Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 02:02 GMT+7

Làng biển Tam Quan Bắc đón “gió mới”

Biên phòng - Xã Tam Quan Bắc (thuộc huyện Hoài Nhơn) trong ký ức chúng tôi là vùng quê nghèo, với những ngôi nhà lụp xụp nép mình dưới những rừng dương trên bờ cát dài dọc ven biển phía Bắc của tỉnh Bình Định. Nhiều năm đi qua, hôm nay, chúng tôi có dịp trở lại, Tam Quan Bắc đã chuyển mình, “thay da đổi thịt”, vươn lên mạnh mẽ, trù phú bởi sự nỗ lực, kiên cường của những con người giàu ý chí, quyết tâm vươn khơi làm giàu từ biển.

3hl5_10b
Xưởng đóng tàu ở xã Tam Quan Bắc liên tục đóng mới tàu có công suất lớn. Ảnh: Phương Oanh

Diện mạo mới

Trên con đường bê tông phẳng phiu, thoáng đãng, chúng tôi đến cảng cá thôn Thiện Chánh 1 thuộc xã Tam Quan Bắc. Trước mắt chúng tôi hiện ra một làng biển trù phú với những dãy nhà cao tầng khang trang, tươi sáng màu sơn, nối tiếp nhau; những chiếc ô tô đời mới, những nhà hàng, khách sạn với nhiều poster quảng cáo đặc sản biển, gọi mời du khách vào thưởng thức. Liền kề đó là những cơ sở thu mua hải sản, những cửa hàng bán ngư cụ, thực phẩm đông người tất bật vào, ra mua hàng để chuẩn bị cho những chuyến tàu vươn khơi. Vùng đất Tam Quan Bắc một thời nghèo xơ xác, hoang vắng với chỉ nắng, gió và cát, giờ đã là một phố thị, giao thương sầm uất, náo nhiệt.

Trung tá Phạm Liên, cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam đưa chúng tôi dạo một vòng trên những ngả đường để tham quan, cảm nhận những đổi thay của xóm làng. Dừng lại trước xưởng đóng tàu nằm kề bên cảng cá, anh giới thiệu về những con tàu tiền tỷ ra đời từ nơi này đã song hành cùng ngư dân Tam Quan Bắc trong khát vọng chinh phục biển.

Chúng tôi được biết, ngày trước, Tam Quan Bắc chỉ có vài chục chiếc thuyền nhỏ. Ngư dân cứ quanh quẩn sáng ra biển, tối vào bờ. Chiếc nào đi xa lắm thì chừng ba, bốn chục hải lý, không thì phải vào Phú Yên, Khánh Hòa. Chuyến biển dài nhất chỉ vài ba ngày lại về, thu nhập vừa đủ chi tiêu trong gia đình. Khi nghề khai thác cá ngừ đại dương xuất hiện, cùng lúc Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân, nắm lấy cơ hội này, bà con đã vay thêm vốn, đầu tư cải hoán, đóng mới nhiều phương tiện công suất lớn, bắt đầu vươn khơi xa, câu cá ngừ đại dương. Những con tàu xa bờ trở về cập cảng với khoang hầm ba, bốn tấn cá ngừ đại dương, những chuyến xe đông lạnh nhộn nhịp vào cảng thu mua cá để chuyển đi xuất khẩu đã mở ra cho người dân Tam Quan Bắc niềm hy vọng cùng quyết tâm đổi đời từ biển.

20 năm kể từ lúc chiếc tàu công suất lớn đầu tiên trong làng được hạ thủy, vươn khơi, hiện ngư dân Tam Quan Bắc sở hữu hơn 1.050 tàu thuyền với tổng công suất gần 700.000 mã lực, trong đó, có 950 tàu công suất lớn, hành nghề tại các ngư trường xa bờ. Sản lượng đánh bắt của đội tàu cá Tam Quan Bắc khoảng 12.000 tấn thủy sản các loại/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 53,5 triệu đồng/người/năm.

Song hành với nghề khai thác thủy sản, nghề đóng tàu vỏ gỗ truyền thống ở Tam Quan Bắc cũng không ngừng lớn mạnh và đã trở thành “mũi nhọn” trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Hiện, toàn xã Tam Quan Bắc có 6 cơ sở chuyên sửa chữa và đóng mới tàu cá với trên 250 chiếc mới ra đời mỗi năm. Nghề đóng tàu đã góp phần đáng kể giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Theo Trung tá Liên, từ khi “ăn nên, làm ra”, người dân Tam Quan Bắc đã hăng hái góp công, góp của xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trong làng, trong xã. Trong đó, có hàng ngàn mét vuông đất được bà con tự nguyện hiến làm đường bê tông nông thôn. Nhờ đó, 100% trục đường trong xã được nhựa hóa và bê tông hóa. Hệ thống kênh mương nội đồng cũng được cải tạo, nâng cấp, phục vụ tốt cho sản xuất. Hệ thống trường học từ mầm non đến trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; nhà văn hóa, khu thể thao, nhà ở khu dân cư cũng được chỉnh trang, xây dựng kiên cố. Từ năm 2014, Tam Quan Bắc được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới và là xã đầu tiên về đích trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Định.

Người tiên phong vươn khơi

Hơn 20 năm có mặt tại địa bàn trong chức trách người cán bộ vận động quần chúng, Trung tá Liên hiểu rõ, thành quả hôm nay chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của ngư dân làng biển này.

Dừng chân trước ngôi nhà bề thế nằm sát bên xưởng đóng tàu cạnh cảng cá, Trung tá Liên cho chúng tôi biết, đó là cơ ngơi của lão ngư Sáu Ninh, một ngư dân thành công với công cuộc vươn khơi khai thác cá ngừ đại dương, cũng là niềm tự hào của người dân Tam Quan Bắc về ý chí làm giàu từ biển.

Đón chúng tôi với nụ cười hồn hậu, ông Sáu Ninh say sưa kể về nghề biển trải qua bao thăng trầm, nhọc nhằn, thấm đẫm vị mặn đắng của mồ hôi, nước mắt. Từ tay trắng, ông đi làm thuê cho các chủ tàu, đi buôn cá chuồn từ Nam ra Bắc đến khi gây dựng được cơ ngơi; những buồn vui, trăn trở, âu lo, hạnh phúc, sung sướng đã theo ông trong công cuộc vươn khơi bám biển. “Biển cả mênh mông, tiềm năng sẵn đó thì không thể cứ sáng ra biển kiếm đủ bữa cơm, tối lại về chui vào ngôi nhà tôn vách ván. Nhất định phải đứng lên thay đổi lề lối làm ăn” - Ông Ninh tâm sự.

Năm 2000, khi đã dành dụm được một phần vốn, nắm bắt các chính sách Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay vốn để đóng tàu, ông Ninh làm hồ sơ vay thêm ngân hàng số tiền tương đương 20 cây vàng, tự tay vẽ mẫu thiết kế và đóng mới chiếc tàu đánh cá 90 mã lực đầu tiên. Chiếc tàu hạ thủy, rẽ sóng nhằm ngư trường Trường Sa - Hoàng Sa thẳng tiến và trở về no khoang. Nhờ làm ăn thuận buồm xuôi gió, hai năm sau ông trả hết nợ.

5bab390322f7c7122f002d91
Ông Sáu Ninh chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Ảnh: Phương Oanh

Chuyện Sáu Ninh tự đóng tàu chất lượng tốt, “ăn nên làm ra” lan rộng, ngư dân khắp nơi tìm đến đặt hàng. Liên tục trong 2 năm 2004 - 2005, ông xuất xưởng trên 100 tàu đánh bắt xa bờ. Tiền lãi từ đánh bắt, từ đóng tàu, ông đều tích góp để đóng thêm tàu lớn. “Năm 2002, tôi lại vay tiền đóng chiếc tàu thứ hai với giá 50 lượng vàng. Rồi chiếc thứ 3 tiếp tục hạ thủy vào năm 2003. Giai đoạn 2004 - 2007, tôi liên tục đóng mới và hạ thủy 4 chiếc tàu. Riêng năm 2009, chỉ trong một năm, tôi đã đóng mới hai chiếc tàu 900CV. Cứ thế, đội tàu dồn dập mở rộng, hoạt động trên khắp các ngư trường, từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa xuống vùng biển phía Nam của Tổ quốc với hai nghề câu cá ngừ đại dương và lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa” - Ông Ninh kể.

Hiện nay, ông Ninh đang điều hành một tổ đội đánh bắt thủy sản hùng hậu nhất miền Trung với 16 tàu cá, tổng công suất hơn 8.000CV, có khoảng 120 lao động. Mỗi năm, tổ đội sản xuất của ông Ninh thu về trên 1 nghìn tấn hải sản. Trừ chi phí và trả lương cho mỗi tài công từ 200 đến 300 triệu, mỗi thuyền viên từ 70 đến 100 triệu và lương cho 50 lao động làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ, ông còn lại nguồn thu từ 1 đến 5 tỷ đồng.

Có trong tay một gia sản đồ sộ, nhà lầu, xe hơi, hàng chục tàu cá, hàng trăm tỉ đồng, Sáu Ninh vẫn không cho phép mình dừng lại nghỉ ngơi. Nhiều người biết rõ, ông vẫn ngày ngày thức khuya, dậy sớm chăm lo, dõi theo đội tàu, trăn trở nghĩ cách xây dựng đội tàu phát triển. Ông mong muốn làm sao để mỗi thuyền trưởng, thuyền viên, người lao động của mình đều có cuộc sống sung túc và bền vững với nghề biển.

Ngư dân Lý Ngọc Vinh, một thuyền trưởng giỏi của đội tàu Sáu Ninh cho biết, nhiều ngư dân khởi nghiệp chỉ là những thanh niên tay trắng đi tàu thuê cho Sáu Ninh, nhờ chịu khó mà nay có nhà cao cửa rộng, có phần hùn vốn tàu. Mỗi lần đóng chiếc tàu mới, ông luôn để cho anh em có phần hùn sở hữu chiếc tàu. Chẳng hạn, chiếc tàu đầu tư 4 tỉ, ông chọn lao động giỏi nhất cho đi học tài công, giao tàu cho người đó dưới hình thức họ góp vốn 1 tỉ đồng. Họ không có tiền góp, ông cho vay không lấy lãi. Số tiền gốc sẽ đươc trừ dần từ tiền thu nhập của tài công mỗi tháng. Với cách làm đó, nhiều ngư dân trong làng đã có phần hùn vốn trong con tàu. “Vợ chồng mình gắn bó với đội tàu Sáu Ninh lâu rồi. Mình là thuyền trưởng, vợ ở nhà phụ giúp các công việc hậu cần trong bờ. Nhờ Sáu Ninh mà từ hai bàn tay trắng, bây giờ vợ chồng mình đã có được một tàu cá và thu nhập ổn định” - Anh Vinh nói.

Chúng tôi rời làng biển Tam Quan Bắc cũng là lúc những phương tiện trong đội tàu của Sáu Ninh chuẩn bị xuất bến ra khơi. Đứng trên bờ cảng, ông Ninh nói với theo căn dặn anh em trong đội tàu của mình không sang vùng biển các nước bạn. “Làm giàu thì ai cũng ham, nhưng phải tuân thủ pháp luật, làm ăn căn cơ thì mới vững chắc. Anh em đừng để vi phạm, bởi không chỉ mất của mà còn ảnh hưởng tới uy tín của đất nước” - Ông Ninh nói.

Phương Oanh - Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO