Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 26/03/2023 10:19 GMT+7

Làm gì để giải quyết tận gốc tình trạng người Việt Nam sang Trung Quốc lao động "chui"?

Biên phòng - Mấy năm gần đây, do đời sống gặp khó khăn cùng với sự thiếu hiểu biết về pháp luật, không ít người ở nhiều địa phương đã "nhắm mắt đưa chân" sang Trung Quốc lao động "chui". Vì không được sự bảo hộ của bất cứ cơ quan, tổ chức xuất khẩu lao động nào nên họ phải đối mặt với nhiều rủi ro, có khi phải đổi bằng cả mạng sống của mình. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, thời gian qua, vấn nạn này tuy đã giảm độ "nóng", song vẫn còn là một vấn đề phức tạp, khó kiểm soát, trở thành thách thức đối với các cơ quan chức năng.

kdwp_16
Cuộc sống vất vả, thu nhập thấp, lại "mù thông tin" là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng người Việt Nam sang Trung Quốc lao động "chui". Ảnh: Minh họa

Không như đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo diện "chính ngạch" tại các nước mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết văn bản thỏa thuận đòi hỏi giấy tờ, hộ chiếu, hợp đồng lao động chặt chẽ, còn muốn sang Trung Quốc làm thuê, người lao động (NLĐ) chỉ cần bỏ ra ít tiền cho "cò lao động", thậm chí tự vượt biên trái phép qua biên giới là có thể thỏa mãn mục đích của mình. Đó là lý do khiến dòng người Việt Nam đổ sang Trung Quốc - nơi thị trường lao động đang rất "nóng" - để làm thuê ngày một gia tăng.

Một khảo sát do cơ quan chức năng thực hiện gần đây cho thấy, các địa phương có người sang Trung Quốc để lao động "chui" nhiều nhất là Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An... Theo kết quả của khảo sát này, trong số người sang Trung Quốc lao động "chui", có đến hơn 45% là người dân tộc thiểu số có học vấn thấp, không có tay nghề. Việc làm của họ bên Trung Quốc chủ yếu thuộc diện lao động phổ thông, giản đơn như phu hồ, bốc vác, khai hoang, trồng trọt, thu hoạch mùa màng… Với số "tiền tươi" trung bình từ 200-300 nghìn đồng mỗi ngày, trong điều kiện ở quê thiếu việc làm hoặc tiền công thấp, người lao động (NLĐ) coi số thu nhập từ làm thuê tại Trung Quốc là có thể chấp nhận được.

Kể từ khi manh nha tình trạng người Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê rộ lên đến nay, Hà Giang luôn được ghi nhận là một trong những địa phương có số người tham gia vào dòng người vượt biên trái phép qua nước này để làm thuê đông nhất, với những sự vụ rất phức tạp. Chỉ tính riêng tại huyện Vị Xuyên, theo thống kê sơ bộ của các cơ quan hữu quan, có khoảng 1.000 NLĐ trong tổng số hàng chục nghìn người trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang thường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Trước diễn biến "nóng" này, các ban, ngành chức năng huyện Vị Xuyên đã tìm nhiều cách "hạ nhiệt" bằng những buổi gặp mặt các lao động "chui" để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ kết hợp tuyên truyền, cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra để NLĐ phòng tránh.

Điều đáng lưu tâm là hiện có tới 94% số NLĐ trên địa bàn tỉnh Hà Giang sang Trung Quốc làm thuê đi theo đường mòn biên giới, không đăng ký xuất nhập cảnh theo quy định (theo số liệu báo cáo của BĐBP Hà Giang). Nhiều người trong số họ đã bị bóc lột sức lao động thậm tệ, bị chủ quỵt tiền. Nguy hiểm hơn, có những trường hợp các đối tượng chuyên "cò mồi" đã lừa gạt cả trẻ vị thành niên trên địa bàn vượt biên giới sang Trung Quốc kiếm tiền mà vụ việc xảy ra tại xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê vào đầu tháng 3-2016 là một ví dụ điển hình. Trong vụ việc này, 9 em nhỏ có độ tuổi từ 13-15, đều là người dân tộc Mông đã bị đối tượng đến tận nhà dụ dỗ, lừa bịp đưa sang Trung Quốc với lời hứa sẽ trả tiền công 100 nhân dân tệ cho một ngày làm việc.

Cách khá xa biên giới phía Bắc, nhưng Thanh Hóa cũng là địa bàn khá nóng về lao động "chui" tại Trung Quốc với khoảng 8.300 người được ghi nhận. Báo cáo của địa phương cho hay, ban đầu chỉ một số nhóm NLĐ nghèo tự phát rủ nhau vượt biên đi làm "chui", về sau, trên địa bàn xuất hiện nhiều "cò" dụ dỗ, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin tổ chức thành đường dây đưa người vượt biên trái phép kiếm "hoa hồng". Do nhận thức kém, trong khi các đối tượng hứa hẹn bố trí việc làm nhàn hạ, có mức lương ổn định... nên nhiều người đã bị "sập bẫy".

Theo báo cáo của cơ quan chức năng địa phương, tính đến nay, đã có hàng trăm lao động người Thanh Hóa bị Trung Quốc bắt, trao trả hoặc đẩy trở lại qua biên giới, 9 người bị cơ quan chức năng Trung Quốc xử lý trước pháp luật, 16 người bị tai nạn và bị chết, nhiều phụ nữ bị mất tích. Hiện nay, tại các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Thạch Thành… vẫn còn hàng ngàn người đang làm thuê bên Trung Quốc. "Nóng" không kém Thanh Hóa là Phú Thọ, với gần 1.000 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Trong đó, tập trung chủ yếu là công dân các huyện Sông Lô, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương. Theo những người đã hồi hương, cuộc sống của người lao động "chui" nơi xứ người rất vất vả, cực nhọc. Do không thông thạo tiếng bản địa nên thường bị chủ sử dụng lao động o ép về thời gian làm việc, tiền công, nhiều trường hợp bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động rất dã man.

Trước diễn biến phức tạp của thực trạng người Việt Nam sang Trung Quốc lao động "chui", thời gian qua, các bộ, ban, ngành cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm dụ dỗ, lừa dẫn người vượt biên trái phép qua biên giới để làm thuê. Các giải pháp như tăng cường quản lý khu vực biên giới, quản lý lao động xuất khẩu, tích cực "xóa đói, giảm nghèo" gắn với phát triển kinh tế-xã hội địa phương, chú trọng công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cũng đã được các ngành chức năng triển khai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau như lao động ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thiếu hụt thông tin về phòng, chống tội phạm mua bán người, về những rủi ro khi xuất cảnh trái phép ra nước ngoài làm thuê, cùng với công tác quản lý nhân, hộ khẩu còn sơ hở… nên dòng người lao động "chui" sang Trung Quốc tìm kế mưu sinh vẫn chưa giảm.

Thực tế cho thấy, để giải quyết tận gốc tình trạng NLĐ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, điều quan trọng nhất là phải tạo được sinh kế bền vững cho NLĐ ở các địa phương, khi đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn thì nạn vượt biên giới trái phép sang Trung Quốc làm thuê vẫn còn. Thêm vào đó, cần phải tăng cường công tác truyền thông để những người nghèo ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được nhu cầu tìm việc làm là hết sức chính đáng, song vượt biên trái phép qua biên giới lao động "chui" là vi phạm pháp luật.

Một giải pháp được xem là bền vững và hữu hiệu nhất trong tình hình hiện nay là các bộ, ngành hữu quan cần phối hợp nghiên cứu, triển khai các công việc cần thiết để thỏa thuận cung ứng lao động giữa Việt Nam-Trung Quốc được cơ quan có thẩm quyền của hai bên đồng ý phê duyệt với đầy đủ các điều khoản quy định về biện pháp quản lý, hỗ trợ, bảo hộ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Và sau khi các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động chính thức tổ chức dịch vụ đưa lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc, thì người dân có nhu cầu có thể làm thủ tục như đi các nước khác theo các thời hạn khác nhau. Được như vậy, tình trạng người Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động "chui" sẽ được giảm thiểu và tiến tới chấm dứt hoàn toàn.

Nguyễn Hạnh Nhân

Bình luận

ZALO