Biên phòng - Tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của một tộc người. Mất tiếng mẹ đẻ cũng tương tự với nguy cơ mất đi hồn cốt, bản sắc văn hóa của tộc người đó. Thế nhưng, thực tế cho thấy, một số dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn giữ được tiếng nói nhưng chữ viết thì đang mai một dần, thậm chí đứng trước nguy cơ biến mất. Nhìn từ một địa phương cụ thể là Cao Bằng có thể thấy rõ thực trạng đáng buồn này.
Giới trẻ ít sử dụng tiếng dân tộc hơn
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, phía Đông Bắc của Tổ quốc với nhiều dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Tày đông nhất, chiếm 40,83%, tiếp sau là dân tộc Nùng 29,81%, Mông 11,65%, Dao 10,36%... Dân tộc Tày có số dân đông nhất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Người Tày vẫn giữ được tiếng nói mẹ đẻ, trẻ em ở nông thôn được ông bà, cha mẹ dạy tiếng dân tộc của mình trước, sau mới học tiếng phổ thông.
Ngoài ra, các dân tộc khác có thể giao tiếp được với nhau bằng tiếng Tày và tiếng Tày nơi đây được xem như tiếng phổ thông của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trong những dịp đi công tác tại Cao Bằng, tôi đã gặp rất nhiều người Tày và thấy rằng họ sử dụng cả tiếng Tày và tiếng phổ thông (tiếng Việt) trong giao tiếp hằng ngày. Chị Nông Thị Ngọc, xã Cách Linh, huyện Quảng Hòa là một trong số đó. Chị cho biết vẫn nói chuyện với mọi người trong cộng đồng bằng tiếng Tày và nói tiếng phổ thông khi giao tiếp với người không biết tiếng Tày.
Một khảo sát mới đây của UBND tỉnh Cao Bằng cho thấy, hiện nay, 80% người Tày thường xuyên sử dụng tiếng Tày giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, xu hướng ở hầu hết các địa phương có dân tộc Tày sinh sống, đặc biệt ở khu vực thị trấn, thành phố, các gia đình trẻ và gia đình có bố mẹ là cán bộ, công viên chức nhà nước chủ yếu giao tiếp trong gia đình bằng tiếng phổ thông (tiếng Việt).
Chính vì vậy, ở những khu vực này, trẻ em dân tộc Tày ít nói tiếng dân tộc, chủ yếu sử dụng tiếng phổ thông và điều này đã làm cho tiếng Tày tự mai một chính trong nội bộ con em dân tộc Tày. Riêng tại hai địa phương Hòa An và thành phố Cao Bằng, thế hệ trẻ dân tộc Tày hầu như ít người biết nói tiếng mẹ đẻ, những người biết cũng ít sử dụng tiếng nói của dân tộc Tày trong giao tiếp.
Giống như người Tày, người Dao ở Cao Bằng vẫn giữ được tiếng nói mẹ đẻ. Tiếng nói của người Dao thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao. Hiện nay, dân tộc Dao vẫn sử dụng tiếng Dao trong giao tiếp hằng ngày. Trẻ em người Dao được cha ông truyền dạy tiếng mẹ đẻ và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình khi giao tiếp. Chỉ có một số ít các gia đình người Dao ở thị trấn, thành phố có bố mẹ là công chức, viên chức nhà nước hoặc kết hôn với người dân tộc khác ít biết hoặc ít sử dụng tiếng nói dân tộc Dao.
Chữ viết có nguy cơ biến mất
Có một thực tế là, nhiều người Tày như chị Ngọc có thể nói được tiếng Tày nhưng lại không biết viết chữ Tày vì chưa được học bao giờ như cách lý giải của chị. UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, dân tộc Tày có chữ Nôm Tày, nhưng hiện nay không còn duy trì chữ viết riêng, chỉ còn một phần nhỏ trong hệ thống sách cúng, sách Then, sách của thầy cúng và một số người hành nghề thầy cúng. Số người biết về chữ Nôm Tày hầu như không còn.
Trong các nghi lễ như: Tang ma, giải hạn, thượng thọ, xem ngày giờ..., đa số các thầy tào dân tộc Tày vẫn sử dụng chữ Hán. Các thầy tào biết viết chữ Hán, tuy nhiên, chỉ học theo lối chép lại văn bản chứ không được truyền dạy bài bản. Một số sách chữ Nôm Tày, chữ Hán hiện vẫn đang được lưu giữ trong các gia đình làm nghề thầy Tào. Về ngữ văn dân gian, dân tộc Tày vẫn còn lưu giữ, tuy nhiên, chỉ một số ít nghệ nhân cao tuổi mới nắm được nên nguy cơ mai một cao.
Người Dao cũng có chữ viết là một hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao. Hệ thống chữ viết này được các bậc trí thức người Dao trước đây sử dụng trong mọi văn tự, từ phản ánh mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, sách lịch sử, các bài hát, bài cúng đến ghi chép ngày, tháng, thơ văn... Hiện nay, ở hầu hết các gia đình Dao có người cao tuổi còn giữ được nhiều cuốn sách cổ do ông cha để lại.
Những người biết chữ viết của người Dao chủ yếu là người thực hành nghi lễ tín ngưỡng trong cộng đồng người Dao như thầy mo, thầy tào. Ngoài thầy mo và thầy tào, trong cộng đồng người Dao rất hiếm người biết đọc các cuốn sách cổ của người Dao, thậm chí, nhiều thầy mo chỉ biết đọc chữ nhưng lại không dịch được nội dung... Anh Chảo Vần Sàng, người Dao, ở xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc cho biết, anh có thể thực hiện các bài cúng của người Dao. Trong cộng đồng của anh hiện có khoảng 3-4 người biết các bài cúng của cha ông để lại, nhưng không phải ai cũng đọc được các bản viết bài cúng cổ, bản thân anh cũng vậy.
Thực tế trên cho thấy, nếu không có biện pháp bảo tồn, giữ gìn thì trong thời gian không xa, người Tày và người Dao ở Cao Bằng sẽ không lưu giữ được chữ viết của mình. Được biết, thực hiện công tác sưu tầm, bảo tồn, Bảo tàng tỉnh Cao Bằng đang lưu giữ 39 đầu sách chữ Hán và Nôm Tày sử dụng trong nghi lễ của thầy tào dân tộc Tày và 22 đầu sách sưu tầm được trong cộng đồng người Dao. Từ năm 2013 đến năm 2020, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức 78 lớp bồi dưỡng tiếng Tày cho gần 5.300 cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã mở các lớp hát then, đàn tính (tiếng Tày) để truyền dạy cho con em.
Để giữ gìn tiếng nói và chữ viết của các DTTS trên địa bàn, tỉnh Cao Bằng đề xuất các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Cao Bằng để chỉnh sửa, bổ sung bộ tài liệu tiếng dân tộc Tày, Mông phục vụ công tác bồi dưỡng tiếng DTTS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân mở các lớp truyền dạy tiếng dân tộc trong cộng đồng. Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị đưa tiếng nói và chữ viết DTTS vào tổ chức dạy và học trong hệ thống giáo dục phổ thông; dành một phần chương trình cho việc giáo dục văn hóa truyền thống các DTTS.
An Nhiên