩm của làng nghề cũng chỉ loanh quanh với các con thú đất nâu gần gũi làm đồ trang trí, sắp đặt, ngoài ra có đồ gia dụng đặc trưng như bình đựng, ấm chum vại, bình vôi, tranh đất, bình phong...

Một nghệ nhân của làng nghề cho hay, gia đình ông mặc dù theo nghề mấy thế hệ nhưng thu nhập từ bán sản phẩm rất ít. Có những ngày còng lưng nặn gốm, nung và xoa đất cũng chỉ được chưa đầy trăm ngàn đồng. Nhưng việc khách du lịch ghé thăm cơ sở sản xuất của gia đình khiến ông có thêm động lực và đôi khi có những thu nhập khác.

Một nghệ nhân khác của làng tâm sự, người làm gốm ở làng ngày càng ít, một số bạn trẻ thì có chuyên môn mỹ thuật, làm gốm thì ít nhưng liên kết du lịch, tạo tiếng tăm cho làng nghề. Đó cũng là một cách giữ làng nghề truyền thống. Nguyên liệu làm gốm hiện nay, người làng phải mua ở tận huyện Điện Bàn, với giá 200 ngàn đồng một lần chở đầy lòng thuyền, phải mua ít để dễ giữ ẩm đất, dễ nhồi và làm chín nhuyễn đất trước khi nặn. Nếu mua phải chỗ đất sạn phải lọc lại nhiều lần mới dùng được, sản phẩm sau nhiều công đoạn mới giữ được độ mịn, đẹp, lên màu. Vậy nên khi dịch Covid-19 bùng phát, đất nguyên liệu cũng rất khó mua được.

Nghệ nhân làm gốm Thanh Hà. Ảnh: Thúy Hằng

Hiện nay, có nhiều nghệ nhân của làng Thanh Hà đã rất cao tuổi mà vẫn giữ nghề, vẫn sản xuất hàng ngày. Những con người - bảo tàng sống của nghề gốm cổ vẫn còn hiện hữu chính là cả kho văn hóa, tư liệu vùng đất đời người Quảng Nam. Nghệ nhân Nguyễn Thị Được năm nay đã gần 90 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Thị Lan năm nay 80 tuổi... đều là những cụ bà làm gốm từ khi còn là những cô bé tuổi lên mười. Đời người - đời gốm, những câu chuyện của các cụ chứa trong đó tinh hoa văn hóa của nghề, sự trân trọng của con người với nghề thủ công, bàn tay lao động trong mỗi cộng đồng.

Thời gian qua, có những lúc du lịch đóng băng vì Covid-19, làng nghề cũng ngưng sản xuất, những người trẻ tranh thủ nghiên cứu và làm thử những mẫu mã mới. Làng nghề tồn tại hoàn toàn nhờ du lịch và là một mảng miếng làm nên du lịch Hội An. Đâu đó, dấu hiệu gốm Thanh Hà đã trở lại đời sống khi các công trình, các cơ sở lưu trú, cầu quán ở Hội An bắt đầu chú ý đến việc dùng gốm Thanh Hà để trang trí, xây dựng. Nét cũ trong ngày mới, đó là hình ảnh của Hội An từ một làng gốm cổ.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO