Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ tử vong, hy sinh trong đại dịch Covid-19:

Lắng đọng sắc âm tưởng nhớ

Biên phòng - Vào lúc 20 giờ ngày 19-11, Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ tử vong, hy sinh trong đại dịch Covid-19 (gọi tắt là Lễ tưởng niệm) được tổ chức trang nghiêm, long trọng tại hai điểm cầu chính là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, kết nối trực tuyến đến nhiều địa phương trong cả nước.

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ tử vong, hy sinh trong đại dịch Covid-19 được tổ chức trang nghiêm, long trọng.

Sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức, thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước ta...

Thành kính tưởng nhớ, tri ân

Khoảng sân trước Hội trường Thống Nhất, nơi tổ chức Lễ tưởng niệm tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, không gian lắng đọng niềm tri ân, tôn kính. Các đại biểu và đại diện đồng bào, chiến sĩ tham dự lễ giữ thái độ trang nghiêm, đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong niềm xúc động lớn lao, Ban tổ chức Lễ tưởng niệm đón vòng hoa tưởng niệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự lễ tại TP Hồ Chí Minh có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc Hội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Cùng dự có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ; Võ Thị Ánh Xuân, Phó chủ tịch nước; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng... Dự lễ tưởng niệm còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ tư lệnh Quân khu 7, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, cùng đại diện 50 gia đình có người thân qua đời vì Covid-19...

Dự lễ tại Hà Nội có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, cùng đông đảo các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và Hà Nội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Đỗ Văn Chiến phát biểu, bày tỏ lòng thành kính chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch Covid-19. Xin nguyện cầu cho linh hồn những người đã khuất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng. Trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí “chống dịch như chống giặc"... Trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy đã có hàng nghìn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ cơ sở... bị nhiễm bệnh. Trong đó, hàng trăm người đã hy sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, đồng bào. Đại dịch tàn ác đã phá vỡ hạnh phúc, cướp đi những thành viên yêu quý của biết bao mái ấm gia đình...

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ tử vong, hy sinh trong đại dịch Covid-19 được tổ chức trang nghiêm, long trọng.

Sau khi đồng chí Võ Văn Thưởng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương, dâng hoa, lần lượt các đại biểu cùng thành kính cúi đầu, thực hiện các nghi lễ tưởng niệm.

Ánh sáng hồng từ hàng nghìn ngọn nến lung linh soi sáng những gương mặt người. Dù ai cũng bịt khẩu trang, nhưng mọi người đều cảm nhận rõ nguồn năng lượng tri ân, tình cảm thành kính, tưởng nhớ người đã khuất qua từng ánh mắt, cử chỉ... Đang vào giữa mùa mưa, đêm rằm tháng mười bầu trời nặng mây, trăng không sáng và gió thì lặng đi. Nhờ đó, muôn ngọn nến do lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện hỗ trợ lực lượng chức năng thắp lên, cứ lung linh, lấp lánh dưới trời.

Các đại biểu đại diện cho hàng triệu người, cúi đầu, chắp tay thành kính. Ánh sáng trắng của những ngọn nến, hàng nghìn bông hoa trắng, những bộ đồ trắng... quyện thành sắc màu tri ân, tưởng nhớ bên ánh lửa hồng và khói nhang cùng âm thanh của tiếng nhạc. Sắc màu, âm thanh tưởng nhớ, tri ân trùm lên không gian trầm mặc dưới những tán cây cổ thụ, làm cho nhiều người trong thời khắc ấy phải đứng lặng im lấy tay áo chấm lên khóe mắt.

Cầm lòng sao được khi chứng kiến người đàn bà tóc bạc, lưng còng đang lấy khăn che miệng để kìm tiếng nấc khóc cháu. Có tiếng vợ nhắc khẽ tên chồng trong giàn giụa nước mắt. Không đau sao được khi hơn 23.000 sinh mạng đồng bào, chiến sĩ đã vĩnh viễn về cõi vĩnh hằng vì Covid-19.

Chính vì vậy, Lễ tưởng niệm này càng tăng thêm ý nghĩa nhân đạo, nhân văn... Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng chung niềm tưởng nhớ, tri ân, thành tâm nguyện cầu cho linh hồn người ra đi được siêu thoát, an yên nơi cõi vĩnh hằng, đồng thời góp phần chia sẻ nỗi đau, làm ấm lòng người ở lại.

Thời khắc và mãi mãi

Chúng tôi rời Hội trường Thống Nhất về chùa Pháp Hoa ở quận 3, TP Hồ Chí Minh, một trong những địa điểm tổ chức thả hoa đăng tưởng niệm. Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè vào cữ nước lên. Dòng nước lặng tờ in bóng mái chùa cong vút rêu phong. Ven bờ kênh, phật tử và đông đảo người dân thành kính chắp tay nguyện cầu trong tiếng tụng kinh và tiếng nhạc du dương. Hàng trăm người lặng im phăng phắc dành phút mặc niệm, trật tự thả hoa đăng xuống dòng kênh lững lờ.

Chị Nguyễn Thanh Loan, ngụ tại huyện Nhà Bè, chia sẻ: “Tôi đến đây từ sớm, chờ đợi thời khắc thiêng liêng để thực hiện nghi lễ tưởng niệm. Tôi mong sự kết nối tình cảm linh thiêng từ trái tim đến trái tim của hàng triệu người sẽ giúp mỗi chúng ta sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và cộng đồng. Điều quan trọng nhất lúc này là chúng ta cùng thẩm thấu nỗi đau thương mất mát này để đoàn kết, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước sớm chiến thắng dịch bệnh, đưa đất nước hồi phục, phát triển”.

Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, cho biết, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm Covid-19. Đảng ủy, Bộ tư lệnh thành phố đã triển khai nhiều hoạt động tri ân, chăm lo hậu phương quân đội, góp phần chia sẻ nỗi đau thương, mất mát của các gia đình.

Thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch, có nhiều cán bộ, chiến sĩ gánh chịu hy sinh, nỗi mất mát vô cùng to lớn. Đại úy QNCN Lê Minh Sang (lái xe Tiểu đoàn Thiết giáp, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Song thân phụ mẫu và nhạc phụ của anh đều qua đời do Covid-19 nhưng anh không thể về chịu tang. Rất nhiều đồng đội của anh ở các đơn vị cũng chung nỗi đau thương, mất mát khó nói nên lời như vậy...

Ánh lửa từ muôn ngọn nến sáng lấp lánh, lung linh. Cùng thời điểm này, tiếng chuông chùa Pháp Hoa và hàng loạt ngôi chùa, cơ sở tôn giáo trên địa bàn cũng ngân lên. Tiếng còi tàu từ các cảng sông, cảng biển đồng loạt rúc lên. Âm thanh ấy nhắc nhở mọi người cùng nhau vượt qua nỗi đau, tiếp tục vững tin trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn diễn biến cam go, phức tạp.

Chúng tôi đứng lặng, chắp tay nhìn về phía trước, nơi có những tòa cao ốc sáng trưng ánh đèn. Trong khoảnh khắc thiêng liêng, ánh điện phụt tắt. Từ những ô cửa sổ trên cao, ánh sáng hồng của những ngọn nến tỏa ra lung linh, ấm áp...

Thời khắc này, hình ảnh, sắc màu, âm thanh này sẽ đọng mãi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, đi vào lịch sử dân tộc như một dấu lặng của khúc bi hùng...

Theo QĐND

Bình luận

ZALO