Biên phòng - Với số vốn ít ỏi, gia đình ông La Văn Đoàn, người dân tộc Đan Lai ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã đi mua cây cam giống về trồng trên diện tích đất đồi khai hoang. Trải qua nhiều năm cần cù chăm sóc, gia đình ông Đoàn đang sở hữu vườn cam có giá trị kinh tế cao giữa đại ngàn Pù Mát.
Trên con đường men theo sườn núi dẫn vào trung tâm bản Cò Phạt, chúng tôi nhìn thấy một vườn cam trĩu quả, căng mọng, gần cho thu hoạch. Vườn cam có hàng trăm gốc được trồng thẳng lối, nằm trên một sườn đồi thoai thoải rộng lớn, được rào rất cẩn thận. Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cò Phạt, Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An cho biết, đó là khu sản xuất của gia đình ông La Văn Đoàn, người dân tộc Đan Lai, sinh sống trong bản.
Chỉ tay về hướng những thửa ruộng dưới chân đồi, Đại úy Kiên khẳng định: “Ông La Văn Đoàn cùng vợ và các con đang thu hoạch lúa ở dưới kia”. Nói rồi Đại úy Kiên dẫn chúng tôi đến đó, lúc này ông Đoàn cùng vợ tạm gác công việc gặt lúa bước lên một ngôi lán tạm được dựng ngay mép chân ruộng, rót nước mời khách. Cả hai vợ chồng người nông dân mồ hôi ướt đẫm áo. Khi được hỏi về vườn cam, bà Đinh Thị Vinh (vợ ông Đoàn) vui vẻ cho biết: “Có người ngoài trung tâm xã vào trả giá hơn 1 tỷ đồng rồi, nhưng chúng tôi chưa bán. Vườn cam là mồ hôi, nước mắt của cả gia đình gây dựng trong nhiều năm, giờ đây nó là sinh kế lâu dài cho con, cháu”.
Được biết, ônh La Văn Đoàn và bà Đinh Thị Vinh có 6 người con. Từ nhiều năm trước, để có đủ cái ăn cho cả gia đình, hai ông bà đã chọn một khu đất xa trung tâm bản để khai hoang làm lúa nước, trồng khoai, sắn, đào ao thả cá. Sau nhiều năm chăm chỉ lao động, gia đình người dân tộc Đan Lai này đã có diện tích đất sản xuất rộng hơn 1,5ha. Trong đó, hơn 5 sào ruộng, mỗi năm trồng 2 vụ lúa đủ cung cấp lương thực cho cả gia đình. Khi không phải lo đến cái đói, ông Đoàn và bà Vinh bắt đầu nghĩ đến việc bỏ trồng cây sắn, tìm một loại cây khác phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao để trồng trên diện tích đất đồi của gia đình.
Trong một chuyến đi ra trung tâm huyện, bà Vinh nhìn thấy người dân các xã lân cận đang trồng cây cam trên vườn đồi cho thu nhập cao. Lúc này, bà nghĩ đến việc sẽ đưa loại cây ăn quả này về trồng trong khu đất đồi do gia đình khai hoang, giữa đại ngàn Pù Mát. Nghĩ là làm, bà Vinh cùng chồng con đã tiến hành đào hố, ủ phân, vay 10 triệu đồng từ tiền vốn của Hội Phụ nữ xã Môn Sơn để đi đặt mua cây cam giống mang về trồng. Đúng như kỳ vọng của gia đình ông bà, cây cam đã nhanh chóng bén rễ, xanh tốt trên vùng đất này. Từ những tín hiệu vui ban đầu, bà Vinh đã bán bò, tiếp tục mua thêm cây cam giống mở rộng diện tích trồng với quy mô lên đến hàng trăm gốc.
Thế nhưng, mở rộng quy mô vườn cam, gia đình ông La Văn Đoàn lại gặp phải không ít khó khăn về nguồn vốn. Đặc biệt là khi cây cam trưởng thành đòi hỏi lượng phân bón và nước tưới rất nhiều. Trong đó, khó khăn về nguồn nước tưới cho cây vào mùa nắng nóng vẫn là nan giải nhất. Mặc dù trong khu vườn của gia đình ông Đoàn có hệ thống ao, hồ, nhưng biện pháp dùng máy bơm nước chạy bằng động cơ diezel về lâu dài rất tốn kém kinh phí. Qua quá trình khảo sát, ông Đoàn phát hiện cách vườn cam nhà mình khoảng 700m có một suối nước chảy quanh năm, lại có độ dốc lớn. Ông nghĩ đến việc xây dựng đường ống dẫn nước tự chảy về tưới cho vườn cam, cũng như ruộng lúa của gia đình. Để thực hiện ý tưởng, ông Đoàn tiếp tục bán trâu, bò, vay mượn người thân để mua đường ống nhựa cỡ lớn dẫn nước từ dòng suối chảy về khu sản xuất.
Vấn đề nan giải nhất được giải quyết, các thành viên trong gia đình ông Đoàn tiếp tục đổ công sức, mồ hôi chăm sóc vườn cam, chờ ngày đón niềm vui. “Năm 2017, vườn cam của chúng tôi đã cho thu hoạch mùa đầu tiên, dù quả chưa nhiều nhưng cũng đã có thu nhập, trả bớt được một số khoản nợ nần. Mùa năm nay, thấy quả nhiều hơn, đẹp hơn nên mọi người trong gia đình rất phấn khởi chờ thu hoạch” - Bà Vinh khẳng định.
Qua nhiều năm vất vả gây dựng, gia đình ông La Văn Đoàn đang sở hữu vườn cam tiền tỉ giữa đại ngàn Pù Mát. Đó không chỉ là tín hiệu vui của gia đình ông Đoàn, mà còn là hướng phát triển kinh tế mới cho cộng đồng bà con dân tộc Đan Lai giữa đại ngàn Pù Mát.
Viết Lam