Biên phòng - Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 9 Chương, 55 điều. Tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, 12 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu làm rõ thêm và bổ sung một số vấn đề quan trọng.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) băn khoăn trước quy định người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật đầu tư. Quy định như thế này chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bởi vì để có một giấy chứng nhận đầu tư thì phải có cả một quá trình, nhà đầu tư phải vào thăm dò, thực hiện các thủ tục, nhiều dự án phải mất thời gian 2 đến 3 năm để có giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng ngay từ đầu, chúng ta yêu cầu người nước ngoài đầu tư phải có giấy chứng nhận đầu tư, như vậy chưa thực sự tạo điều kiện cho người nước ngoài để xin thị thực vào Việt Nam.
Đại biểu Học cũng đề nghị nghiên cứu để xác định lại thẩm quyền chưa cho nhập cảnh trong Khoản 4, Điều 21 quy định "người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng thì chưa cho nhập cảnh" và thẩm quyền chưa cho nhập cảnh trong trường hợp này được quy định tại Khoản 1, Điều 22: "người đứng đầu cơ quan công an cửa khẩu, người đứng đầu đơn vị biên phòng cửa khẩu".
Bởi vì người đứng đầu cơ quan công an cửa khẩu, người đứng đầu đơn vị biên phòng cửa khẩu không có điều kiện, phương tiện để xác định người bị mắc bệnh tâm thần và bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng để quyết định chưa cho nhập cảnh.
|
BĐBP làm thủ tục kiếm soát xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) |
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) bổ sung: Sự phân công trách nhiệm giữa Bộ Công an với các bộ ngành hữu quan trong công tác quản lý người nước ngoài chưa cụ thể, nên có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa kịp thời giải quyết tình trạng một số doanh nghiệp tự ý chuyển nhượng dự án, đầu tư núp bóng, nhờ người Việt Nam đứng tên giấy chứng nhận kinh doanh, ngừng hoạt động không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Việc người nước ngoài sử dụng giấy thông hành trong khu vực biên giới, nhưng lại đi sâu vào nội địa Việt Nam để lao động, mua bán nông, lâm sản trái phép đang diễn ra khá phổ biến, khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh bất hợp pháp.
Trong khi dự thảo luật chỉ quy định trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban nhân dân các cấp, chưa quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành liên quan cho nên thực tế rất khó thực hiện. Để đảm bảo tính khách quan trong việc quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần phải quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành có liên quan.
Kiểm tra, kiểm soát đối với người nước ngoài khi vào khu vực biên giới
Góp ý vào thẩm quyền quyết định chưa cho nhập cảnh tại Điều 22 dự thảo Luật, đại biểu Bùi Đức Hạnh (Lào Cai) cho rằng: qui định "Người đứng đầu cơ quan công an cửa khẩu và người đứng đầu đồn, đứng đầu đơn vị biên phòng cửa khẩu" là chung chung chưa rõ thuộc cấp nào (cấp đồn hay cấp trạm). Qui định như trên rất dễ lạm quyền, khó cho tổ chức thực hiện, lại cần phải có một văn bản hướng dẫn dưới luật.
“Căn cứ vào văn bản pháp luật hiện hành, thực tiễn đang thực hiện ở đơn vị cơ sở hiện nay, tôi đề nghị qui định cụ thể là: "Đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu, đồn trưởng đồn công an cửa khẩu và đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu có quyền quyết định chưa cho nhập cảnh…"- Đại biểu Hạnh đề nghị.
Đại biểu Hạnh cũng chỉ ra thiếu sót tại Điều 34, quy định "nơi khai báo là người nước ngoài tạm trú ở Việt Nam phải thông báo cho cơ quan tạm trú khai báo với công an xã, phường, thị trấn, đồn và trạm công an nơi cư trú, nơi cơ sở lưu hành" đã không đề cập tới đồn biên phòng, trạm biên phòng.
Trong khi đó, theo văn bản hiện hành, lực lượng chủ trì an ninh chính trị, trật tự an toàn ở khu vực biên giới hiện nay là bộ đội biên phòng mà người nước ngoài vào khu vực đó lại không khai báo cho đồn biên phòng, cho trạm biên phòng là thiếu. Đại biểu Hạnh đề nghị bổ sung thêm vào trong Điều 34: "Người nước ngoài tạm trú ở Việt Nam phải thông báo cho cơ quan, cơ sở lưu trú, khai báo tạm trú cho đồn công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm công an và đồn, trạm biên phòng nơi có cơ sở lưu trú".
Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung vào quy định về chức trách của Bộ Công an (Điều 48): "Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng và trình các cơ quan thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các văn bản thẩm quyền, các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, quá cảnh và cư trú người nước ngoài tại Việt Nam".
Theo đại biểu Bùi Đức Hạnh: Hiện nay, trên lãnh thổ Việt Nam có hai bộ quản lý các cửa khẩu. Bộ Quốc phòng quản lý tất cả cửa khẩu trên đường bộ, đường sắt và đường biển. Bộ Công an quản lý cửa khẩu đường không.
Bộ Công an có Cục quản lý xuất nhập cảnh, là cơ quan tham mưu cho Bộ Công an về lĩnh vực này. Bộ Quốc phòng có Cục quản lý cửa khẩu làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng về lĩnh vực này. Hai cơ quan này trong thực tế phối hợp rất tốt với nhau trong quản lý xuất nhập cảnh, mặc dù chưa có luật. Tôi đề nghị để các văn bản ban hành liên quan đến xuất nhập cảnh gắn với thực tiễn ở đơn vị cơ sở, tạo thuận lợi cho thực hiện sau này, tôi đề nghị Bộ Công an chủ trì và phối hợp với Bộ Quốc phòng để soạn thảo văn bản này trình các cơ quan có thẩm quyền.
Cũng liên quan đến Điều 48, nhiều đại biểu đề nghị ghi rõ: "trách nhiệm của Bộ Công an kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Công an quản lý", để không chồng chéo với Bộ Quốc phòng và thống nhất với khoản 3, Điều 50: "trách nhiệm của Bộ Quốc phòng là kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý".
Nhất trí với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) góp ý: “Quy định ở Điểm đ, Khoản 1, Điều 37 của dự thảo luật chỉ đề cập đến việc cấp phép mà không quy định đến sự chịu trách nhiệm về kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền đối với người nước ngoài khi vào khu vực biên giới. Theo tôi nên chỉnh theo hướng: “Người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam thăm quan, du lịch, thăm thân không phải xin phép. Trường hợp vào khu vực biên giới, khu vực cấm phải được phép và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền”.
|
Đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) phát biểu trên Hội trường. |
Đại biểu Phương cũng chỉ ra Điểm c, Khoản 2, Điều 43 của dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã trong việc xử lý vi phạm về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại địa phương qui định chưa rõ ràng.
Bởi vì, nếu UBND cấp huyện, xã chỉ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (Cục Quản lý xuất nhập cảnh và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an các tỉnh, thành phố) trong việc xử lý vi phạm của người nước ngoài tại địa phương thì đối với các cơ quan khác có thẩm quyền xử lý vi phạm về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài (Bộ đội Biên phòng), UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm phối hợp không?
Đặc biệt là đối với các huyện có biên giới, các xã nằm trong khu vực biên giới, nơi vùng sâu, vùng xa thì việc UBND cấp huyện, xã phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để xử lý vi phạm của người nước ngoài tại địa phương lại càng hết sức gặp khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị thay cụm từ “cơ quan quản lý xuất nhập cảnh” bằng cụm từ “cơ quan có thẩm quyền” để xác định đầy đủ hơn chủ thể phối hợp của UBND cấp huyện, xã trong xử lý vi phạm về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại địa phương.
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát các quy định về điều kiện, đối tượng, trình tự, thủ tục để bảo đảm tính chặt chẽ, hạn chế tình trạng bị lợi dụng vi phạm pháp luật, vừa bảo đảm cho công tác quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài cư trú một cách hợp pháp ở Việt Nam. Các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị nghiên cứu bổ sung ngoài quyền và nghĩa vụ thêm quyền giữ gìn văn hóa, quyền bảo hộ danh dự, tài sản, tính mạng v.v...
Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An), Nguyễn Văn Minh (Bắc Cạn), Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề nghị quyền hạn và nghĩa vụ đối với người quá cảnh, đối tượng quá cảnh chưa được quy định trong quyền nghĩa vụ này thấy là cần thiết cũng cần phải quy định.
Sau phiên thảo luận, dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ được hoàn chỉnh và trình Quốc hội thông qua theo chương trình tại kỳ họp này.