Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 07:18 GMT+7

Lan tỏa tình yêu biên giới, Biên phòng

Biên phòng - Đối với nhiều cán bộ, chiến sĩ BĐBP, Cuộc thi tìm hiểu 60 năm về biên giới và BĐBP là dịp để thể hiện sự hiểu biết về truyền thống vẻ vang của lực lượng, đồng thời thể hiện tình yêu biên giới và niềm tự hào về người lính Biên phòng, trong hành trình bảo vệ biên cương Tổ quốc.

5b0e11af455714093b00124c
Thượng úy Nguyễn Văn Bằng trong một Tiết học biên giới. Ảnh: Trúc Hà

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị vẫn tự hào với mô hình “Tiết học biên giới” được triển khai thực hiện tại các trường học trên địa bàn xã A Ngo và A Bung, huyện Đakrông.

Là một trong những “giáo viên” đứng lớp cho tiết học đặc biệt này, Thượng úy Nguyễn Văn Bằng, Đội trưởng Đội Tham mưu hành chính kiêm Kế hoạch - Tổng hợp của đồn thường xuyên sưu tầm các tư liệu liên quan đến biên giới và BĐBP. Bởi vậy, khi tham gia Cuộc thi tìm hiểu 60 năm về biên giới và BĐBP, Nguyễn Văn Bằng đã trả lời các câu hỏi không mấy khó khăn. Anh cũng coi đây là dịp để làm phong phú và sinh động hơn giáo án cho các tiết học của mình.

Thượng úy Nguyễn Văn Bằng dự định sẽ in màu bài dự thi trên khổ giấy A3 và thật nhiều hình ảnh minh họa. Anh cho biết: “Có thể tìm hiểu nhiều tài liệu bổ ích trên trang web của Bộ Tư lệnh BĐBP tại địa chỉ truy cập bienphongvietnam.vn; trên Báo Biên phòng điện tử hay trong cuốn Lịch sử Đảng bộ BĐBP... Theo tôi, vấn đề quan trọng đó là dấu ấn cá nhân qua mỗi bài thi, cụ thể là cách trình bày, hành văn bài thi và khả năng thu thập ảnh tư liệu của mỗi người”.

Thiếu tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình cho biết, từ trước đến nay, đơn vị luôn tích cực tham gia các cuộc thi. Vậy nên lần này, cán bộ, chiến sĩ đơn vị rất háo hức và tâm huyết trong việc sưu tầm tài liệu để có những bài thi chất lượng.

Đóng quân ở biên giới nên việc tìm, tiếp cận các tài liệu bị hạn chế, nhưng không vì thế mà anh Hoàn lại không chăm chút cho bài thi của mình. Anh cho biết, việc tham gia cuộc thi đem lại rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt là hiểu thêm về truyền thống vẻ vang của đơn vị. Riêng BĐBP Quảng Bình đến nay có 8 tập thể, 2 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo (được tặng năm 1967) và Đại úy Hồ Phòm, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo (được tặng năm 1970). Đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị khơi dậy niềm tự hào về người lính Biên phòng để ra sức rèn luyện, công tác, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Em Nguyễn Mai Da Linh, học sinh Trường Trung học phổ thông Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho biết, em biết đến cuộc thi vì có người nhà là BĐBP. Từ lâu, Linh đã rất thích những hình ảnh người lính Biên phòng đi tuần tra giữa tuyết trắng xóa Hà Giang hay những người lính Biên phòng tuần tra trên biển. Những câu chuyện về y sĩ Biên phòng chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc, thầy giáo Biên phòng xóa mù chữ cho trẻ em vùng cao, biên giới, hải đảo khiến em rất xúc động.

Ngay tại địa phương em sống có Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP Đà Nẵng đóng quân. Những lần có bão, hình ảnh những người lính Biên phòng Đà Nẵng đến giúp bà con chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, hay đưa phương tiện lên bờ để tránh trú để lại ấn tượng rất sâu đậm trong em. Việc trả lời các câu hỏi của cuộc thi giúp em có cơ hội hiểu hơn về lực lượng Biên phòng không chỉ hiện tại, mà còn trong quá khứ đầy vẻ vang. Nguyễn Mai Da Linh cho biết, em sẽ phấn đấu để bài thi đạt chất lượng về nội dung và phong phú về hình thức thể hiện.

Vừa qua, trong lần hội đàm tháng 4-2018 với Đồn Công an cửa khẩu Nà Phàu, Đồn Công an cửa khẩu Lằng Khằng, Đại đội bảo vệ biên giới 311 và Đại đội bảo vệ biên giới 312 (Lào), Thiếu tá Dương Đình Hoàn đã giới thiệu Cuộc thi tìm hiểu 60 năm về biên giới và BĐBP. Các đơn vị bạn rất hào hứng, bày tỏ mong muốn có tư liệu để có thể tham gia dự thi. Theo Thiếu tá Phăn Lạ Khăn, Đại đội trưởng Đại đội bảo vệ biên giới 312, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn (Lào) thì anh từng có nhiều năm theo học đại học tại Hà Nội, có vợ là người Việt Nam. Nay lại sát cánh cùng những người lính Biên phòng Quảng Bình bảo vệ biên giới nên Thiếu tá Phăn La Khăn rất háo hức tham gia cuộc thi này.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO