Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:53 GMT+7

Lá thư yêu thương gửi người lính Biên phòng

Biên phòng - Đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2023), tôi đọc được lá thư của một cháu nhỏ gửi tới những người lính Biên phòng. Lời văn mộc mạc, giản dị, chân thật nhưng dạt dào tình yêu thương của em nhỏ mang lại cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau, giúp tôi cảm nhận rõ hơn về những cống hiến của người lính Biên phòng cũng như những hi sinh thầm lặng, nỗi niềm thương nhớ của hậu phương người lính.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang trao Bằng “Tổ quốc ghi công” của liệt sĩ Nguyễn Bá Triệu cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Ảnh: Tiến Thắng

Trước mặt tôi là lá thư có nét chữ rất đẹp, dài hơn 3 trang vở học sinh của cháu Nguyễn Triều Dương, học sinh lớp 6A, trường Trung học cơ sở Vĩnh Phúc, xã Bình Phú, huyện Phú Ninh, tỉnh Phú Thọ. Cô bé đã giấu mẹ mình, viết bức thư này và nhờ bà ngoại gửi tới các chú BĐBP. Mở đầu thư, cô học trò nhỏ gửi lời chúc tốt đẹp tới những người lính Biên phòng. “Trước tiên, cho phép cháu được gửi lời chúc sức khỏe tới các chú. Cháu chúc các chú luôn có một sức khỏe thật tốt để vững chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc, giữ yên bình cho đất nước và cháu có một cuộc sống đầy đủ” - Dương viết.

Cô bé trải lòng: “Cháu là con của một người lính Biên phòng. Cháu đã được nghe bố mẹ cháu kể về các chú nên cháu biết được nỗi vất vả của bố cháu và các chú luôn phải xa gia đình, xa các con nhỏ như cháu. Các chú phải làm việc ở nơi xa xôi, hẻo lánh và có độc hại, thiếu thốn nhiều thứ, cũng chính vì vậy mà bố cháu đã bị bệnh. Ở nơi xa ấy, không có đủ điều kiện khám chữa bệnh, khi bố cháu được đưa về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì đã muộn, không còn cơ hội sống với ba mẹ con cháu....”.

Nỗi đau ập đến quá đỗi bất ngờ, khiến ba mẹ con Dương rất đau buồn. Cô bé nhớ lại: “Bố cháu mất đi khi ngôi nhà của gia đình cháu làm chưa xong, bà nội thì bị bệnh liệt giường và hai chị em cháu còn bé, mẹ cháu đã khóc rất nhiều. Khi đó, gia đình cháu được các chú BĐBP Hà Giang động viên rất nhiều để mẹ cháu vượt qua nỗi đau, nuôi bà, chị em cháu và làm cho xong ngôi nhà, hoàn thành tâm nguyện của bố cháu”.

Là con của một người lính Biên phòng nên Dương rất hiểu nỗi vất vả của BĐBP. Cô bé cũng đồng cảm với sự thiệt thòi của con cái những người lính khi không được ở gần bố. “Thưa các chú bộ đội kính yêu! Các chú phải đi công tác xa nhà, cháu biết con của các chú cũng rất nhớ các chú. Vì công việc và trách nhiệm gánh trên vai với đất nước của các chú thì cháu nghĩ, các anh và các bạn ấy cũng sẽ hiểu và thương các chú nhiều lắm. Cháu không biết nói gì, cháu luôn mong các chú thật khỏe mạnh để bảo vệ cho chúng cháu có một cuộc sống tốt đẹp và bình yên. Thưa các chú, cháu thấy mẹ cháu nói ngày 3/3 hằng năm là Ngày Truyền thống của BĐBP. Cháu xin chúc các chú một ngày thật ý nghĩa” - Dương chia sẻ.

Theo câu chuyện của Dương, tìm hiểu, tôi được biết, bố cháu là Thượng úy Nguyễn Bá Triệu, sinh ngày 14/10/1987, tại xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ, bản thân cậu học trò Nguyễn Bá Triệu luôn có ý thức tự lập, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để học tập vươn lên. Tốt nghiệp phổ thông trung học, đồng chí Nguyễn Bá Triệu xung phong lên đường nhập ngũ tháng 3/2007 tại Trung tâm Huấn luyện BĐBP. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tân binh, được điều về BĐBP Hà Giang, đồng chí Triệu đã công tác tại Đồn Biên phòng Phó Bảng, Đồn Biên phòng Xín Mần và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Đây đều là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang cho biết, với nỗ lực, phấn đấu, công tác, học tập và rèn luyện của bản thân, quá trình công tác, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, đồng chí Nguyễn Bá Triệu cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thực tế, Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Biên giới Hà Giang có địa hình hiểm trở, núi cao, khe sâu, quanh năm giá rét, sương mù dày đặc, giao thông đi lại khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang chủ yếu xa nhà, xa quê và có nhiều hoàn cảnh khác nhau, không ít gia đình còn gặp khó khăn. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ công tác tại các đồn Biên phòng là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính, bệnh cần chữa trị dài ngày…, trong đó có đồng chí Nguyễn Bá Triệu.

Lá thư Nguyễn Triều Dương gửi các chú BĐBP chứa đựng tình cảm yêu thương và niềm tự hào của cô bé về cha và những người đồng đội của cha mình. Ảnh: Biên Cương

Trong thời gian làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, đồng chí Triệu bị mắc bệnh viêm gan mãn tính do HBV bùng phát, hoàng đản ứ mật suy gan nặng, hôn mê gan và một số bệnh lý khác. Mặc dù được gia đình, đơn vị, đồng đội và các bác sĩ Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng do bệnh nặng, đồng chí Nguyễn Bá Triệu đã hy sinh vào ngày 2/10/2020 trong bối cảnh BĐBP đang căng mình quản lý biên giới, chốt chặn đường mòn, lối mở phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép.

Với những nỗ lực cá nhân, trách nhiệm của người lính, trong thời gian công tác tại các đơn vị thuộc BĐBP Hà Giang, đồng chí Nguyễn Bá Triệu đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đơn vị phụ trách. Ngày 4/1/2023, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 02/QĐ-TTg cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Nguyễn Bá Triệu. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với liệt sĩ Nguyễn Bá Triệu; đồng thời, cũng là niềm vinh dự, tự hào của gia đình và dòng họ đồng chí.

Vượt qua nỗi đau mất mát, cô bé Nguyễn Triều Dương giờ đây đã cứng cỏi hơn. Cô bé luôn tự hào về người cha thân yêu của mình, yêu thương, biết ơn những người lính Biên phòng - đồng đội của bố em. Cô bé tâm sự: “Bố cháu như vậy, cháu càng yêu thương và biết ơn các chú nhiều hơn. Cháu và em cháu xin hứa sẽ chăm ngoan, cố gắng học giỏi để sau này cũng được đi bộ đội như bố cháu để bảo vệ Tổ quốc. Cháu xin chúc các chú bộ đội kính yêu luôn mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO