Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Làng giữ biển ngóng "sóng"

Biên phòng - Ngày cuối năm, tôi ngược về làng chài chuyên làm nghề câu khơi ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để nghe các ngư dân kể chuyện bám biển, tinh thần ra khơi bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nghề câu, nghe cái tên thật đơn giản. Nhưng thuyền trưởng và đội ngũ ngư dân trên những con tàu này là những người hùng ngang dọc biển khơi.

Thuyền trưởng Đỗ Văn Đủ ngóng trời yên biển lặng, ngóng thị trường cá sẽ “ấm” trở lại. Ảnh: Văn Chương

Cơn bão số 13 đi qua, nhiều làng quê xơ xác, những ngôi nhà nằm chênh vênh bên bờ biển đang bị sạt lở. Tại xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi, các ngư dân làm nghề câu bủa tập trung về giữa xóm để nghe ngóng thông tin về tình hình thời tiết, luồng cá ngoài biển. So với mọi năm, mùa biển năm 2020 đang ở thế “phập phù” như cơm nửa sống, nửa chín. Lý do là vì mưa bão đi qua, chưa ngớt đợt này thì đợt khác lại ập vào. Sau mưa bão thì ngư dân lại phải ngồi chờ tin “thông luồng cá”. Cá hố khi câu về có được thông thương tốt, hay bị kẹt như vài tháng trước, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ở tỉnh Bình Định, các ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương, dong tàu ra tận vùng 14 độ kinh Đông, là vùng biển quốc tế nằm giữa biển Đông, tàu thuyền tự do đi lại, tự do đánh bắt, nhưng tại sao các ngư dân vẫn chỉ về phía đội tàu câu bủa của Quảng Ngãi để nói về độ thiện chiến của những chiếc tàu này. Đó là vì từ năm 1985, khi ngư dân ở nhiều địa phương còn lạch xạch trên chiếc thuyền nhỏ gắn máy thủy công suất 10 CV thì ngư dân xóm câu ở xã Nghĩa Phú bắt đầu lên đời những chiếc thuyền lớn để đi lòng vòng hết biển Đông.

Ngư dân Đỗ Đức là thế hệ đầu tiên trên những chiếc thuyền câu mở biển ra Hoàng Sa, Trường Sa sau ngày giải phóng, giờ người con trai của ông đã nối nghiệp cha. Ông Đức cho biết, thời đó nói là tàu lớn, nhưng thực ra, chiều dài thân vỏ chỉ hơn 14 đến 15 mét (tàu cá đi khơi hiện nay dài khoảng 19 đến 25 mét). Các ngư dân trẻ giờ đây nghe ngư dân lớn tuổi kể chuyện đi khơi trên chiếc tàu có kích thước cỡ đó thì đều tỏ ý e ngại. Bởi vì, giữa biển Đông sóng gió thất thường, thân vỏ tàu dài 15 mét thì khó chống chọi được với sóng to, gió lớn.

Ông Đức cho biết, thời của hơn 35 năm trước, cứ tháng Giêng là tàu làm nghề câu mở biển, chạy thẳng ra hướng đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa để đánh cá. Do những chuyến đi đánh bắt, trở về bình yên, ngư dân thu nhập khá, đã kích thích các ngư dân mạnh dạn đầu tư cho nghề biển để vươn khơi.

Khi làm nghề câu, các ngư dân phải luôn khám phá vùng biển mới. Con tàu chở các ngư dân đi câu, sau khi khám phá hết quần đảo Hoàng Sa thì tiến ra bãi ngầm Macclesfield nằm giữa biển Đông, tọa độ 114 đến 115 độ kinh Đông. Đó là vùng có rất nhiều cá lớn. Cá mập to, nặng từ 60 đến 250kg; mỗi đêm buông câu, các ngư dân đều kéo lên được 30-40 con cá mập, có đêm trúng gần 100 con. Nhưng thú vị nhất là ngư dân câu được cá cờ, loại nặng vài trăm kg. Ngư dân phải hò hét kéo cá lên lưng chừng, sau đó, cưa cá thành 3 khúc thì mới có thể bỏ được xuống hầm.

Cá câu ở vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Ngư dân Đỗ Văn Đủ, 58 tuổi, là thế hệ ngư dân gạch nối giữa những lớp ngư dân đầu tiên ra Hoàng Sa và thế hệ ngư dân trẻ bây giờ. Ông Đủ đang tranh thủ xếp lại giàn câu để chờ thời tiết, chờ có mồi câu thì mở biển trở lại biển khơi. Thuyền trưởng Đủ kể, các nghề câu của làng chài, bao gồm: Câu hố, câu đảng, câu sải, câu lớn, câu lỡ. Trong số các nghề câu đó thì nghề câu hố là có thu nhập cao nhất, trở thành ngành nghề xương sống ở xóm câu. Các ngư dân không tiết lộ rõ thu nhập, nhưng các ngư dân đi bạn mùa câu hố trong 5 tháng có thể được chia phần hơn 70 triệu đồng.

Bão liên tục ập vào miền Trung, khi cơn bão số 13 ngớt, các ngư dân ở xóm biển đi câu ngóng chờ ngày mở biển thì thời tiết trên biển lại diễn biến xấu, bão số 14 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đi qua xóm câu, nơi nào cũng nghe các ngư dân nói chuyện thời tiết xấu kéo dài làm chậm ngày mở biển, rồi lại nhắc chuyện mồi câu con cá hố. Hóa ra, câu cá hố thì việc kiếm mồi để ngoắc vào lưỡi câu không hề đơn giản. Các ngư dân phải trông chờ vào nguồn cá kẽm được nhập từ nước ngoài về để làm mồi câu. Loại cá này có giá từ 38.000-40.000 đồng/kg.

Nghề câu hố là cách nói tắt của ngư dân, đó là nghề câu loại cá hố. Trong những năm qua, loại cá bình dân này trở nên đắt đỏ vì được xuất khẩu ra nước ngoài, vì vậy, giá cá thu mua tại bến dao động ở mức 250.000-300.000 đồng/kg, có thời điểm thấp nhất là 120.000 đồng/kg. Mùa cá hố cuối năm 2020, khi hỏi chuyện tương lai đánh bắt, các ngư dân chia sẻ nhiều góc độ, nhưng vẫn “mắc kẹt” ở một lý do nào đó mà không nói hết ra. Tôi tìm hiểu và được biết, sau khi được lắp thiết bị giám sát hành trình, hầu hết các tàu cá phải trải qua một khoảng thời gian để ổn định lại ngư trường.

Đi dọc các tỉnh miền Trung, trong quá khứ cũng có nhiều làng biển làm nghề câu. Cửa biển Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có lão ngư dân Nguyễn Văn An, là người có kinh nghiệm nhiều năm xuôi ngược trên biển để làm nghề câu. Để làm nghề này, các ngư dân phải là những người đi biển giỏi tới mức đi Hoàng Sa, Trường Sa chỉ cần nhìn la bàn, xem hướng gió, hướng sóng để định hướng đi cho con tàu.

Ngồi với các ngư dân làm nghề câu, tôi toàn nghe bà con nhắc tên các hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa. Đó là khi ra mạn ngoài cùng, phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, nếu gặp gió thì các ngư dân chạy vào trong đảo Bom Bay, là hòn đảo còn bỏ hoang và có một đầm nước rộng mênh mông để tránh trú bão. Còn nếu ngư dân đang đánh bắt ở trung tâm đảo Hoàng Sa thì chạy vào đảo Đá Lồi, là đảo có kết cấu san hô rạn vòm (hình elip) bao quanh một vùng nước rộng lớn, có cửa cho tàu cá ra vào để tránh gió.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 970 tàu làm nghề câu. Chi Cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đánh giá, đây là nghề đánh bắt có chọn lọc, duy trì nguồn hải sản bền vững. Đó là lời ngợi khen dành cho các ngư dân. Tuy nhiên, nếu ngồi nghe ngư dân kể chuyện thì mới thấm hết nỗi nhọc nhằn của họ. Và bây giờ, họ không chỉ ngóng chờ cho sóng yên biển lặng, mà còn mong cho “cơn sóng” giá cả không còn đảo lộn, thay đổi chóng mặt để họ có thể yên tâm bám biển, vươn khơi. Chủ tàu chỉ rủ được bạn chài đi biển, khi cuộc mưu sinh được đền đáp xứng đáng.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO