Biên phòng - Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các văn nghệ sĩ tại thành phố (TP) Hồ Chí Minh đã chung sức, đồng hành với tuyến đầu chống dịch bằng nhiều hành động ý nghĩa, thiết thực. Qua đó, các nghệ sĩ cũng có thêm nhiều chất liệu sinh động để cho ra đời nhiều tác phẩm hay cổ vũ, lan tỏa tinh thần chống dịch kiên cường của người dân TP Hồ Chí Minh.

Tích cực hỗ trợ người dân gặp khó khăn
Suốt gần 4 tháng chống dịch, rất nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ đã tích cực tham gia vận động các nguồn lực chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Nhà văn Hoàng Hiền cho biết, trong thời gian tham gia tặng quà cho người dân ở các khu cách ly, khu phong tỏa, chị đã được gặp những thân phận đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt, nhờ vậy mà chị Hiền đã có nhiều chất liệu “quý” để sáng tạo ra nhiều tác phẩm ý nghĩa trong dịp này. Hoặc thông qua các hoạt động hỗ trợ người dân ngoại tỉnh trên hành trình vượt ngàn cây số để về quê, những hoàn cảnh vô cùng khó khăn trong đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến tâm thức của những người cầm bút.
Tương tự, nhà văn Phương Huyền, Trưởng ban Truyền thông, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay, dịch Covid-19 làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân trên toàn thế giới, trong đó có các nhà văn, những người nhạy cảm với đời sống, phải suy ngẫm và đưa những nhận thức này vào những trang viết. Covid-19 chắc chắn sẽ là đề tài lớn để những người viết chiêm nghiệm và cho ra đời nhiều tác phẩm phản ánh chân thực về những ngày dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Không trực tiếp tham gia vào tuyến đầu chống dịch nhưng nhà văn Phương Huyền đã đứng ra kêu gọi, quyên góp tiền và nhu yếu phẩm để gửi đến những người lao động đang gặp khó khăn ở các khu phong tỏa, khu nhà trọ… Đến nay, nhà văn Phương Huyền đã vận động được hơn 600 triệu đồng tiền mặt và 13,4 tấn gạo, 820 thùng mì tôm, 437 thùng sữa, 2 tạ cá khô và 4.500 chiếc khẩu trang N96 do các nhà hảo tâm ủng hộ. Không chỉ người dân ở TP Hồ Chí Minh, nhiều người dân ở Quảng Bình, Đà Nẵng biết đến chị Phương Huyền cũng nhắn tin bày tỏ được hỗ trợ và ủng hộ chị Huyền đi làm từ thiện.
Mới đây, Ban Nhà văn nữ, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã vận động và quyên góp được 200 triệu đồng từ các hội viên cũng như các tấm lòng hảo tâm ở trong và ngoài nước. Từ số tiền này đã mua được 8 tấn gạo để gửi tặng đến 7 bếp cơm xã hội và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức trao 100 triệu đồng góp sức cho đội ngũ y, bác sĩ đang điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Đây là tấm lòng của 40 tác giả, là các nhà văn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố chung tay đóng góp.
Theo Nhà văn Bích Ngân, mỗi nhà thơ, nhà văn dù muốn hay không thì những gì họ viết ra cũng phản ánh hiện thực, quan trọng hơn, phản ánh đời sống tinh thần của con người trong giai đoạn họ chứng kiến, họ sống và viết. Dĩ nhiên, nhà văn cũng chỉ là một con người cụ thể với nhận thức, cảm xúc cá nhân, bởi vậy, rõ ràng hiện thực sẽ được phản ánh dưới góc nhìn riêng. Nhiều cái nhìn, nhiều phong cách sẽ góp phần phản ánh, tái tạo một thời kỳ, xa hơn là một thời đại đầy đủ, phong phú, sâu sắc hơn.
Nhiều tác phẩm mới được ra đời
Mới đây, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc thi sáng tác thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” để truyền cảm hứng, tinh thần lạc quan đến mọi người trong mùa dịch. Tính đến nay, cuộc thi đã nhận được hơn 15.000 bài thơ của gần 700 tác giả dự thi. Trong đó, đã có 125 chùm thơ với 315 bài của 150 tác giả được đăng trên các tờ báo, tạp chí về văn hóa, văn nghệ. Nội dung sáng tác của cuộc thi tập trung về con người, cuộc sống mảnh đất phương Nam, đặc biệt chú trọng việc phản ánh những đổi thay, phát triển của TP Hồ Chí Minh, tình người và dấu ấn của các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Nhà thơ Lê Minh Quốc, Trưởng ban chung khảo Cuộc thi cho biết, những ngày qua, khi TP Hồ Chí Minh đang gồng mình chống dịch, mỗi thi sĩ đều có một góc nhìn trước cuộc chiến chống dịch. Song, tất cả đều có “mẫu số chung” là cảm nhận về tình người, lòng nhân nghĩa của người dân nơi mảnh đất phương Nam. Thông qua cuộc thi, các tấm lòng nhân nghĩa của người phương Nam một lần nữa sẽ được các nhà thơ tái hiện, lấy đó làm tư liệu để viết nên những bài thơ với những vần thơ xao xuyến lòng người.
Tương tự, cũng hướng tới việc lan tỏa tình người trong mùa dịch, TYM Books & Media tổ chức Cuộc thi viết tản văn về đề tài “Thương lắm Sài Gòn”. Với cuộc thi này, người tham gia có thể ghi lại cảm xúc, câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn hay hành động thiện nguyện, trượng nghĩa về tình người TP Hồ Chí Minh dành cho nhau trong những ngày cả thành phố đang nỗ lực chống dịch.
Chia sẻ về cuộc thi, Nhà văn Tống Phước Bảo, tác giả của nhiều tập truyện được người trẻ yêu thích cho biết, các cuộc thi viết vào thời điểm này như đem đến một liều vaccine tinh thần cho lực lượng sáng tác và bạn đọc. Nhiều nhà văn có cái nhìn phong phú hơn khi viết cũng là một cách để ghi lại những cảm xúc chân thực của thời khắc này giúp cho người đọc thấy được tinh thần ngoan cường của người dân, sự yêu thương giữa người với người luôn hiện hữu, kể cả trong đại dịch khó khăn.
Nhà văn Nguyễn Duy Quyền, tác giả của các đầu sách “Quên được cứ quên”, “Tiệm ký gửi nỗi buồn”, “Còn quá nhiều thứ để thương”, “Sài Gòn trong Sài Gòn”, làm trong một công ty cung ứng dịch vụ y tế cho các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Khi dịch Covid-19 bùng phát, anh cùng cộng sự tham gia vào quy trình xử lý sau khi xét nghiệm và đưa bệnh nhân về đúng tuyến điều trị, cũng như điều tra dịch tễ và truy vết. Tạm xa cuộc sống yên bình trước đây, anh chuyển đến khách sạn để sống cùng đồng đội trong vùng xanh.
Nhà văn Nguyễn Duy Quyền cho biết, từ những ngày đầu của dịch Covid-19, không chỉ riêng anh mà cả ngành y tế đều gặp khó khăn, với lượt bệnh nhân tăng cao và nhanh, khiến khối lượng công việc tăng theo đáng kể. Mỗi ngày, anh cùng đồng đội làm việc 8 giờ liên tục, có những ngày lên tới mười mấy giờ. Dù công việc bận rộn nhưng nhà văn Nguyễn Duy Quyền vẫn tranh thủ ghi lại những cảm nhận về công việc và những chuyện diễn ra quanh mình. Tất cả đều được anh cập nhật liên tục mỗi ngày trên trang cá nhân. Anh có ý định tập hợp những ghi chép này thành một tập tản văn và ký.
Hoàng Tuyết