Biên phòng - Sau nhiều năm, những người di cư từ huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào tới sinh sống tại thôn Cù Bai (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã được nhập quốc tịch Việt Nam. Ngày 23-5 tới đây, lần đầu tiên, những cử tri đặc biệt này sẽ cầm lá phiếu, tự mình lựa chọn những người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Người “không quốc tịch”
Thiếu tá Nguyễn Duy Thánh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị cho biết, không chỉ trên địa bàn xã Hướng Lập mà ở nhiều xã biên giới khác của tỉnh Quảng Trị vẫn có những người dân sinh sống ở Việt Nam nhưng không mang quốc tịch Việt Nam. Đó là người Lào kết hôn với người Việt Nam mà không tiến hành thủ tục pháp lý.
Sau hoạch định biên giới năm 1978, nhiều đồng bào Vân Kiều, Pa Cô lựa chọn ở lại bên đất Lào, nhập quốc tịch Lào. Sau này, cuộc sống khó khăn, họ tìm về những người anh em sinh sống ở Hướng Lập để nương tựa rồi sinh con đẻ cái. Nhiều người không còn giữ được giấy tờ của chính quyền Lào, sinh sống nhiều năm trên lãnh thổ Việt Nam nên thực tế họ là những người không có quốc tịch.
Chị Hồ Thị Đăm vốn sinh ra và lớn lên ở bản Tà Rủa, một bản giáp biên của huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào. Năm 2015, chị Đăm quen và theo anh Đậu Văn Thành (thôn Cù Bai, xã Hướng Lập) về Cù Bai sinh sống. Hai người tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn. Cùng năm đó, chị Đăm sinh con trai đầu lòng. Vì chị không đăng ký kết hôn nên cháu bé được khai sinh tên Đậu Văn Khánh và không có tên mẹ, chỉ có tên cha.
Còn ông Hồ Văn Hà vốn sống ở bản Cheng Túp, huyện Sê Pôn, đến năm 2003 thì đưa gia đình về Cù Bai sinh sống. Các con của ông Hà lớn lên, lấy vợ, lấy chồng ở Cù Bai và các bản lân cận cũng không thể đăng ký kết hôn vì không có giấy tờ tùy thân và tất nhiên các cháu sinh ra cũng chỉ được khai sinh như con của chị Hồ Thị Đăm, chỉ có tên cha hoặc mẹ.
Không có quốc tịch, không có giấy đăng ký kết hôn, chị Đăm, ông Hà không có tên trong danh sách quản lý nhân khẩu của địa phương. Cuộc sống của những người như chị Đăm, ông Hà rất thiệt thòi so với các hộ khác trong thôn vì chế độ chính sách của Nhà nước dành cho những người có hộ khẩu, có quốc tịch Việt Nam. Khi khó khăn, những người như ông Hà, chị Đăm đều nhờ vào sự chia sẻ của Đồn Biên phòng Hướng Lập và bà con hàng xóm.
Niềm vui trước ngày hội lớn
Ngày 19-7-2019, chị Hồ Thị Đăm được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký quyết định nhập quốc tịch Việt Nam. Với chị Hồ Thị Đăm thì đây là việc vô cùng quan trọng và ý nghĩa, giúp chị có cuộc sống mới, trở thành công dân đúng nghĩa. Ngay sau đó, chị Đăm được làm giấy khai sinh, chứng minh nhân dân để làm thủ tục đăng ký kết hôn với anh Đậu Văn Thành.
Có giấy đăng ký kết hôn, hai vợ chồng chị tới UBND xã Hướng Lập để làm thủ tục bổ sung tên mẹ vào giấy khai sinh cho con trai Đậu Văn Khánh. Những người khác được nhập quốc tịch như chị Đăm cũng được hoàn chỉnh các giấy tờ tùy thân để được hưởng quyền lợi như bao công dân khác ở Việt Nam.
Ngay từ tháng 4 năm nay, bên cạnh việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, Đồn Biên phòng Hướng Lập phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho nhân dân thôn Cù Bai. Đọc thấy tên mình trong danh sách cử tri được niêm yết tại nhà văn hóa thôn, chị Đăm rất vui. Với chị Đăm, đây là lần đầu tiên chị được tham gia bầu cử. Sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, danh sách, tiểu sử của người ứng cử cũng đã được niêm yết công khai. Chị Đăm và mọi người dân trong thôn có thể đến tìm hiểu để từ đó có quyết định lá phiếu của mình bầu cho ai.
Khi còn sống ở Lào, ông Hồ Văn Hà đã từng tham gia bầu cử ở bản Cheng Túp, bởi vậy mà lần này, ông và gia đình rất mong chờ ngày được tự tay cầm lá phiếu đi bầu cử với tư cách là một công dân Việt Nam. Nhà ông Hồ Văn Hà ngay sát Nhà văn hóa thôn Cù Bai - nơi niêm yết danh sách cử tri và những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có Bí thư Chi bộ thôn Cù Bai là anh Hồ Văn Phùng ứng cử vào HĐND xã Hướng Lập.
Ông Hà hy vọng rằng, anh Phùng khi trúng cử sẽ có những ý kiến đóng góp phù hợp với nguyện vọng của bà con ở Cù Bai. Đó là mong ước về một con đường từ thôn ra nhánh Tây đường Trường Sơn để mọi người có thể đi lại dễ dàng cả vào mùa mưa. Có như thế thì những nông sản làm ra mới trở thành hàng hóa, đời sống mới tốt hơn được. Năm 2020, mưa lũ khiến gần như toàn bộ diện tích lúa nước của thôn Cù Bai bị vùi lấp, người dân phải thuê máy móc về dọn đất đá, vất vả để cải tạo cũng chỉ được một nửa. Diện tích còn lại nếu không được hỗ trợ để phục hồi thì thời gian tới, vấn đề lương thực sẽ rất khó khăn với người dân thôn Cù Bai.
Chứng kiến niềm vui của chị Đăm, lắng nghe nguyện vọng của ông Hà có thể thấy những kỳ vọng của những công dân mới của Cù Bai thật chính đáng. Với họ, được nhập quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam thì ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thực sự là ngày hội lớn, ngày họ được thực hiện quyền công dân của mình.
Nguyễn Hòa Bình