Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:22 GMT+7

Làm đúng quy tắc sử dụng mạng xã hội là thực hiện đạo đức người làm báo

Biên phòng - Đó là khẳng định của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ngay khi công bố chính thức “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”, ngày 25-12-2018. Bản quy tắc này được xem là “phương thuốc” cần thiết và ban hành đúng thời điểm, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của mạng xã hội lên đời sống báo chí, đồng thời khích lệ thái độ tích cực của người làm báo trong trách nhiệm phát ngôn, bày tỏ thái độ khi tham gia mạng xã hội.

53a2_12
Phó Chủ tịchThường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trả lời các phóng viên báo chí xung quanh “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”. Ảnh: TTH

Sau rất nhiều tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia, biên soạn công phu và cẩn trọng, dựa trên quy định của Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội cho người làm báo gồm 3 chương, 7 điều chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam quy định cụ thể 4 điều liên quan việc người làm báo Việt Nam cần làm và 8 điều người làm báo không được làm khi tham gia mạng xã hội. Quy tắc cũng quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi triển khai thực hiện, đồng thời quy định trách nhiệm của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp trong việc xem xét khen thưởng đối với những trường hợp thực hiện nghiêm các nội dung của quy tắc, kỷ luật đối với người làm báo vi phạm các quy định của quy tắc này.

Nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định, người làm báo Việt Nam trong thời đại 4.0 cần phải tham gia mạng xã hội. Không những thế, tham gia tích cực một cách chính danh trong vai trò người làm báo. Điều này lý giải thêm về 4 điều người làm báo cần làm khi tham gia mạng xã hội, trong đó khuyến khích cách hành xử có văn hóa, có kiến thức, bằng sự tỉnh táo và có trách nhiệm của uy tín cây bút. Trên diễn đàn tự do, tự phát trong phát ngôn của hàng triệu người cùng lúc trong “hệ sinh thái” mạng xã hội, tiếng nói của nhà báo đặc biệt quan trọng. Khi hàng loạt thông tin được phát tán, dư luận có xu hướng nương theo quan điểm của những tiếng nói có uy tín, trong đó có đội ngũ những người làm báo. Vì thế, để định tâm lại dư luận, giảm thiểu tác hại của thông tin sai sự thật, rất cần các nhà báo lên tiếng trên các diễn đàn mạng xã hội. Người làm báo sẽ dùng chính tiếng nói, uy tín cá nhân của mình để kịp thời giảm tác hại của thông tin sai. Ngược lại, chính dư luận của mạng xã hội cũng là một kênh khai thác thông tin hiệu quả, người làm báo cần khai thác thông tin trên mạng xã hội có chọn lọc, khai thác một cách hiệu quả cho công việc sáng tạo làm báo của mình.

Một điều dễ nhận thấy là bộ quy tắc quy định 4 điều cần làm, nhưng có tới 8 điều không được làm. Việc này khẳng định mạng xã hội đang có những chi phối và ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống xã hội và báo chí chính thống. Xét về khía cạnh thông tin, đây là một kênh cung cấp thông tin dễ nhiễu loạn, không được kiểm soát, rất nhanh và tốc độ lan tỏa không thể nắm bắt được. Trên thực tế, đã có những tác hại khó lường khi thông tin lan đi trên mạng xã hội bị lợi dụng cho mục đích tư lợi, chính trị, làm mất an ninh, giảm lòng tin của đời sống xã hội đối với báo chí và dung dưỡng những sai trái, vi phạm pháp luật.

Sử dụng tiếng nói của chính người làm báo để khống chế tốc độ tiêu cực của mạng xã hội có phải là một phương án tối ưu hay không? Trả lời câu hỏi này, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định, quy tắc sử dụng mạng xã hội phù hợp với quy định về đạo đức của người làm báo. Thực hiện đúng quy tắc tham gia mạng xã hội là thực hiện đạo đức người làm báo. Chỉ có những người làm báo có trách nhiệm, có tư duy tích cực mới tham gia vào kiến tạo xã hội theo chiều hướng tốt đẹp.

Mặt khác, đội ngũ người làm báo hiện nay cũng đang phải đối mặt với một xu hướng đông đảo độc giả suy giảm niềm tin đối với báo chí. Có cả hiện tượng các nhà báo có quan điểm viết lên tác phẩm báo chí khác với quan điểm bày tỏ trên mạng xã hội. Các quy tắc của cơ quan báo chí buộc các phóng viên phải đi đúng với tôn chỉ mục đích của tờ báo. Nhưng trên mạng xã hội là diễn đàn không kiểm soát thì lại phát ngôn định hướng dư luận mang tính tùy tiện, ngẫu hứng, không chuẩn xác. Chưa kể, có một bộ phận không nhỏ người làm báo hiện nay, với vỏ bọc là phóng viên các cơ quan báo chí, nhưng lợi dụng danh nghĩa cơ quan để tham gia mạng xã hội với mục đích tư lợi, làm sai lệch thông tin, làm biến dạng niềm tin của dư luận, tạo nên tình hình phức tạp và hệ quả khó lường.

Bản quy tắc này không phải là văn bản luật, tuy nhiên, Hội Nhà báo Việt Nam cũng quy định tại đó những chế tài thưởng phạt và giám sát do cơ quan báo chí tự áp dụng đối với các cán bộ, nhân viên cơ quan mình. Trên thực tế, Báo Biên phòng có phóng viên Lê Văn Chương được khen thưởng khi tham gia mạng xã hội một cách tích cực, kịp thời định hướng dư luận, cải chính thông tin xuyên tạc liên quan đến hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Phóng viên Lê Văn Chương chân thành bày tỏ: “Tôi là người làm báo, nhưng trước hết là một công dân, bằng trách nhiệm của công dân, tôi lên tiếng bảo vệ sự thật, nói lên sự thật và mong muốn cái nhìn tốt đẹp sẽ đẩy lùi những luận điệu sai trái,  xuyên tạc, làm xấu đi tình hình xã hội, gây dư luận không tốt”.

“Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” được coi là một hướng dẫn tích cực, thúc đẩy những việc làm tốt, đẩy lùi những hành vi, thói quen xấu trong đội ngũ những người làm báo Việt Nam.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO