Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

Lạc vào miền cổ tích

Biên phòng - Mặc dù đã được đọc một số bài thơ thể lục bát do nhà thơ Đỗ Trọng Kim chuyển thể từ những câu chuyện cổ tích Việt Nam đăng trên Facebook nhưng khi được nhà thơ Đỗ Trọng Kim tặng tập “Truyện thơ cổ tích và lịch sử Việt Nam” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), tôi không khỏi bất ngờ về sự độc đáo và hấp dẫn của tập thơ đặc biệt này.

Tập “Truyện thơ cổ tích và lịch sử Việt Nam” của tác giả Đỗ Trọng Kim. Ảnh: Đỗ Trọng Dịp

60 bài thơ là 60 câu chuyện cổ tích và truyện lịch sử của nước nhà được nhà thơ tâm huyết, lựa chọn để mang đến cho bạn đọc một hình thức thể hiện mới thay cho cách kể chuyện thông thường, đó là chuyển thành thơ lục bát.

Ngay trong tập thơ này, chúng ta gặp lại những câu chuyện cổ tích đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ người Việt như: Sự tích trầu cau, Hòn Vọng phu, Thánh Gióng, Quả dưa hấu, Táo quân, Rét nàng Bân, Thạch Sanh, Trương Chi - Mỵ Nương, Đầm Dạ Trạch, Cây khế...

Những câu chuyện được kể bằng những vần thơ có vần, có điệu vẫn bảo đảm cốt chuyện nguyên bản mà dễ đi vào lòng người, dễ nhớ, dễ thuộc:

“Nỗi đau thấu tới trời xanh/ Cho nàng hóa đá, tình thành hư vô”(Sự tích Hòn Vọng phu)

Cách dùng từ trong thơ ông khá gần gũi, dễ hiểu mà không quá lạm dụng từ Hán Việt. Đây là điều không dễ bởi tích truyện xưa sử dụng khá nhiều từ Hán, đôi khi ngay cả với người lớn phải giải thích từ ngữ mới hiểu hết nghĩa. Như trong “Sự tích Đầm Dạ Trạch” miêu tả cuộc sống gia đình xóa bỏ phân biệt địa vị mà làm nên hạnh phúc của vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung:

“Sông Hồng nước chảy đầy vơi/ Tiên Dung về lại ở nơi quê chồng/ Nhà tre dựng tạm bến sông/ Chồng ngày kiếm cá, vợ trồng lúa khoai”...

Cũng từ cốt truyện cổ tích, nhà thơ đã khéo léo dùng từ ngữ phù hợp miêu tả những phân đoạn đầy hình ảnh mà ta như đang nghe ai đó kể chuyện. Hãy xem ông tả đoạn Mỵ Nương gặp chàng Trương Chi qua thơ:

“Mỵ Nương khát nỗi chờ trông/ Nghe chàng sắc thuốc hát trong cung vàng/ Niềm vui phấn khởi mênh mang/ Nàng nhanh khỏi bệnh truyền chàng vào thăm/ Ngờ đâu oan trái tình thâm/ Vừa nhìn thấy mặt tối tăm, mày ngài/ Mỵ Nương lạnh nhạt phôi phai/ Trương Chi người xấu như loài quỷ ma (Trương Chi - Mỵ Nương)

Một vài ví dụ để thấy vốn từ của ông rất phong phú, cả một số lượng bài như thế, nhiều câu lục bát như thế mà thơ lục bát của ông vẫn đúng luật, đúng nghĩa, không trùng lặp. Tôi tin chắc, nhiều người cũng giống mình đó là nhờ cuốn thơ này mới hiểu rõ một số tích mà mình ít biết, như: Sự tích con muỗi, Sự tích cái chổi, Sự tích con lợn, Sự tích cây huyết dụ... Thế mới biết sự đầu tư tìm tòi công phu, sự đam mê cháy bỏng, lòng nhiệt huyết của tác giả trong việc sưu tầm, đọc hiểu và nhất là chuyển thể sang thơ của ông thật dày công, kết tinh bao trí tuệ, vốn từ và cả những vốn kiến thức xã hội mà không phải ai cũng tích lũy được.

Cùng đọc “Sự tích cái chổi” để hiểu nguồn gốc của một vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình và để hiểu tại sao mọi người có tục lệ kiêng không quét rác trong ba ngày Tết Nguyên đán. Sau khi Ngọc Hoàng trừng phạt vợ chồng bà đầu bếp thiên đình vì đã phạm tội:

“Cả hai không được ở trời/ Xuống ngay hạ giới là nơi rèn mình/ Biến thành chổi quét gia đình/ Cả năm làm việc hết mình tu tâm/ Biết sai, biết nhận lỗi lầm/ Ngọc Hoàng cho phép một năm ba ngày/ Đó là dịp Tết xưa nay/ Quét nhà hót rác, ba ngày đều kiêng”.

Lại nói về cách vào đề của ông khi bắt đầu mỗi câu chuyện. Truyện cổ tích thì luôn có câu “Ngày xửa, ngày xưa, ở một làng nọ, có...”. Trong tập thơ này, ông đã linh hoạt để không theo một lối mòn. Có thể là cách kể về tích từ xa xưa:

“Xứ Thanh xưa có một người/ Họ Lê tên Thận làm nghề lưới sông” (Sự tích Hồ Gươm). Hay trong “Sự tích con lợn”: Chuyện rằng ở một làng kia/ Vợ chồng nhà nọ ở rìa bến sông”. Cũng có khi là đi ngay vào câu chuyện rồi mới dẫn giải, như: “Dưa hấu ruột đỏ, vỏ xanh/ Ngàn năm giờ lại viết thành câu ca”(Sự tích Quả dưa hấu).

Đọc thơ ông, phần cuối bao giờ cũng là những cái kết mang đầy ý nghĩa giáo dục, răn dạy con người, lấy tích xưa để mỗi người soi lại hành vi của mình trong cuộc sống hôm nay. “Thói đời ngầm hại người ta/ Ghen ăn tức ở sau ra hại mình” (Vụ án ruộng dưa). “Chẳng cần bợ đỡ, ma ranh/ Ở hiền, sống thật, đức dành cháu con” (Miếng trầu kỳ diệu).

Bên cạnh những truyện cổ tích như đã nêu, truyện lịch sử nước nhà cũng được ông khéo léo chắt lọc, chuyển thể cũng hết sức phong phú và hấp dẫn như chuyện về An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa, Đoàn Nhữ Hài, Lê Lợi, Quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng, Trạng Lợn... Trong mỗi bài thơ, tác giả đã bám sát cốt truyện nhưng cũng rất lãng mạn và dễ hiểu: “Ẩn trong hoa lá ngỡ ngàng/ Kìa ai xinh đẹp như nàng tiên sa/ Cùng hai thị nữ hái hoa/ Dáng hình khuê các, chắc là con quan” (Duyên trời - chuyện Trạng Lợn).

Khép lại tập thơ, ta có cảm giác phố phường nhộn nhịp ngoài kia như tĩnh lặng, tâm hồn như đang lạc vào miền cổ tích với những câu chuyện xa xưa đôi khi chỉ là trí tưởng tượng của người xưa. Không chỉ là cách thể hiện độc đáo, tập thơ giúp cho người đọc tiếp cận lịch sử một cách dễ dàng và cảm nhận nhiều hứng thú.

Tập truyện thơ là tâm huyết và trí tuệ mà nhà thơ Đỗ Trọng Kim đã dành nhiều công sức, thời gian ấp ủ, triển khai, hoàn thiện như món quà ý nghĩa cho bạn đọc, nhất là các phụ huynh, các thầy cô giáo và nhất là phù hợp với các bạn nhỏ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở... và cả những ai yêu thích truyện cổ tích, truyện lịch sử nói chung.

Đỗ Trọng Dịp

Bình luận

ZALO