Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 01:39 GMT+7

Lạm dụng kháng sinh

Biên phòng - Kháng sinh là nhóm thuốc bắt buộc phải được mua theo toa của bác sĩ. Tuy nhiên, thống kê tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ sử dụng kháng sinh không đúng đơn lên tới 91% ở khu vực nông thôn và 88% ở khu vực thành thị. Các chuyên gia cảnh báo, tỉ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam chiếm khoảng 40% dân số, đứng thứ 4 về tỉ lệ kháng thuốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng) kháng lại các thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây, dẫn đến việc áp dụng các phương pháp, thuốc điều trị đặc hiệu sẽ không hiệu quả, làm nhiễm khuẩn kéo dài, thậm chí gây tử vong và có thể lây nhiễm.

Ở nước ta, tình trạng kháng thuốc diễn ra vô cùng phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu do người dân có thói quen tự ý mua thuốc để điều trị, sử dụng các đơn thuốc từ những người quen hay từ những lần khám chữa bệnh trước đó. Thói quen tai hại này cùng với tâm lý ngại khám bệnh viện không chỉ gây nhờn thuốc, kháng thuốc mà còn có nguy cơ biến chứng, gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho người dùng, đồng thời gây ra sự lãng phí và tốn kém vô ích vì những loại kháng sinh mạnh thường rất đắt tiền.

Đáng lo ngại là nhiều người lầm tưởng rằng kháng sinh chữa được bách bệnh, nên hễ bị bệnh là dùng kháng sinh, trong khi đó, việc mua bán kháng sinh còn dễ dàng, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Khuynh hướng tự mua thuốc, tự chữa bệnh đang biến kháng sinh như “con dao hai lưỡi” khi bị nhiều người tuỳ tiện sử dụng, không những không khỏi bệnh mà còn gây ra bao hệ lụy cho người bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các thầy thuốc và nhà thuốc. Thực tế, không ít dược sĩ chưa hiểu rõ các quy định về bán kháng sinh hoặc vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua những nguy cơ sức khỏe của người dân. Nhiều bác sĩ, dược sĩ dễ dàng chỉ định sử dụng kháng sinh theo yêu cầu của bệnh nhân, khiến tình trạng lạm dụng kháng sinh thêm trầm trọng.

Qua khảo sát, có trên 50% cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc chưa tuân thủ các quy định như: Bán kháng sinh phải có đơn, lưu đơn sau khi bán và bán thuốc kháng sinh quá liều, dưới liều, lạm dụng, không theo đơn...

Sai phạm trên ngày càng phổ biến vì chế tài xử phạt còn thiếu tính răn đe; việc kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc kháng sinh còn hạn chế; phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm chưa hiệu quả; hệ thống giám sát toàn diện về kháng thuốc quốc gia chưa được thiết lập; các quy định chuyên môn chưa cập nhật thường xuyên...

Từ năm 2001, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có “Kế hoạch toàn cầu để kiểm soát sự đề kháng kháng sinh” và cấm lạm dụng kháng sinh. Ở nước ta, Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh và cấm lạm dụng kháng sinh. Nhưng đến nay, vi khuẩn đa kháng thuốc liên tục xuất hiện tại nước ta, trong khi việc nghiên cứu các loại thuốc mới phải mất ít nhất khoảng 12 năm. Các chuyên gia y tế cảnh báo, đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc có thể là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 10 triệu người trên toàn cầu mỗi năm, đồng nghĩa thiệt hại to lớn về kinh tế.

Để hạn chế nguy cơ kháng thuốc, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng thì ý thức của người dân trong việc mua và sử dụng thuốc cần được nâng cao. Do đó, thay đổi nhận thức và cách sử dụng thuốc kháng sinh của các cá nhân và xã hội là một trong các nhiệm vụ y tế cấp bách hiện nay.

Ngoài biện pháp vận động nhân dân sử dụng thuốc kháng sinh một cách thận trọng, ngành y tế cần tập trung vào công tác vệ sinh dịch tễ và bắt buộc tiêm vaccine phòng ngừa những căn bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt là siết chặt quản lý việc kê đơn, bán thuốc kháng sinh tại các cơ sở y tế.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO