Biên phòng - Đường lên xã La Êê (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) cứ cheo leo theo những ngọn núi quanh năm mây trắng bao phủ, thế nhưng, trong suốt quãng đường hơn trăm cây số, ai cũng hào hứng bởi câu chuyện về vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Bởi vậy mà những món quà của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, Đồn Biên phòng Hải Vân, BĐBP Đà Nẵng cùng các nhà hảo tâm mang tới La Êê không chỉ là sự sẻ chia, mà còn là sự tri ân với những con người luôn vững vàng ở dải đất biên cương này.

Trung tá Zơ Râm Thức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Quảng Nam kể rằng, cho đến bây giờ, người La Êê vẫn kể cho con cháu nghe những câu chuyện về năm tháng chiến tranh, xuất hiện quân giải phóng đi qua mảnh đất này, dù lâu hay chóng cũng đã kịp để lại trong lòng đồng bào dân tộc Cơ Tu, Tà Riềng tình cảm vô cùng đẹp đẽ. Chẳng thế mà nhiều người con ưu tú của La Êê đã theo bộ đội ra chiến trường hay có gia đình quanh năm thiếu đói vẫn không tiếc những gùi thóc, ngô, sắn để nuôi quân.
Sau này, khi những người lính Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) đến dựng đồn, cùng đồng bào bảo vệ biên cương, xây dựng cuộc sống mới thì một lần nữa, hình ảnh người lính Cụ Hồ thêm khắc ghi vào tâm khảm. Thế nên, không phải ngẫu nhiên, thanh thiếu niên ở La Êê luôn ao ước lớn lên sẽ làm bộ đội và chỉ mới 9-10 tuổi đã biết mang theo gạo, muối, 5 đêm ngủ rừng, 7 ngày đi bộ vượt núi, băng đèo để về thị Giằng (nay là huyện Nam Giang) trọ học.
Đến nay, đã có không ít người thực hiện được ước mơ của mình, trở thành sĩ quan Biên phòng, như Đại úy Zơ Râm Thân, Đại úy A Lăng Nam, Đại úy A Lăng Bươi, Đại úy A Lăng Danh hay quân nhân chuyên nghiệp như Thiếu tá A Lăng Blong, Thiếu úy Rơ Râm Moan...
Trung tá Zơ Râm Thức được sinh ra ở bản Đăk Ngol giáp đường biên giới Việt - Lào đi qua xã La Êê. Trước đây, anh từng là một giáo viên tiểu học, nhưng trong lòng anh luôn ấp ủ ước mơ trở thành bộ đội, giống các chú Biên phòng vẫn thường ghé qua nhà mỗi khi đi tuần tra biên giới. Còn nhớ, ngày đó, Hội đồng tuyển quân huyện Nam Giang tổ chức khám tuyển, thầy giáo Zơ Râm Thức đã viết lên bảng gần chục bài toán, rồi nói với học sinh: “Thầy đi có việc, các em giải hết các bài toán này vào vở rồi nộp lên bàn, thầy sẽ xem và chấm sau”.
Vậy là, cái duyên đã đưa Zơ Râm Thức đến với môi trường quân đội. Trong suốt thời gian học tập ở Học viện Biên phòng, anh luôn là học viên đứng đầu về điểm học tập và rèn luyện. Khi ra trường công tác, anh chịu khó học hỏi và được cán bộ, chiến sĩ quý mến, tin tưởng. Anh được bổ nhiệm Chính trị viên Đồn Biên phòng A Nông khi mang quân hàm Thượng úy. Những câu chuyện ấy đã khiến quãng đường như ngắn lại còn một nửa, ai cũng háo hức khám phá mảnh đất biên cương hùng vĩ ở nơi cuối trời mây trắng La Êê.
Trong chuyến đi thiện nguyện lần này, Thiếu tá Ninh Công Khánh, y sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân, BĐBP Đà Nẵng là “cầu nối” cho các thành viên trong đoàn và Đồn Biên phòng La Êê. Bấy lây nay, một mình Thiếu tá Ninh Công Khánh đảm nhiệm phòng khám ở Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên và phòng khám anh tự mở để khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con. Công việc gần như không có thời gian nghỉ ngơi, vậy nhưng mỗi khi có dịp đi khám, chữa bệnh cho đồng bào ở biên giới, anh đều chủ động thời gian, thu xếp công việc để tham gia.
Đây không phải là lần đầu tiên đến La Êê, thế nên y sĩ Khánh có rất nhiều câu chuyện về những con người chân chất, thật thà ở vùng cao biên giới này. Những câu chuyện ấy đã khiến các thành viên Câu lạc bộ thiện nguyện Tự Tâm quyết định đến La Êê mang theo quần áo, bánh kẹo, đồ chơi cho Trường Mần non liên xã La Êê-Chơ Chun. Khi cán bộ Đồn Biên phòng Hải Vân đặt vấn đề, cán bộ, công nhân viên Công ty xi măng Vincem Hải Vân, Công ty xăng dầu Petrolimex Đà Nẵng cũng đóng góp thuốc, mì tôm, dầu ăn, muối...
Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, thông qua Đồn Biên phòng La Êê, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu tặng 2 căn nhà cho 2 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở La Êê. Thực ra, với số tiền 60 triệu đồng không thể đủ để dựng một căn nhà ở đây vì công thợ cũng như giá nguyên vật liệu luôn cao gấp 2-3 lần so với miền xuôi. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê đến động viên gia đình đóng góp thêm, anh em trong họ, hàng xóm cùng giúp đỡ. Riêng Đồn Biên phòng La Êê góp sức trong suốt quá trình thi công. Bởi vậy mà căn nhà gỗ 3 gian, lợp tôn, nền xi măng và có cả bếp đã nhanh chóng được hoàn thành trong sự hân hoan của mọi người.
Bà Tơ Ngol Thị Tình sống một mình vì con cái ai cũng có gia đình riêng, căn nhà bà ở lâu nay không tu sửa nên xuống cấp trầm trọng. Lần này, có nhà mới, bà Tình rất vui. Vui hơn là sắp tới, cô con gái sẽ chuyển về sống cùng bà để chăm sóc mẹ những năm tháng tuổi già.
Ngoài 2 căn nhà cho phụ nữ nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu còn mang tặng 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 300 ngàn đồng cùng sữa, bánh kẹo cho học sinh nghèo vượt khó. A Lăng Thị Mai, ở bản Pa Lan, xã La Êê có nước da nâu, đôi mắt to tròn và hàng mi cong vút. Năm nay, em mới học lớp 4, em xung phong lên hát để cảm ơn các cô đã mang niềm vui đến cho gia đình em và mọi người. Hôm nay, bà em và bố mẹ được các bác sĩ khám bệnh, ra về còn được tặng cả mì tôm, mắm, muối. Em được tặng học bổng, em trai của em thì được cả túi đồ chơi rất to.

Buổi tối, chúng tôi xuống cửa hàng tạp hóa trước cổng Đồn Biên phòng La Êê để mua vài thứ. Hỏi ra mới biết, “ông chủ” của cửa hàng nguyên là y sĩ của Đồn Biên phòng La Êê - Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn. Có 30 năm công tác thì quá nửa thời gian anh gắn bó với mảnh đất biên giới này. Đó là những ngày khám, chữa bệnh không chỉ cho bộ đội, cho nhân dân xã La Êê, mà còn cứu chữa cho rất nhiều người dân ở các bản người Lào phía đối diện.
Anh Sơn bảo, điều anh ấn tượng nhất là trong nhiều nhà ở các bản người Lào, bên cạnh ảnh Chủ tịch Kaysone Phomvihane hẳn là ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tình cảm ấy được bắt nguồn từ những người lính Việt Nam đã đi qua trong những năm kháng chiến. Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đã kết nối những người dân Lào với cách mạng Việt Nam. Các anh đã chia sẻ lương thực, thuốc men cho bà con và cả lý tưởng về độc lập, tự do. Cuộc sống của người Lào khi ấy vô cùng thiếu thốn từ cái ăn đến cái mặc, đặc biệt là việc chăm sóc y tế gần như không có. Bởi vậy, trong đoàn công tác của BĐBP Quảng Nam mỗi lần sang Lào luôn có quân y đi theo với lượng thuốc nhiều nhất có thể. Những viên thuốc của BĐBP Việt Nam đến với nhân dân nước bạn khi ốm đau, thiếu thốn càng đong đầy thêm nghĩa tình Việt - Lào anh em.
Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn có nhà ở thành phố Đà Nẵng, thế nhưng anh và vợ quyết định ở lại La Êê, mỗi tháng lại về thăm các con. Anh bảo: “Ở đây với đồng bào quen rồi, về phố khó sống”. Mảnh đất biên giới đã níu giữ người lính Biên phòng như thế...
Trúc Hà