Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:53 GMT+7

Kỳ vọng từ các sáng kiến thực chất của nhóm Bộ tứ

Biên phòng - Một loạt các sáng kiến hợp tác thực chất đã được nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên diễn ra cuối tuần qua tại Nhà Trắng, Mỹ. Với cam kết theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hội nghị đã đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác giữa các nước nhóm Bộ tứ.

Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ diễn ra cuối tuần qua. Ảnh: REUTERS

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nhóm họp lần đầu tiên theo hình thức trực tuyến. Hội nghị thượng đỉnh diễn ra cuối tuần vừa qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể so với cuộc họp hồi tháng 3.

Theo đó, trong tuyên bố chung được đưa ra sau khi kết thúc hội nghị, lãnh đạo nhóm Bộ tứ đã tái khẳng định cam kết vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tạo nền tảng cho an ninh và thịnh vượng chung của khu vực này. Đặc biệt, nhóm Bộ tứ khẳng định tiếp tục thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để ứng phó với các thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, bao gồm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Bên cạnh đó, nhóm Bộ tứ cũng ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN và Chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu (EU) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoài ra, trong tuyên bố chung, nhóm Bộ tứ nhấn mạnh sẽ hợp tác nhân đạo và chống khủng bố ở Afghanistan, tái khẳng định cam kết đối với phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, tiếp tục kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanmar và thực hiện khẩn cấp đồng thuận 5 điểm của ASEAN.

Về những sáng kiến cụ thể, nhóm Bộ tứ cam kết tăng số lượng vaccine tài trợ lên 1,2 tỷ liều vaccine trên toàn cầu vào cuối năm 2022. Ấn độ cam kết nối lại sản xuất vaccine để xuất khẩu vào tháng 10 năm nay, còn Nhật Bản sẽ cho vay 3,3 tỷ USD và Australia viện trợ không hoàn lại 212 triệu USD cho các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương để mua vaccine. Đây được coi là chính sách ngoại giao vaccine của nhóm Bộ tứ khi mối đe dọa của dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu trên thế giới.

Sáng kiến tiếp theo của nhóm liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu. Theo đó, nhóm sẽ phối hợp duy trì giới hạn nhiệt độ theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp; đồng thời, nhóm Bộ tứ sẽ trao đổi dữ liệu vệ tinh để giám sát rủi ro biến đổi khí hậu và quản lý việc sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên biển. Nhóm cũng đưa ra các sáng kiến mới liên quan đến các biện pháp thúc đẩy một hệ sinh thái công nghệ mở, dễ tiếp cận và an toàn; trong đó, nhóm sẽ hợp tác để hướng tới việc thúc đẩy các mạng viễn thông 5G an toàn, cởi mở và minh bạch hơn; lập bản đồ các lỗ hổng trên không gian mạng và tăng cường bảo mật trong các chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Nhóm Bộ tứ cũng sẽ triển khai sáng kiến nhằm thúc đẩy các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn kinh tế tự do trong toàn khu vực. Cụ thể bao gồm việc xây dựng các tiêu chuẩn về phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, tiêu chuẩn công nghệ để thu thập dữ liệu dung lượng lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo và các tiêu chuẩn mạng dùng chung để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Nhóm Bộ tứ được hình thành từ năm 2004 để giải quyết hậu quả của trận sóng thần ở Ấn Độ Dương. Đến tháng 9-2019, nhóm mới bắt đầu có các cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao. Năm 2020, nhóm đã họp và mời 3 quốc gia gồm Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam tham gia đối thoại, thảo luận về cách ứng phó với đại dịch Covid-19 và tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong khu vực.

Theo giới chuyên gia quốc tế, những sáng kiến của nhóm Bộ tứ đưa ra trong hội nghị vừa qua cho thấy tầm nhìn tương lai hợp tác của 4 nước trong trật tự thế giới đang thay đổi từng ngày cũng như quyết tâm giải quyết các thách thức hiện tại trong khu vực. Các sáng kiến mới lấy con người làm trung tâm được cho là hướng đi khác với quỹ đạo quan hệ đối tác an ninh của liên minh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia. Các chuyên gia quốc tế kỳ vọng rằng, thời gian tới, nhóm Bộ tứ sẽ sớm triển khai hiện thực hóa các sáng kiến, đem lại những giá trị tích cực để thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực.

Thu Minh

Bình luận

ZALO