Biên phòng - Năm nay, Du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, mục tiêu trên hoàn toàn khả thi dựa trên nền tảng phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam sau hai năm gần như bị “đóng băng” do ảnh hưởng của đại dịch. Khép lại năm 2022, tổng thu từ khách du lịch tại Việt Nam ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, với 3,66 triệu lượt khách quốc tế, 101,3 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19.
Sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường du lịch nội địa là một điểm sáng, cứu cánh cho toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở phạm vi toàn cầu.
Thực tế, trong thời gian qua, các điểm du lịch của Việt Nam đã đón lượng khách du lịch vượt hơn 50% so với mục tiêu đề ra. Điều này cho thấy “sức bật” đáng kinh ngạc của du lịch nội địa đang trở thành nhân tố chủ lực trong sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam.
Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam có được là nhờ chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch kể từ ngày 15/3/2022. Cùng với đó là sự hưởng ứng tích cực từ các công ty du lịch - lữ hành, các doanh nghiệp địa phương; cùng sự triển khai mạnh mẽ của các chương trình liên kết, hợp tác, kích cầu du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước sau đại dịch.
Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới nhờ thích ứng an toàn, linh hoạt. Trong bối cảnh năng lực phục hồi du lịch quốc tế còn nhiều hạn chế, nhiều chuyên gia cho rằng du lịch nội địa vẫn là tiềm năng lớn để các địa phương và doanh nghiệp tập trung khai thác.
Vì thế, việc định hướng khai thác hiệu quả thị trường du lịch nội địa là hướng đi phù hợp, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế. Đây cũng là cơ sở để thị trường du lịch trong nước tiếp tục phục hồi và hướng đến sự phát triển mạnh hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, dự báo thị trường du lịch nội địa năm nay sẽ có nhiều thử thách hơn khi các nhu cầu kết nối gia đình và nghỉ dưỡng sau dịch bệnh cơ bản đã được đáp ứng. Ngoài ra, bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, kế hoạch chi tiêu của người dân trong nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu 102 triệu khách nội địa, vấn đề đặt ra lúc này đối với ngành du lịch là cần đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, tạo không khí sôi động nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước; chú trọng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, gia tăng trải nghiệm cho khách Việt, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu khách.
Do đó, ngành du lịch cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam…
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông - xúc tiến quảng bá, cập nhật xu hướng thị hiếu thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn điểm đến; phát huy hiệu quả liên kết du lịch giữa các địa phương, liên kết vùng để hướng đến sự phát triển bền vững. Qua đó, vừa giúp phát huy lợi thế của các địa phương, vừa gia tăng cơ hội để mở rộng thị trường khách nội địa.
Hoàng Lâm