Biên phòng - Văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, người J’rai ở tỉnh Gia Lai nói riêng tuy không cầu kỳ nhưng cũng rất đa dạng và phong phú. Gần như tất cả các món ăn đều mang hương vị của núi rừng, từ mâm cơm đạm bạc trong gia đình nghèo, đến bữa ăn cộng đồng sau khi đã tiến hành xong các nghi lễ cúng tế của buôn, làng không bao giờ thiếu vị cay nồng của ớt (loại ớt hiểm nhỏ ngắn bà con thường dùng khi còn xanh) mùi hắc nồng rất đặc trưng của ngọn lá mì (sắn), cà đắng, hoa đu đủ đực, măng rừng... Những thứ gia vị này có thể tách ra nấu riêng theo từng món cùng với thịt heo, cá, hoặc gộp chung lại thành nồi xào thập cẩm, nhưng phải đáp ứng cả 3 yếu tố: Thật đắng, thật cay và thật... ngai ngái.
Những thứ gia vị đậm chất núi rừng nêu trên được bà con xem như loại rau xanh không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hằng ngày. Điều này giải thích vì sao không nhiều gia đình người J,rai sống trong cộng đồng lại trồng rau xanh quanh bếp quanh vườn. Trên khu vực biên giới, mặc dù được chính quyền địa phương và các ngành đoàn thể tuyên truyền hướng dẫn bà con mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng, song tính đồng bộ vẫn chưa cao.
Lý do hầu hết các chủ nhân nơi đất làng vẫn chưa quen dùng các loại rau xanh, nên không nhiều gia đình chú trọng quy hoạch vườn rau. Mặt khác, việc trồng rau xanh quanh bếp, quanh nhà cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chăn nuôi vì bà con vẫn duy trì thói quen chăn thả rông đàn gia súc gia cầm. Tuy nhiên, ngược lại trên nương rẫy canh tác của bà con cái gì còn thiếu chứ nhất định không thể thiếu cây đu đủ đực, lá mì, cà đắng, ớt cay.
Cách chế biến những món ăn này khá là đơn giản. Lá mì (sắn) non được hái từ sáng sớm rồi đem rửa sạch, để ráo nước. Giai đoạn gọi là kỳ công nhất của món ăn chính là vò hoặc giã lá mì cho thật nhuyễn. Cà đắng rửa sạch, ớt xanh giã nát hoặc để nguyên quả trộn chung với lá mì, hoa (hoặc lá non) của cây đu đủ đực rồi bắc chảo lên bếp lửa than, chờ cho dầu nóng là đổ chung các loại gia vị nêu trên xào đều tay, sau đó, giảm lửa rồi đậy vung kín.
Để tăng thêm vị béo, ngon ngọt cho món ăn, bà con thường nấu chung với thịt lợn ba chỉ hoặc cá hấp. Khi nồi xào đã ngả sang màu thâm đen là tắt lửa để nguội. Món ăn này rất hợp trong các bữa tiệc uống rượu cần của người J,rai, hoặc có thể ăn chung với cơm, ngon nhất là loại cơm lam nấu từ lúa rẫy truyền thống của bà con.
Ông Rơ Châm Tích (dân tộc J,rai), già làng Moóc Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) cho chúng tôi biết: “Lá mì, cà đắng, hoa đu đủ đực, ớt xanh và măng rừng là những loại rau xanh phố biến nhất của đồng bào J,rai. Đó là hồn cốt trong văn hóa ẩm thực mà bất kể nhà giàu hay người nghèo, trong bữa ăn cộng động hay mâm cơm gia đình đều có. Món ăn này, nếu là người chưa quen thì rất khó ăn vì nó vừa cay, vừa đắng lại có vị hăng hắc của lá mì và hoa đu đủ đực.
Tuy nhiên, với mọi thế hệ người J,rai thì đây là hương vị gợi nhớ buôn làng, tình quê hương dân tộc. Nhiều con cháu người dân tộc thiểu số J,rai đi học tập hay làm việc ở các thành phố lớn, hay thậm chí là nước ngoài thường hái lá mì, hoa đu đủ đực phơi khô mang theo để dành ăn từ từ...”.
Không chỉ là “hồn cốt” trong văn hóa ẩm thực của người J,rai, nhận thấy món ăn đơn giản mà rất độc đáo này ngày càng hấp dẫn du khách thập phương, nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng đã đưa món lá mì, cà đắng, hoa đu đủ đực vào thực đơn quen thuộc để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Theo đó, những sản vật được trồng và rất dễ trồng ngay trên nương rẫy của bà con, giờ đây không chỉ phục vụ nhu cầu trên đất làng, mà đã trở thành nguyên liệu mang tính hàng hóa trên thị trường.
Không chỉ đồng bào J,rai mà nhiều nông dân người Kinh và các dân tộc khác ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai như thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện, Ia Pa và Krông Pa đã bắt đầu trồng đại trà cây đu đủ đực, thu hoạch hoa phơi khô bán ra thị trường với giá trên 500 ngàn đồng/kg. Mặc dù mới chỉ là phong trào tự phát, nhỏ lẻ, song ngoài việc gởi mở một loại cây trồng vừa “dễ tính” lại vừa tận dụng trồng được trên đất triền đồi, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, thì đây cũng là cách duy trì, phát triển nét văn hóa ẩm thực truyền thống của người J,rai trong kho tàng văn hóa đồ sộ, giàu bản sắc của núi rừng Tây Nguyên.

Ở một góc độ khác, bài toán bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc J,rai cần “phép tính” logic các vấn đề với nhau, trong đó, văn hóa ẩm thực đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Việc lưu giữ những món ăn truyền thống cũng chính là cách chúng ta duy trì “bữa ăn cộng đồng” ở các buôn làng. Và, chỉ có những “bữa ăn cộng đồng” mới “tạo hồn” cho những hoạt động văn hóa mang hơi hướng từ thủa hồng hoang. Ví như hoạt động văn hóa cồng chiêng, nếu không tạo ra không gian để tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang giữa đại ngàn. Không gian đó là gì? Đó chính là đất làng chứ không chỉ trên... sân khấu.
Giữa đất làng, tiếng cồng tiếng chiêng, điệu múa xoang truyền thống J’rai mới thực sự thăng hoa khi các chủ nhân đã chấp chới men say rượu cần. Mà muốn được như thế, rõ ràng cần những bữa ăn tập trung, nhà góp công, người góp sức, trong đó không thể thiếu lá mì, cà đắng, hoa đu đủ, ớt cay, những hương vị được xem là “hồn cốt” trong văn hóa ẩm thực của người J,rai.
Cẩm Xuyên