Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 04:32 GMT+7

Làng chài An Cường vượt qua tâm bão ra sao?

Biên phòng - Khi cơn bão số 9 sắp đổ bộ vào đất liền, tôi mới quyết định khăn gói lên đường vào vùng tâm bão. Trên đường đi, trong tâm trí tôi luôn thường trực câu hỏi: Cơn cuồng phong của bão số 9 mạnh cỡ nào? Người dân vùng tâm bão sẽ chống chọi ra sao? Bà con sẽ cần trợ giúp những gì, nếu bị cô lập hoàn toàn? Báo chí, truyền thông vào giờ phút đó có thể giúp cho người dân miền biển chia sẻ những tâm tư nguyện vọng trong giờ phút sinh tử.

Mái hiên ngôi nhà của người dân vùng tâm bão được neo bằng dây để chống chọi với bão. Ảnh: Văn Chương

Xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nằm giáp với xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, được dự báo là vùng tâm bão. Tuy nhiên, vào giờ cuối thì tôi được các ngư dân góp ý là nên trụ lại ở thôn An Cường, xã Bình Hải. Vì đây là thôn bãi ngang, trong thôn không có nhiều nhà kiên cố, địa thế của khu dân cư nằm ở đầu một eo biển lớn nên sẽ hút luồng gió mạnh, có thể gây ra sự tàn phá, nguy hiểm.

Lúc 18 giờ 30 phút ngày 27-10, trong cơn mưa nặng hạt, thỉnh thoảng, gió lại hú lên một tràng dài. Từng tốp người ở thôn An Cường nối nhau chạy lên Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi để tránh trú bão. Hội trường của đơn vị và các phòng ở có sức chứa khoảng 700 người. Dân số ở địa phương này là 560 hộ, hơn 2.200 khẩu. Trong đêm đó, khoảng 200 người dân tập trung lên đồn Biên phòng, xóm làng đóng cửa im phăng phắc theo lệnh của địa phương, còn BĐBP liên tục thông báo trên loa phát thanh: “Từ 20 giờ đêm nay, tất cả mọi người dân không được ra khỏi nhà, không di chuyển đi nơi khác, có việc cần hỗ trợ thì liên hệ...”.

Vậy, 200 người tránh trú bão tại đồn Biên phòng, còn hơn 2.000 người dân kia đang ở đâu? Hóa ra, phương châm tránh trú bão đầy kinh nghiệm của người dân làng chài An Cường, nơi hàng ngày đối mặt với bão tố được tổ chức theo kiểu “phân chia đều, không dồn về một chỗ”. Trong bóng đêm, một cán bộ địa phương soi đèn pin và đưa phóng viên đi nhanh dưới cơn mưa nặng hạt, vào tận các ngõ ngách của làng chài. Trong tiếng gió rít, một âm thanh vẫn vang lên bên tai tôi, đó là tiếng những mái tôn kẽm đập vào nhau.

Tôi được bố trí ở tại nhà anh Dương Quang Phúc, vị trí ngôi nhà cách biển khoảng 150 mét. Khoảng 40 người dân đã có mặt trong nhà của anh Phúc. Anh Phúc cho biết: “Bà con ở đây luôn che chở cho nhau lúc có bão, nên khi nào gió lớn thì cứ đón hết bà con làng xóm vào nhà vững chắc để tránh trú”.

Qua trò chuyện, tôi mới biết, phương pháp tránh bão cộng đồng này khá tốt, vì Nhà nước đỡ phải đầu tư nhiều tiền để xây dựng nhà tránh trú bão cộng đồng. Bên cạnh đó, những ngôi nhà này được người dân xây dựng và nhắm tới chức năng lưỡng dụng - vừa để ở, vừa tránh bão.

Lúc 4 giờ sáng ngày 28-10, khoảnh khắc trước giờ bão đổ, khắp xóm làng của thôn An Cường vẫn thấp thoáng ánh đèn pin. Một số thanh niên bám trụ lại trong làng vừa làm nhiệm vụ tự quản tài sản, vừa nắm tình hình thực tế tại hiện trường để báo cáo lên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai đặt tại Đồn Biên phòng Bình Hải.

Một số ngôi nhà trong thôn được xây dựng kiên cố trở thành điểm tránh trú bão cho bà con làng xóm. Ảnh: Văn Chương

Ở thành phố Quảng Ngãi, trong bão số 9, nhiều gia đình bị gió hất tung mái tôn. Một số mái hiên bị gió giật ra, bẻ vặn xoắn đến mức sau này không thể sử dụng lại được. Qua quan sát, tôi thấy người dân vùng biển thường sử dụng dây thừng để neo mái nhà xuống dưới đất, một số căn nhà nằm sát mép biển thì sử dụng cây chống cửa, nẹp chặt cửa sổ. Điều này cũng đặt ra cách thức tuyên truyền của cơ quan phòng chống thiên tai, đó là không nên sử dụng cụm từ chung chung, mà phải “chi tiết” để hướng dẫn người dân cách chống chọi với bão để giảm bớt thiệt hại.

Lúc 8 giờ sáng ngày 28-10, tại vùng biển An Cường, có tiếng gọi thất thanh: “sóng đã tràn bờ!”. Đối với người dân ở thôn An Cường, khi có cụm từ này thì mọi người lập tức chuyển sang phương án “huy động người”. Khoảng 100 người đàn ông có sức khỏe, tập trung ra ghềnh để cứu phương tiện đánh cá đang bị sóng tiến vào kéo ra biển.

Chằng chống nhà cửa kỹ, huy động nhanh người dân địa phương tổ chức cứu nạn, đóng cửa toàn bộ nhà cấp 4 để di chuyển người sang các nhà xây dựng kiên cố, BĐBP và chính quyền địa phương tuyên truyền liên tục... Đó là cách thức đối phó hiệu quả với thiên tai, bão lũ của người dân vùng tâm bão mà chúng tôi đã quan sát được. Theo thống kê sơ bộ, thôn An Cường, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nằm ở vùng tâm bão, nhưng chỉ có 10 ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn, không có người chết.

Giữa cuồng phong bão tố, nếu chỉ 1-2 người xông ra ngoài thì sẽ tạo cảm giác bất an lo lắng. Nhưng nếu có đông người sẽ tạo nên sức mạnh phi thường khiến mọi người đều bình tâm để xả thân cứu tài sản. Trước khi bão đổ bộ, Đồn Biên phòng Bình Hải đã khuyến cáo ngư dân kéo toàn bộ thúng và lưới đánh cá vào sâu trong đất liền. Tuy nhiên, bão lớn, thủy triều dâng cao vào thời điểm bão đổ bộ, nên sóng đã tiến sâu vào bờ, cắt đứt tuyến đường giao thông, dạt lên mép núi để lôi thúng ra biển.

Khi thông tin: “sóng tràn bờ” được thông báo, nhiều người dân lập tức đổ xuống khu vực nhà có nguy cơ bị sạt lở để cứu tài sản. Ông Lê Văn Tám, một người dân địa phương lao về phía nhà bà Nguyễn Thị Nhơn và hò hét: “Mau khiêng đồ, chuyển đồ, sóng lấy nhà”.

Những ngôi nhà mà ông Tám đang chỉ tay và la hét nằm cách bờ biển khoảng 80 mét. Toàn bộ khu nhà này đã mấy chục năm bình an vô sự, nhưng sáng ngày 28-10, sóng ập vào tường nhà, đánh bật những gốc cây yếu ớt vốn là hàng rào chắn sóng. Sau khi “đánh bại” được hàng rào bảo vệ ngôi nhà, sóng bắt đầu moi cát sâu dưới móng nhà. Chỉ trong vòng 30 phút, ngôi nhà đã nằm chênh vênh, chỉ chờ cơ hội đổ ngửa ra phía bờ biển, vì móng nhà bị sóng soi rỗng hoác như một hàm ếch nên không ai dám xuống khu nhà dưới. Tuy nhiên, may mắn là toàn bộ tài sản đã được chuyển đi.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO