Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:47 GMT+7

Làm giàu nhờ công nghệ cao “dẫn lối”

Biên phòng -  “Tháng đi biển vừa rồi, tàu tui đạt doanh thu gần 3 tỉ đồng. Nếu gặp “tháng đói” chỉ kiếm xấp xỉ 1 tỉ đồng” - Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Huỳnh Tấn Anh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên hồ hởi chia sẻ với tôi. Hỏi bí quyết nào làm nên điều kỳ điệu đó, ông Anh nói: “Vì tôi yêu công nghệ, nên đầu tư thiết bị hiện đại nhất, chính công nghệ cao đã dẫn lối tôi có được thành công rực rỡ”.

Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Huỳnh Tấn Anh. Ảnh: Hải Luận

Gặp tháng “biển no”, máy siêu dò cá đặt trên tàu ông Anh nhìn thấy đàn cá 1-2 tấn dưới biển, nhưng bỏ qua không tung lưới đánh bắt, mà tập trung đi tìm đàn cá 10-20 tấn mới đánh. “Có lần, tàu tui đánh trúng một mẻ lưới 150 tấn, huy động 8 chiếc tàu hậu cần để chở cá, phải mất 24 giờ mới bắt hết lượng cá trong lưới, đạt doanh thu hơn 3 tỉ đồng” - Thuyền trưởng Anh nói con số kỷ lục trong nghề đánh bắt.

Vay tiền “chơi” máy siêu dò cá

Ngược dòng thời gian về trước, ông Anh có chiếc tàu nhỏ, làm nghề lưới vây, khi ra biển cũng “đoán mò” chỗ này, chỗ kia có đàn cá. “Năm 2009, tàu tôi ghé vào cảng Đề Gi (Bình Định) nghỉ ngơi và bán cá. Tôi phát hiện có một chiếc tàu ở vùng này đêm nào cũng trúng đậm cá, họ bán cho các tàu thu mua ở xã Hòa Hiệp Trung. Về Phú Yên, tôi xuống xã Hòa Hiệp Trung gặp mấy chủ tàu thu mua, hỏi rõ ngọn ngành chiếc tàu Bình Định kia, họ nói trên tàu ông đó có gắn máy dò cá theo chiều ngang” - Thuyền trưởng Anh nhớ lại.

Có được số điện thoại của tàu Bình Định, ông Anh gọi điện hỏi thăm, “ở hiền gặp lành”, chủ tàu có máy dò cá đã chia sẻ hết “ruột gan” về mọi tính năng của máy dò ngang. Thuyền trưởng Anh tâm sự: “Công ty chào bán máy dò cá cho tôi với giá 270 triệu đồng, lúc đó, trị giá bằng một chiếc tàu, họ yêu cầu đặt cọc trước 40 triệu đồng, rồi mới chuyển máy từ Nhật Bản sang. Tôi ký giấy đặt cọc tiền luôn, chạy đi mượn tiền đủ mua máy”.

Ngày công ty bàn giao máy dò cá, họ cử kỹ thuật xuống tàu đi biển cùng ông Anh 3 đêm. Đêm thứ 4, thứ 5..., một mình ông Anh “tác nghiệp” máy dò cá, với chi chít thông số kỹ thuật: “Trên máy dò toàn ghi chữ tiếng Anh, tôi học chưa hết lớp 9, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết. Thế là, tôi nhìn vào máy, máy nhìn vào tôi, không ai hiểu ai. Hết cách, tôi áp dụng 50% cách đánh bắt truyền thống, 50% dò theo máy. Rồi tôi chụp lại màn hình khi nó quét được tín hiệu đàn cá, đối chiếu lại với sản lượng đánh bắt thực tế nhiều hay ít, so sánh dấu hiệu đàn cá trên màn hình đã chụp lại như thế nào. Từ đó, rút ra kinh nghiệm hàng đêm trên màn hình máy dò cá” - Ông Anh tóm lược cách “chơi” công nghệ ban đầu.

Sau thời gian hoạt động thực tiễn, ông Anh “thuộc bài”, áp dụng triệt để vào đánh bắt, mang lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2010, ông vay mượn đóng thêm chiếc tàu mới và lắp thêm máy dò cá thứ 2, tổng khoản nợ là 600 triệu đồng. Năm 2012, ông Anh đã trả hết mọi nợ nần. Năm 2013, ông tiếp tục đóng chiếc tàu mới trị giá 2 tỉ đồng và xây nhà biệt thự.

Chủ động “tấn công” mạnh mẽ nhất

“Năm 2017, công ty chào hàng tôi loại máy siêu dò quét trị giá 5 tỉ đồng, bên Nhật Bản chỉ đưa sang Việt Nam 2 máy, nếu ai lấy máy đợt này, công ty sẽ giảm 800 triệu, coi như tiền quảng cáo cho họ. Loại máy này quá đỉnh cao, tôi đặt cọc ngay 200 triệu đồng. Mình đã “ăn nên làm ra” và hiểu rõ tính năng công nghệ cao, mới quyết mạnh tay chơi máy 5 tỉ, chứ “người tay ngang” không ai dám bỏ ra số tiền đầu tư lớn như vậy” - Thuyền trưởng Anh thể hiện mình có tư tưởng làm ăn lớn.

Sau 2 tháng đặt cọc mua máy, một ngân hàng tỉnh Phú Yên đi tìm người “thiệt ăn, thiệt làm” như ông Anh, vận động vay vốn đóng tàu 67 (Nghị định 67/2014/CP) bằng vật liệu composite. Nghe dân bàn tán loại “tàu nhựa” dễ bị hỏng, mất an toàn trên biển, ông Anh bỏ biển đi vào các xưởng đóng tàu ở Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu ngọn ngành, rồi quyết định đóng tàu tại Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang), tổng chi phí gần 18 tỉ đồng.

Ngư dân đang xúc cá lên tàu. Ảnh: Hải Luận

Thuyền trưởng Anh chỉ ra cái lạc hậu: “Đời cha tôi đi biển theo kiểu “như câm, như điếc”. Khoảng năm 1995, máy dò cá trục đứng ra đời (hiện nay, nhiều ngư dân vẫn còn sử dụng), tàu phải chạy đến sát, thậm chí chạy vào ở giữa tâm đàn cá để “quan sát”, rồi cho tàu lui ra khỏi đàn cá từ 100 - 200m, mới thả lưới bao vây đàn cá. Cách làm này vô tình đánh động đàn cá, nó chạy tản ra khắp nơi, sản lượng đạt rất thấp”.

Còn máy siêu dò quét trị giá 5 tỉ đồng, hoạt động ở vùng biển Phú Quý - Côn Đảo, phát huy tối đa công năng của máy, ngồi trên tàu phát hiện đàn cá ở cách xa 4 - 5km. Tăng tốc tàu tiến ngoài xa vào, cách đàn cá từ 500 - 2.000m, máy sẽ báo các thông số về tốc độ gió, dòng chảy, độ sâu, hướng di chuyển của đàn cá... Vào đúng “tầm ngắm”, thuyền trưởng bấm chuông “lệnh” tung lưới bao vây chặn đầu chính xác đàn cá.

Số ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ sắm máy siêu dò cá trị giá 5 tỉ đồng chỉ vài người. Thuyền trưởng Anh tâm sự: “Ngày trước, đi biển bằng tàu gỗ, ban đêm ngủ hay giật mình lo sợ đủ thứ. Nay đi trên chiếc tàu lớn vỏ composite, kết hợp máy siêu dò cá, ngủ luôn ngon giấc. “Anh bạn 67” quả là tuyệt vời”.

Hải Luận

Bình luận

ZALO