Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:55 GMT+7

Lan tỏa tinh thần “chống dịch như chống giặc” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Trong quý I-2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã có nhiều nỗ lực, đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và tháo gỡ khó khăn cho người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh này.

4ay6_12a
Việc tuyên truyền cho đồng bào DTTS nâng cao ý thức về phòng, chống dịch Covid-19 luôn được BĐBP chú trọng. Ảnh: Đức Duẩn

Theo báo cáo tổng hợp từ 47/51 tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS và miền núi của UBDT, tính đến ngày 21-4, có 5 người DTTS dương tính với Covid-19. Hiện nay, đã có 4 người được điều trị khỏi bệnh (1 người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc, 2 người Chăm ở Ninh Thuận, 1 người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh); 1 người dân tộc Mông trú tại thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đang được cách ly điều trị tại địa phương. Cả nước hiện có 3.594 người DTTS đang cách ly tại nhà thuộc 8 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Kon Tum); 1.416 người DTTS đang cách ly tập trung tại các cơ sở, trung tâm y tế thuộc 7 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Kon Tum); 10.371 người DTTS thuộc 8 tỉnh đi lao động phổ thông qua biên giới trở về địa phương (tính từ tháng 1-2020 đến nay); 24.798 người DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ neo đơn tại 7 tỉnh đi lao động phổ thông qua biên giới trở về địa phương; 813 hộ DTTS nghèo, cận nghèo, hộ neo đơn tại 2 tỉnh Kon Tum, An Giang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nguy cơ bị thiếu đói giáp hạt.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh cho biết, ngay từ thời gian đầu của dịch bệnh, UBDT đã gửi công văn đến các tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS đề nghị các địa phương hướng dẫn đầy đủ nguy cơ, cách thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của đồng bào DTTS trong việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Phát huy vai trò của những người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người dân, nhất là nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống; chỉ đạo đài phát thanh - truyền hình địa phương tiếp sóng đài Trung ương và sản xuất chương trình bằng tiếng DTTS, ưu tiên thời lượng kênh có thông tin phòng, chống dịch Covid-19.

UBDT giao Ban Dân tộc tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra nắm tình hình người DTTS đi lao động qua biên giới và trở về, thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương và địa phương về phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép nội dung tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trong các hoạt động truyền thông khác liên quan đến vùng đồng bào DTTS và nêu gương người tốt, việc tốt, động viên đồng bào DTTS thực hiện tốt việc phòng, chống dịch. 

Hiện nay, UBDT đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch, trong đó, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi ngành quản lý tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. UBDT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo (Công văn số 339/UBDT-VP, Thông báo số 372/TB-UBDT, Quyết định số 135/QĐ-UBDT...) để huy động sự vào cuộc của các vụ, đơn vị và cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố tập trung phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm; truyền tải kịp thời các thông tin về dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch Covid-19; xử lý kịp thời, nghiêm minh các thông tin sai sự thật...

Theo thống kê của UBDT, 19 báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đăng tải 513 bài viết về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và những tác động, ảnh hưởng của dịch đến đời sống xã hội. Ban Phát thanh tiếng dân tộc (VOV4) của Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngày 14-1-2020 đến 4-4-2020 đã phát 1.778 tin, bài về các thông tin liên quan đến dịch bệnh, hướng dẫn cách phòng, chống dịch, các quy định về cách ly, theo dõi đối với các đối tượng nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch. Kênh Truyền hình tiếng dân tộc (VTV5) của Đài Truyền hình Việt Nam từ ngày 6-1-2020 đến 19-2-2020 đã đưa 217 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương ngoài việc tuyên truyền lưu động, các công văn, chỉ thị từ Trung ương đến địa phương cũng được dịch sang tiếng DTTS để thu âm và phát sóng trên loa truyền thanh tại các xã, thị trấn và đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp hướng dẫn học sinh học tập tại nhà qua mạng internet. Tuy nhiên, đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi khó thực hiện được những giải pháp trên (do thiếu cơ sở vật chất, máy tính, internet...). Vì vậy, UBDT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan có những hướng dẫn cụ thể để học sinh DTTS học tập trong điều kiện hiện nay, UBDT cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế trước mắt để sử dụng nhân viên y tế thôn, bản, động viên đội ngũ này tham gia phòng, chống dịch Covd-19. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh chia sẻ: “Để thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBDT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương nắm chắc tình hình đời sống của đồng bào DTTS. Với những nơi thiếu đói giáp hạt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp gạo không thu tiền để hỗ trợ đồng bào; cấp phát miễn phí xà phòng, khẩu trang ở một số vùng đồng bào DTTS; thăm khám y tế và cấp phát một số loại thuốc thiết yếu nhằm tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể trạng của người dân, nhất là đối với người già, trẻ em, người nghèo...”.

Linh Đan

Bình luận

ZALO