Biên phòng - Năm nay, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 11 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỉ USD, cá tra khoảng 2,5 tỉ USD, hải sản 3,2 tỉ USD, cá ngừ 1 tỉ USD... Đồng thời, sẽ chuyển từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu để duy trì đà tăng trưởng bền vững.

Thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu đứng thứ 3 trong các ngành kinh tế của đất nước. Thủy sản là ngành có mức tăng trưởng mạnh nhất (trên 30%) so với cùng kỳ năm 2021. Các sản phẩm xuất khẩu đều tăng trưởng từ 18% đến 77%. Thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu; riêng Mỹ lần đầu tiên đạt trên 2 tỉ USD.
Theo các chuyên gia, để giữ đà tăng trưởng, chiến lược ngành thủy sản năm nay sẽ chuyển dần từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu để duy trì đà tăng trưởng bền vững. Diện tích nuôi trồng giữ ổn định ở mức 1,3 triệu ha. Sản lượng thủy sản nuôi trồng sẽ tăng lên 5,16 triệu tấn; sản lượng khai thác ở mức khoảng 3,58 triệu tấn.
Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp để tăng giá trị sản xuất đối với sản phẩm thủy sản nuôi trồng và khai thác, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu. Qua đó đảm bảo đời sống ngư dân được nâng cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030.
Cục Thủy sản nhận định, những sản phẩm truyền thống như cá tra, cá ngừ, tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng và duy trì xuất khẩu ổn định, đặc biệt là khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ bù đắp lại sự sụt giảm ở một số thị trường khác.
Tuy nhiên, thách thức của ngành thủy sản khi tăng cường chế biến sâu là diện tích nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp nên nhiều nơi không đủ diện tích làm trang trại để ứng dụng khoa học - kỹ thuật và cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng nhằm giảm giá thành, cạnh tranh với sản phẩm các nước khác...
Bên cạnh đó, suy giảm tăng trưởng và lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang hạn chế nhu cầu tiêu dùng, tác động trực tiếp đến ngành thuỷ sản. Trong khi thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với các nước có điều kiện nuôi trồng thủy sản tốt hơn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, tiềm năng chế biến sâu của ngành thủy sản rất lớn. Cả nước hiện có hơn 700 cơ sở chế biến đạt chứng nhận bền vững quốc tế, chứng nhận bắt buộc của EU, Trung Quốc, Mỹ; công suất chế biến thực tế 3 triệu tấn/năm so với mức xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn hiện nay. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại với các cơ sở được trang bị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn của quốc tế.
Từ những biến cố sau đại dịch, ngành thủy sản đã rút ra bài học về chủ động nguồn nguyên liệu. Khi thế giới bắt đầu giai đoạn cao trào của đại dịch, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp tăng cường diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản, giúp ngành thủy sản phục hồi nhanh sau đại dịch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, phát triển thủy sản bền vững là căn cốt nhất. Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, ngành thủy sản cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất trong nước và xúc tiến thị trường, theo chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt cần chú trọng ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, số hóa trong các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, đồng thời công khai, minh bạch, truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm để thủy sản Việt Nam luôn giữ vững được thương hiệu mạnh.
Thanh Thảo