Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Làm thí điểm “chuyển nước quốc gia”

Biên phòng - “Năm 2020, hạn hán gay gắt ở các tỉnh Nam Trung bộ, mới thấy rõ nét nhất tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra trầm trọng. Bài toán và tư duy làm thủy lợi hiện nay không chỉ tưới cho cây lúa, mà phải là “át chủ bài” của đô thị, du lịch, công nghiệp... Hiện tại, Khánh Hòa đón mỗi năm 10 triệu lượt khách du lịch, thời gian tới sẽ phát triển lên 20, 30, 40 triệu lượt khách mỗi năm, cần rất nhiều nước”. Đó là trao đổi của ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với phóng viên Báo Biên phòng, sau khi đi kiểm tra công tác chống hạn ở tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa. 

Ông Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Hải Luận

Ông Cường cho biết: “Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn Khánh Hòa làm thí điểm thực hiện chiến lược “chuyển nước quốc gia”, trước mắt phát triển liên hồ chứa giữa các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận để điều tiết nước phân vùng. Xây dựng hệ thống thủy lợi ở Tây Nguyên điều tiết nước cho các tỉnh Nam Trung bộ”.

Liên hoàn hồ chứa

- Tại sao lại gọi là “chuyển nước quốc gia”, thưa Bộ trưởng?

- Trong chiến lược phát triển an ninh nguồn nước quốc gia, cần phải xây dựng những hồ chứa nước lớn ở các vùng trọng điểm. Lấy ví dụ, vùng Tây Nguyên có mùa mưa lạch với mùa hạn ở các tỉnh Nam Trung bộ, cần phải xây dựng những hồ chứa lớn ở Tây Nguyên để điều tiết cấp xuống cho các tỉnh Nam Trung bộ. Hoặc ở các tỉnh ven biển điều tiết cho nhau, vùng thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cần đầu tư 600 tỉ đồng làm đường ống dẫn nước từ hồ chứa Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận về phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Về lâu dài sẽ phát triển điều tiết nước theo trục Bắc - Nam với cự ly nhiều tỉnh, thành.

- Người dân tỉnh Khánh Hòa chưa bao giờ bỏ ruộng không sản xuất nhiều như năm nay, vì thiếu nước. Giải pháp của Bộ như thế nào cho thời gian tới?

- Khánh Hòa có 40 con sông, tại sao thiếu nước lại đổ cho trời? Mùa mưa thừa 3 tỉ m3 nước chảy thẳng ra biển, mùa khô thiếu 800 triệu m3 nước. Tỉnh Khánh Hòa có 1,5 triệu dân, rồi sẽ tăng lên 2 triệu dân, tốc độ đô thị hóa lớn, khách du lịch đông sẽ thiếu nước trầm trọng, nếu chúng ta không có giải pháp ở tầm chiến lược. Tới đây, Bộ sẽ cử đoàn chuyên gia vào Khánh Hòa tập trung rà soát lại tất cả các hồ chứa nước hiện có, xem nâng cấp, gia cố như thế nào để tăng khả năng tích nước vào mùa mưa nhiều hơn nữa. Năm 2022, hồ chứa nước sông Chò, với dung tích trên 100 triệu m3 đi vào hoạt động, sẽ giảm áp lực thiếu nước cho Khánh Hòa.

Ngoài ra, phải làm nhiều “hồ chứa cấp xã” để có tác dụng mùa mưa giảm lũ, mùa khô phục vụ tưới tiêu những diện tích nhỏ. Phải nỗ lực làm từ “hồ chứa cấp xã” đến “hồ chứa cấp Trung ương”, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế.

Nông nghiệp thông minh đặc hữu

- Người nông dân vừa làm, vừa lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm, Bộ hoạch định như thế nào trong việc giải quyết căn bản thị trường tiêu thụ nông sản cho vùng này?

- Nói về tiềm năng lợi thế, không đâu bằng Khánh Hòa, một tỉnh có đến 4 vịnh nổi tiếng thế giới, cánh cung hướng Tây là những khu rừng đặc dụng, cánh cung hướng Đông là vịnh, đảo, đây là “mỏ vàng” du lịch. Mỗi năm Khánh Hòa đón 10 triệu lượt khách du lịch, đây là một thị trường tiêu thụ hàng nông sản và thủy sản rất lớn. Riêng lĩnh vực nông nghiệp có chuyển biến, nhưng nhìn chung, chưa đạt được mục tiêu cuối cùng hướng tới một nền nông nghiệp thông minh đặc hữu. Tại sao phải dùng từ “nông nghiệp thông minh đặc hữu”, hạn hán phải sử dụng loại giống cây nào phù hợp khí hậu, chọn công nghệ tưới tiêu thông minh, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ.

Hiện tại, Khánh Hòa có 8.000ha xoài, hơn 2.000ha sầu riêng và gần 2.000ha bưởi da xanh... Mỗi sản phẩm phải gắn cho nó cái tên “đặc sản” để dân du lịch hào hứng mua. Ở New Zealand, họ quảng cáo mật ong ở nghệ thuật đỉnh cao, khách du lịch qua bên đó cứ đè mua mật ong, lên máy bay rồi cùng bàn tán chuyện mật ong. Thương hiệu nông sản của Khánh Hòa là cái gì? Một người khách du lịch đến Nha Trang ăn một múi bưởi, một múi rầu riêng... là thị trường tiêu thụ sản lượng lớn nông sản. Phải tính toán loại ăn tươi tại chỗ, loại sấy khô mua mang về nhà làm quà, kiểu nào cũng bán được. Đây là xuất khẩu tại chỗ, chưa cần đi đâu xa.

Dựa vào tài nguyên, địa hình, văn hóa truyền thống... là căn cứ lợi thế rất đắc địa về kinh tế. Cho nên, phát triển dịch vụ du lịch là một trụ cột lớn nhất, bền vững trong chiến lược lâu dài của tỉnh. Địa phương phải xác định lĩnh vực này mang tầm cỡ quốc tế để có tham vọng lớn, có cách tổ chức hợp lý.

Nuôi cá biển theo hướng công nghiệp trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

- Biển Khánh Hòa có lợi thế nhiều đầm, vịnh, nghề nuôi trồng thủy sản nhìn chung vẫn còn “ọp ẹp”, theo Bộ trưởng, cần có giải pháp nào để phát triển bền vững?

- Khai thác kinh tế hải sản ở Khánh Hòa với 3 trụ cột rất điển hình. Thứ nhất, khai thác hải sản với sản lượng lớn trong vùng, đặc biệt, ngư trường quần đảo Trường Sa. Thứ hai, nuôi biển đã trở thành thương hiệu, với 54.000 lồng nuôi tôm hùm và hàng loạt đối tượng nuôi khác. Thứ ba, công nghiệp chế biến thủy sản rất phát triển, đặc biệt nhóm ngành hàng cá ngừ, có nhiều doanh nghiệp làm nòng cốt rất tốt, kể cả công nghệ, quy mô và dòng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Lâu nay, ngư dân nuôi biển chủ yếu theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, lồng nuôi bằng vật liệu gỗ nên không chịu được sóng gió lớn. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh cần khuyến khích và định hướng ngư dân phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, áp dụng lồng nuôi bằng vật liệu mới, công nghệ, quy trình mới để phát triển bền vững.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hải Luận (thực hiện

Bình luận

ZALO