Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:22 GMT+7

Lạc vào Cát Cát, say cảnh, say tình

Biên phòng - Nghe bạn bè nói, đến với bản Cát Cát (Sa Pa) một ngày không bõ. Quả đúng vậy, chúng tôi có dịp “lạc” vào Cát Cát đúng ngày đầu tiên của năm mới. Cái ngày thời tiết ở Sa Pa không hề ưu đãi cho lắm, vì trời mưa ngày một nặng hạt cộng với sương mù đặc quánh, khiến toàn cảnh núi rừng chìm trong âm u, ẩm ướt. Rồi hằng trăm công trình lớn, nhỏ đang ra sức thi công ầm ầm khiến Sa Pa không còn nét hoang sơ như xưa, phần nào làm nản lòng người lặn lội tới đây. Nhưng bù lại, cách đó không xa, lại có một bản Cát Cát làm mê mẩn lòng người.

akbm_43a
Bản Cát Cát được thiên nhiên ưu đãi với những con suối và thác nước làm mê mẩn lòng người. Ảnh: Lê Tuấn

Bản có tên gọi Cát Cát, thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai). Đây là nơi sinh sống của người dân tộc Mông, được hình thành từ thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã lựa chọn nơi này làm địa điểm nghỉ dưỡng cho các quan chức cấp cao. Tại Cát Cát có một thác nước đẹp mà viết theo tiếng Pháp là CatScat, có lẽ vì thế, bản có tên gọi Cát Cát.

Cát Cát nằm ghé mình dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, phía trong thung lũng với ba bề là núi. Có tới chưa đầy 100 hộ dân trải dọc theo con đường bậc thang lát đá giữa bản, một số khác nằm rải rác trên các sườn núi. Con đường bằng các phiến đá cổ hai bên bao phủ một màu hồng tím của hoa hồng ri. Hoa hồng ri còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Hoa đuôi công, màn màn cảnh, hoa chiêu quân hay hoa túy điệp... Hồng ri không sở hữu vẻ đẹp kiêu kỳ, chói lọi mà nó quyến rũ bởi sự mỏng manh, thanh tao. Loài hoa này được ví như một nàng tiên xinh xắn đang e ấp giữa đất trời Tây Bắc. Hồng ri thường mọc thành chùm, có màu hồng phấn điểm thêm màu tím, trắng và chỉ nở rộ ở bản này.

“Cát Cát là bản tập trung 100% người Mông sinh sống. Bản có lịch sử rất lâu đời và đáng mừng là bà con từ già tới trẻ đều tập trung cho công việc, chăm chút cho bản làng, không có thanh niên hư hỏng hay nghiện hút. Bản có hơn 80 hộ tập trung chủ yếu bởi nghề truyền thống, cũng có hộ kinh doanh các món ăn đặc sản, đồ lưu niệm cho khách du lịch. Dân bản chúng tôi thân thiện lắm, vì quanh năm tiếp xúc với du khách thập phương. Mình phải có tình, người ta mới quý, mới đến với mình chứ. Tôi là Trưởng bản, tôi rất tự hào về bà con bản mình. Giờ họ sống khỏe lắm, phấn khởi lắm, không còn đói rét đâu. Tết này, bà con tổ chức to lắm. Tết cổ truyền mà, cả năm làm lụng, đến Tết nghỉ ngơi, sắm lễ, giết lợn cúng tổ tiên” – Trưởng bản Cát Cát, Mùa A Chơ chia sẻ.

Có thể nói, thiên nhiên đã dành tất cả sự ưu ái vốn có cho bản Cát Cát. Nơi đây hội tụ 3 dòng suối ngày đêm chảy miết, gồm: Suối Vàng, suối Bạc và suối Tiên Sa cùng ngọn thác Cát Cát chảy mạnh quanh năm xõa bọt trắng xóa. Bao quanh con thác là những mái nhà với kiến trúc rất đặc trưng. Đồng bào Mông ở Cát Cát còn giữ nguyên kiến trúc nhà truyền thống. Nhà gồm 3 gian, được lợp bằng ván gỗ pơmu, loại gỗ quý, có độ bền cao, rất phù hợp với dựng nhà ở sát sườn núi. Bên trong nhà được bố trí đơn giản với 3 cột ngang kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Nhà được chia làm các không gian: Thờ cúng, tiếp khách, phòng ngủ và nơi tích trữ lương thực. Nhà có 3 cửa ra vào gồm cửa chính và 2 cửa phụ, trong đó, cửa chính luôn được đóng kín và chỉ mở vào những dịp quan trọng.

Đến với Cát Cát, tôi có một cảm giác luôn tồn tại hai mặt song song, đối xứng đến lạ kỳ. Vẫn có tiếng ồn ã của những thác nước chảy xiết, những bước chân, tiếng nói cười của du khách thập phương nhưng lại như cung đàn ru bản làng vào sự yên ả. Có sự rộn  ràng của nhịp sống tươi vui từ các gia đình làm nghề truyền thống, kinh doanh du lịch, nhưng lại không mất đi sự êm đềm của một bản người Mông truyền thống, cũng không hề có sự xô bồ, ồn ã của cuộc sống náo nhiệt. 

Gia đình đầu tiên tôi ghé vào thăm là căn nhà khá lớn nằm ngay giữa bản, một em bé đang cặm cụi xay ngô. Em tên Mua A Phì, năm nay 9 tuổi. Sau mỗi giờ trên lớp, Phì đều làm nhiều việc nhà giúp bố mẹ. Phía trong nhà, từ bà nội đến bố, mẹ Phì đang miệt mài  dệt vải. Như một dây chuyền sản xuất, bà nội em bên khung cửi nhanh tay dệt, bố em đang phụ trách nồi củ nâu (để nhuộm vải). Mẹ em thì thoăn thoắt tay thêu. Khi thấy tôi, cả nhà ngừng tay, nhìn lên, nở nụ cười thân thiện như đã quen từ lâu.

Tôi tò mò muốn biết bất cứ thứ gì về nghề truyền thống, họ đều nhiệt tình kể rất tỉ mỉ. Chưa hết, bà nội em còn đon đả đứng lên, cầm một tấm vải vừa “ra lò”, giới thiệu: Đây là vải lanh, vải này được dệt từ sợi lanh, sợi bông. Dệt xong thì cho vào nồi nhuộm. Vải chỉ có một màu nâu do chất liệu nhuộm là củ nâu được nấu sôi, sau đó nhúng vải nhiều lần để vải không bị phai màu. Bà cũng cho hay, vải làm truyền thống được khách hàng rất ưa chuộng, nhất là khách thành phố. Đặc điểm loại vải lanh, vải đay ở đây đều được làm bằng tay và giữ màu rất tốt, lại rất mềm mại.

rpl5_43b
Nghề thêu tay truyền thống của người dân bản Cát Cát. Ảnh: Lê Tuấn

Rời khỏi gia đình em Phì, chúng tôi bước thêm khoảng chục bậc thang lên nhà chị Vàng Mí Di, người làm nhang quế truyền thống nổi tiếng của bản. Nhìn hai mẹt nhang quế, chị cho hay, đã làm từ 5 giờ sáng. Nhà có 3 chị em gái làm nghề này từ nhỏ và do tổ tiên từ 3 đời truyền lại. Được biết, nhang quế là một nghề truyền thống, có tuổi đời rất lâu năm tại bản Cát Cát và hiện toàn bản còn gần chục nhà vẫn duy trì nghề này. Sau khi nặn tay thủ công, cây nhang có hình búp như chiếc nến và được hong khô, sau đó đóng vào hộp bán cho khách hàng, chủ yếu là khách du lịch thập phương.

Có điều đặc biệt, khi chúng tôi lang thang qua từng gia đình làng nghề truyền thống, có một người đàn ông da ngăm đen, cười nói rất thân thiện, ánh mắt ông thay lời chào hỏi du khách tới bản. Hỏi ra mới biết, ông là Mùa A Chơ, Trưởng bản Cát Cát. Ông tuổi ngũ tuần, rất được bà con trong bản kính trọng. Được biết, gia đình ông cũng làm nghề truyền thống và rất khá giả. Ông là người có đóng góp lớn sức người, sức của cho việc xây dựng, tôn tạo con đường đá cổ đi quanh bản đẹp như bây giờ. Hơn nữa, ngoài việc nhà, hằng ngày, ông đều dành thời gian lặn lội đi xuống từng gia đình như để trông coi, động viên bà con hăng say làm việc.

Chiều xuống, Cát Cát tối rất nhanh. Chia tay bà con trong bản, tôi cũng như bao người từng tới nơi đây không thể không lưu luyến cảnh đẹp hoang sơ, nếp sống, phong tục truyền thống và đặc biệt là tình người nơi đây. Họ sống trong tiếng cười, trong sự thân thiện và tương trợ, che chở giúp đỡ lẫn nhau.

Lê Tuấn

Bình luận

ZALO