Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 06:29 GMT+7

Làm thế nào để hạn chế án oan sai?

Biên phòng - Năm vừa qua, dư luận cả nước chưa lắng xuống về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn chịu án oan 10 năm về tội giết người và cướp tài sản thì lại "nóng" lên xung quanh vụ thương lượng bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén về việc ông bị ngồi tù oan 17 năm. Dư luận thật sự bị chấn động khi nghe vụ án oan suốt 46 năm xuyên 2 thế kỷ của ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh. Những con người bình thường không ai biết đến bỗng dưng trở thành nổi tiếng một cách cay đắng và chắc chắn những vụ án oan sai này sẽ đi vào lịch sử ngành tư pháp Việt Nam.

f4xs_16
 Ông Nén ngày ra tù đoàn tụ gia đình. Ảnh: CTV

Từ những sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là cơ quan điều tra đã dẫn tới việc làm oan những người vô tội, gây ra bi kịch cho nhiều gia đình, với những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, đó là những tổn thất không có gì bù đắp nổi. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, những vụ án oan sai vừa qua đã lộ ra những "lỗ hổng" trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử ở Việt Nam hiện nay và cần được lấp kín ngay để lấy lại lòng tin của người dân vào công lý, vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ những vụ án oan sai và việc công khai xin lỗi, đền bù thiệt hại cho các nạn nhân, chúng ta cũng cần nhìn một cách toàn diện để thấy ở một khía cạnh khác về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng và những người tiến hành tố tụng.

Qua các vụ án oan, một đặc điểm chung rất dễ nhận thấy là luôn có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, kết luận vụ án thường mang tính áp đặt chủ quan của người tiến hành tố tụng, có dấu hiệu mớm cung, bức cung, nhục hình biến tướng trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm này hầu như không chứng minh được hoặc không được hội đồng xét xử xem xét.

Vấn đề đặt ra là tại sao trong các vụ án đã phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục tố tụng, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng và giữa các cơ quan này đều có quyền hạn thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kiểm tra lẫn nhau; việc xét xử các bị cáo diễn ra công khai, có người tham gia bào chữa... nhưng vẫn bị oan sai? Việc người vô tội bị oan phải được nhìn nhận là một hiện tượng xã hội - pháp lý và có nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó. Nếu xét từ góc độ nguyên nhân khách quan, trước hết và quan trọng là ở phương diện quy định của pháp luật. Nếu xét theo nguyên nhân chủ quan, cần xem xét ở góc độ người tiến hành tố tụng và bản thân người bị oan cũng như những người tham gia tố tụng khác. Trong mối quan hệ với nhau, dù cân đong đo đếm như thế nào thì nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân trực tiếp, quyết định tới việc làm oan người vô tội.

Vậy, làm thế nào để hạn chế và tránh oan sai trong tố tụng hình sự? Đây là câu hỏi đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhiều đại biểu Quốc hội, các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư đã phân tích, đánh giá nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan sai chính là ép cung, bức cung, nhục hình biến tướng và cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế, chống lại vấn nạn này như: Lắp thiết bị ghi âm, ghi hình trong phòng thẩm vấn; luật sư tham gia vào vụ án ngay từ đầu quá trình điều tra vụ án (ngoại trừ một số vụ án về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia đòi hỏi có những yêu cầu đặc thù riêng); áp dụng quy định "Quyền được im lặng" của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; áp dụng nguyên tắc "Suy đoán vô tội"...

Để hạn chế và tránh việc oan sai trong tố tụng hình sự thì cần phải áp dụng đồng thời nhiều giải pháp nhưng trước tiên phải đặc biệt chú trọng công tác điều tra. Điều tra viên phải áp dụng triệt để nguyên tắc "Suy đoán vô tội", đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để tránh oan sai trong tố tụng hình sự. Pháp luật tố tụng hình sự cụ thể hóa nguyên tắc này bằng việc quy định: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội". Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Điều này có nghĩa rằng: Trước khi bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì bị can, bị cáo đều được coi là "người vô tội".

Thực tế trong quá trình điều tra, điều tra viên phải chịu rất nhiều sức ép có thể vì quá đặt nặng trách nhiệm "chứng minh tội phạm" và tâm lý lo sợ "bỏ lọt tội phạm" mà khi phát hiện tội phạm, xác định đối tượng tình nghi, nhiều điều tra viên chỉ đi theo hướng "buộc tội" và bức cung, ép cung khi nghi phạm chối tội, sẽ dẫn đến việc oan sai. Nếu quán triệt tư tưởng và áp dụng triệt để nguyên tắc "Suy đoán vô tội" thì quá trình tố tụng sẽ đảm bảo khách quan, công bằng, đồng thời hạn chế được việc oan sai xảy ra.

Đối với kiểm sát viên cần phải chủ động phát hiện các vi phạm trong hoạt động điều tra, xét xử để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục, sửa chữa; công tác kiểm sát điều tra vẫn còn thiếu sót trong việc đánh giá, thu thập chứng cứ nên vẫn để xảy ra việc phê chuẩn, khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi không đủ căn cứ để cấu thành tội phạm. Hoạt động công tố phải thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự và chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp... Tuy nhiên, có nhiều vụ án khi Viện Kiểm sát đã đưa ra các yêu cầu điều tra, nhưng một số cơ quan điều tra không thực hiện; nhiều vụ án chỉ có lời nhận tội của bị can, bị cáo mà không có tài liệu, chứng cứ khác để đối chứng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn sử dụng để buộc tội vì cho rằng "bản thân bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình".

Khi xét xử, các tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan. Thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, người làm chứng, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trong các vụ án "bị oan", thường là vai trò của người bào chữa chưa được khẳng định đúng mức. Người bào chữa chưa được tham gia đầy đủ ngay từ đầu quá trình tố tụng. Các ý kiến bào chữa chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm đúng mức. Điều này có nguyên nhân từ quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý thì nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan sai là hiện tượng ép cung, bức cung các đối tượng bị tình nghi phạm tội của người tiến hành tố tụng thì cần phải có người đối trọng về trách nhiệm. Điều tra viên, kiểm sát viên giữ nhiệm vụ buộc tội, còn luật sư bào chữa là người gỡ tội. Vì thế, sự tham gia của luật sư với vai trò đối trọng sẽ làm giảm tính chất "buộc tội" trong hỏi cung nói riêng và quá trình tố tụng hình sự nói chung. Luật sư bào chữa cũng giữ vai trò "giám sát" việc tuân thủ các nguyên tắc, quy định của pháp luật tố tụng hình sự của những người tiến hành tố tụng, làm cho quá trình được khách quan, công bằng hơn và tất nhiên sẽ hạn chế việc ép cung, bức cung, từ đó sẽ giảm được án oan sai.

Nâng cao vai trò, vị trí của luật sư trong việc tham gia tố tụng là một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp, tuy nhiên nhiệm vụ này chưa thật sự được chú trọng. Pháp luật tố tụng hình sự ghi nhận luật sư có quyền tham gia các buổi hỏi cung thân chủ của mình nhưng cần phải có sự đồng ý của điều tra viên hoặc kiểm sát viên. Quy định này vô hình trung làm cho việc tham gia của luật sư chỉ còn là "hình thức", không còn ý nghĩa. Đi kèm với việc tăng cường vai trò, sự tham gia của luật sư trong quá trình tố tụng thì pháp luật tố tụng hình sự cũng cần phải ghi nhận nguyên tắc "Quyền được giữ im lặng" để chờ người bào chữa của người bị tình nghi, bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Với nhiều lý do chủ quan, khách quan, người bị oan không thể tự bào chữa, không thể tự chứng minh họ bị oan. Thường họ chỉ biết kêu oan, nhưng tiếng kêu của họ ít khi lay động được những người đã trót làm oan cho họ. Trong bối cảnh đó, các cơ quan đại diện của nhân dân như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, luật sư, các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện chức năng của mình bằng lương tâm, trách nhiệm sẽ đem hết kiến thức, bản lĩnh, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh để xảy ra tình trạng oan sai.

Cù Tất Dũng

Bình luận

ZALO