Biên phòng - Không rực rỡ sắc màu của đèn hoa, cũng không rộn rã âm thanh hay nhộn nhịp như giữa trung tâm phố phường, những kỳ lễ hội mừng Xuân về, Tết đến của cư dân làng chài trên đảo Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa rất dung dị, an yên, mà thấm đượm tình người.

Dung dị hương vị Tết
Đúng hẹn, 11 giờ trưa, tôi lên tàu KH 0222 Tùng Thanh, chuyến tàu duy nhất mỗi ngày từ thành phố Nha Trang đi ra đảo Bích Đầm. Rời cảng Cầu Đá, sau hơn 1 giờ 30 phút lênh đênh trên biển, chiếc tàu chở đầy người, hàng hóa từ từ cập vào cầu cảng. Những hành khách tay xách, nách mang vội vã bước qua cầu tàu, lên bờ.
Những ngày cuối năm, chuyến tàu về đảo không chỉ chứa đầy hàng hóa, nhu yếu phẩm, mà còn mang cả niềm hân hoan, chộn rộn của cả người đi vào đất liền mua sắm trở về, lẫn người đứng chờ trên cầu tàu, đón nhận hàng.
“Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, rau xanh, chuối sạch, thịt heo của đồn trở thành đặc sản “cực chất” để chúng tôi làm món ăn đãi khách và làm quà quý biếu bà con quanh đơn vị trong dịp lễ, Tết” - Binh nhất Nguyễn Văn Luân tự tin chia sẻ.
Chị Hồ Thị Thủy, chủ một quán tạp hóa trên đảo, cùng con trai đẩy chiếc xe kéo xuống tận cầu tàu nhận hàng từ đất liền gửi ra. Vừa đón những túi đồ được anh lái phụ chuyển qua, chị vừa lẩm nhẩm kiểm đếm: Bao hàng thực phẩm có măng khô, nếp, đậu xanh; thùng hàng đồ trang trí gồm lọ hoa, bóng điện nhấp nháy, rèm treo; rồi đồ làm bánh, mứt Tết với trứng gà, bột, đường, gừng...
Những cư dân Bích Đầm vẫn tự hào về cái Tết truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ trên làng đảo này. Chị Trần Thị Chương có hơn 30 năm sống ở đảo cho biết, khoảng giữa tháng Chạp, cứ năm, bảy nhà trong làng hùn lại, cùng đánh bột, xắt gừng, nhóm lò than nướng bánh, làm rim mứt. Bánh, mứt làm ra trước để thắp nhang cúng tổ tiên, ông bà, sau để biếu người thân thích.
Vượt con dốc, chúng tôi rảo qua các ngả xóm, hướng về phía núi để đến Đồn Biên phòng Bích Đầm. Dưới làn mưa phùn lất phất, đã thấy không khí mùa Xuân đang về trong doanh trại của đồn, từ vườn rau tươi non, mơn mởn đến những hàng chuối trĩu buồng và cả những khóm hoa rừng thắm sắc trên bờ đá phía sau dãy nhà nghỉ của chiến sĩ.
Binh nhất Nguyễn Văn Luân cho biết, khu vực này toàn đá núi, để làm được mảnh vườn, bộ đội phải cào hốt hàng tấn đất đá núi, san mặt bằng, ủ phân làm đất. Nhờ đó, mấy năm qua, đơn vị không những có đủ rau sạch để ăn, mà còn dư biếu bà con xóm đảo. Trận mưa lụt 2 tháng trước khiến cả khoảng sân doanh trại ngập chìm trong nước lũ, lũ rút để lại mảnh vườn tan tác, trơ trụi. Để kịp có rau ăn tết, suốt mấy tuần liền, tranh thủ sau những ngày xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ và những giờ tuần tra, huấn luyện, đơn vị tập trung dọn dẹp, dội rửa bùn, cuốc đất, gieo hạt lại và tỉ mỉ chăm chút. Không bõ công bộ đội, sau khi nứt mầm, rau bắt đầu mọc lên vùn vụt, xanh tươi từng ngày.
Nghĩa tình miền “đất lành”
Nằm chen giữa những nếp nhà cũ nơi cuối xóm đảo Bích Đầm, căn nhà của vợ chồng anh Lê Văn Đào, chị Trần Thị Chương hôm nay khá rộn ràng, bởi có cuộc hội ý giữa cán bộ Đồn Biên phòng Bích Đầm với bà con bàn việc tổ chức đón Tết. Lão ngư Trần Kiệm, ba của chị Chương bảo, nhờ có anh em BĐBP giúp cắt chữ mừng xuân, làm phông trang trí, khung cảnh đình làng trang trọng, ấm cúng hơn. Đây là nơi sáng mùng Một Tết cả làng đảo đến chào cờ, hát Quốc ca đầu năm.
Lão ngư Trần Kiệm là một trong những người sớm có mặt trên đảo Bích Đầm từ những ngày đầu. Ông kể, hồi đó, vùng quê của ông, làng biển Hoài Thanh, Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định là vùng cách mạng, thường bị Mỹ - ngụy càn quét, bắn phá. Để tránh cảnh “bom rơi, đạn lạc”, năm 1972, vợ chồng ông rời làng, đưa 10 người con lên chuyến ghe, cùng nhiều người di tản vào phía Nam để lánh nạn.
Đò đi trên biển, tới Nha Trang thì thấy xung quanh đảo Bích Đầm là vùng nước trong xanh, bình yên, không tiếng súng đạn. Người lái đò cho cập vào đảo, những người dân di cư bước lên bờ, bắt đầu tạo dựng một cuộc sống mới, cũng bằng nghề lưới chài, đốn củi, làm than, lập nên xóm làng trên đảo này.
Cũng đã hơn 40 năm, trong ký ức của cư dân làng chài vẫn vẹn nguyên câu chuyện ngày đầu những người lính Biên phòng đặt chân lên đất đảo lập đồn. Anh Lê Văn Đào, người con rể của cụ Kiệm cho biết, ngày ấy, anh đang tuổi thiếu niên nhưng lái đò rất giỏi nên được phân công giúp bộ đội. “Tụi tui lái đò, cùng các chú, các anh hì hục vác, chuyển đồ đạc. Tuy mệt nhưng được giúp bộ đội, ai cũng hãnh diện. Còn bà con làng đảo vui mừng, phấn khởi ra mặt, nhiều người ra tận bến đón anh em BĐBP như đón người con của gia đình” - Anh Đào nhớ lại.
“Ở xóm đảo này, năm nào, bà con cũng đều dành những phần bánh thuẫn, rim mứt đem biếu các chiến sĩ đồn Biên phòng. Nói là biếu, thật ra là gửi lên đó. Ba ngày Tết, dân làng, nhất là các cụ già lên đồn chơi suốt. Có bánh ngon, có trà thơm, lại sẵn rau tươi, thịt heo của đồn, bộ đội cùng dân trò chuyện, chúc Tết, tưng bừng lắm” - Chị Chương bộc bạch niềm vui.
Cũng theo anh Đào, những năm ấy, làng còn thiếu đói, đám trẻ con trong làng rất thích lên đồn chơi vì tới bữa cơm sẽ được các chú gọi vào cho ăn cơm. Nhà nào thiếu gạo lại vào đồn Biên phòng mượn vài lon nấu đỡ. Ngày lễ, Tết chẳng ai bảo, trẻ con vẫn đòi mặc áo đẹp, chạy đến đồn để được các chú bộ đội lì xì.
Năm tháng đi qua, cùng với những hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự kề vai, sát cánh giúp dân của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và sự nỗ lực, cố gắng của mỗi gia đình, cuộc sống của làng đảo giờ đã no đủ, khởi sắc. “Quanh năm bề bộn, ngược xuôi với cuộc mưu sinh, nhưng Xuân về, Tết đến, chúng tôi dành hẳn những ngày thành thơi, cùng ngồi lại nhâm nhi ly rượu, “ôn cố, tri tân”, để nuôi dưỡng niềm tự hào về làng đảo, về những ân tình con người nơi đầu sóng ngọn gió này” - Anh Đào xúc động bộc bạch.
Phương Oanh