Biên phòng - Theo tiếng gọi của Đảng, cách đây mấy năm, gia đình ông Lương Văn Phượng đã rời quê cũ (huyện Tương Dương) về tái định cư tại địa bàn bản Muộng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An để nhường đất xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ. Đến vùng đất mới làm ăn, bằng sự nỗ lực lao động của các thành viên trong gia đình, cùng với sự giúp đỡ của Đồn BP Ngọc Lâm, BĐBP Nghệ An, giờ đây cuộc sống gia đình ông khá ổn định, kinh tế phát triển theo mô hình vườn, ao, chuồng (VAC).
Những ngày đầu tiên chuyển về vùng đất mới, cũng như hàng nghìn gia đình khác thuộc diện tái định cư, ông Lương Văn Phượng gặp muôn vàn khó khăn. Do chưa quen với môi trường và khí hậu, thời tiết ở quê hương mới, trong khi đó, vốn đất sản xuất hạn chế lại khó canh tác. Thời điểm đó, cũng vì những khó khăn trước mắt mà có khá nhiều gia đình đã hồi cư bất hợp pháp về lại khu vực xây dựng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm của một đảng viên, ông Phượng đã quyết tâm tìm mọi cách để phát triển kinh tế gia đình trên vùng đất mới. Hai vợ chồng cùng người con trai lớn, học hỏi đồng bào ở dưới xuôi, quần quật ngày đêm vỡ đất, khai hoang, đào ao thả cá.
Đối với Đồn BP Ngọc Lâm, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đơn vị còn được giao đảm bảo an ninh trật tự, giúp dân phát triển kinh tế-xã hội ở xã tái định cư Ngọc Lâm và Thanh Sơn. "Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định phải tập trung giúp nhân dân xây dựng được một số mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Khi thành công sẽ hướng dẫn cho người dân địa phương học tập, làm theo.
Nhận thấy gia đình ông Phượng rất phù hợp để xây dựng mô hình phát triển kinh tế VAC nên đơn vị đã tạo điều kiện giúp đỡ triển khai" - Thượng tá Phan Minh Tân, Chính trị viên Đồn BP Ngọc Lâm cho biết. Sau đó, chỉ huy Đồn BP Ngọc Lâm cùng đại diện gia đình đã ngồi lại với nhau, bàn bạc "qui hoạch" các khu sản xuất trong khuôn viên đất vườn, rừng rộng trên 1ha mà ông Phượng được giao nhận. Theo đó, đầu nguồn con nước được ngăn đập vừa thả cá và giữ nước phục vụ tưới các loại cây khác. Những thửa đất bằng phẳng dưới chân con đập được cải tạo để trồng lúa nước, còn vùng đất đồi thoai thoải được đào để trồng chè công nghiệp, những chỗ đất eo hẹp được tận dụng trồng cỏ voi để làm thức ăn cho trâu, bò. Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được xây dựng một cách hợp lý, khoa học.
Sau khi "qui hoạch" được thống nhất, gia đình ông Phượng huy động thêm nhân lực bắt tay vào làm. Trong những ngày đó, Đồn BP Ngọc Lâm cử cán bộ vận động quần chúng "bốn cùng" tại bản để giúp đỡ gia đình ông và bà con. Đồng thời điều động cán bộ, chiến sĩ đóng góp hàng chục ngày công để giúp gia đình ông Phượng những công việc nặng nhọc như cải tạo ruộng lúa nước, đào rãnh trồng chè... Đặc biệt trong quá trình trồng chè công nghiệp, một loại cây hoàn toàn mới với gia đình ông, cán bộ vận động quần chúng của đồn đã liên hệ tìm cây giống mới cho năng suất, chất lượng tốt. Đồn Biên phòng còn phối hợp với cán bộ ngành nông nghiệp huyện tổ chức hướng dẫn ông và bà con áp dụng khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi.
Sau quá trình dài lao động không biết mệt mỏi của những thành viên trong gia đình và sự tiếp sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ngọc Lâm, khu vườn đồi của ông Phượng đã bắt đầu cho thu hoạch. Những vụ lúa nước được mùa, ông đã chủ động được lương thực, cá trong ao, gà trên chuồng, rau xanh ngoài vườn là nguồn thực phẩm dồi dào giúp cho kinh tế gia đình ông luôn phát triển. Đặc biệt năm nay, hơn 7 sào chè công nghiệp của gia đình cũng bắt đầu cho thu hoạch búp. Nguồn thu tiền triệu từ cây chè, cùng với đàn bò 4-5 con đang là của để dành của gia đình ông. "Sau nhiều năm lao động, cùng với sự giúp đỡ tận tình của BĐBP, cuộc sống của gia đình tôi đang đi vào ổn định bền vững ở quê hương mới. Cùng với các loại cây đã cho thu hoạch, tôi cũng đang trồng thêm hàng chục gốc cam, quýt. Giờ đây, gia đình tôi không phải lo chuyện thiếu đói khi hết chế độ hỗ trợ của Nhà nước" - ông Phượng tâm sự.
Điều vui hơn, từ thành công bước đầu của gia đình ông Phượng, nhiều hộ dân khác ở khu tái định cư cũng đang học tập, làm theo. Họ cũng đang vươn lên làm giàu trên vùng đất mới.
Viết Lam