Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 10:15 GMT+7

Ký ức thiếu sinh quân ở Lư Sơn – Quế Lâm

Biên phòng - Giữa năm 1952, Bác Hồ đã đưa ra ý kiến chỉ đạo việc đưa con em Việt Nam sang một vùng đất an toàn, tránh xa bom đạn để có thời gian học tập. Số con em này khi học xong sẽ trở thành những cán bộ chỉ huy trong QĐND Việt Nam và cơ quan Chính phủ. Đó là lý do cho sự ra đời của Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm, Trung Quốc.

p76u_10a
Ông Lê Duy Ứng bên di ảnh của cha và anh trai - hai người đều ra trận, trong đó, người anh trai của ông hy sinh trên chiến trường. Ảnh: Văn Chương

Các em học sinh Việt Nam qua Trung Quốc học tập thời điểm đó gồm rất nhiều lứa tuổi, nhiều em đang là thiếu sinh quân, một số người đã từng cầm súng ra chiến trường. Lư Sơn là vùng đất nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Phía Trung Quốc chuẩn bị hơn 1.000 áo ấm cho học sinh và giáo viên Việt Nam sang học tập và giảng day tại đây. 

Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm được thành lập ngày 9-7-1953 và đặt ở Lư Sơn, sau đó chuyển về Quế Lâm, Trung Quốc. Cùng thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã ký Quyết định số 161, cử bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Tham sự bậc 10, Trưởng phòng Mẫu giáo, Nha Giáo dục phổ thông giữ chức Hiệu trưởng. Cô hiệu trưởng trong lần gặp Bác Hồ ở An toàn khu (ATK) đã được Bác căn dặn kỹ lưỡng trước khi đưa các học sinh sang học tập ở Trung Quốc. Trước đó, Việt Nam đã đưa sinh viên sang học tại Trường Sư phạm ở Nam Ninh, Trường Thiếu sinh quân ở Quế Lâm.

Cựu chiến binh Lê Duy Ứng, người đầu tiên tham gia thành lập Hải đoàn Biên phòng sau năm 1975, sau này là Trưởng ban Thanh niên của Cục Chính trị BĐBP, là một trong những học trò nằm trong danh sách đi học tập tại Trung Quốc hồi đó. Ông Ứng sinh năm 1940, khi sang học ở Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm của Trung Quốc thì mới là cậu bé 13 tuổi. Tấm ảnh quý giá và hiếm hoi ông Ứng còn lưu giữ được, đó là cha mẹ ông tiễn con lên đường. Năm đó, cậu bé Ứng mặc bộ quần áo màu xanh nhạt, đầu đội mũ vải.

Những thiếu nhi bắt đầu lên đường đi bộ 100km (có tỉnh phải đi xa hơn) sang Trung Quốc vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10-1953. Những đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh dường như có sức chịu đựng một cách khác thường. Ông Ứng nhớ lại, các em nhỏ có cô bảo mẫu kèm cặp. Cậu bé Ứng mới 13 tuổi, nhưng trong ý thức, cậu đã nghĩ mình là một người lớn. Vì lúc còn nhỏ, mỗi lần ông Tuệ (cha của ông Ứng) đi hoạt động cách mạng thì thường dắt theo con đến các cuộc họp, trao đổi thư từ. Ông Tuệ là Bí thư của 3 xã nên công việc phải đi lại liên tục và phải cải trang. Cứ sau cuộc họp, ông Tuệ đều nói nhỏ với cậu con trai Lê Duy Ứng: “Con phải giữ bí mật, nếu lộ, bọn địch sẽ giết bố và ông nội”.

Thời đó, có 12 đoàn thiếu nhi hành trình lặng lẽ trong đêm tối hướng về biên giới. Ban tổ chức đã chuẩn bị 4 trạm T 1, T 2, T 3, T 4 tại các hang ở Bản Riềng, Đồng Đăng, Bình Gia, Bắc Sơn (Lạng Sơn). Đoàn ở tỉnh Tuyên Quang phải trèo đèo lội suối đến nửa tháng mới tới được Mục Nam Quan. Mỗi đêm, các em phải đi bộ khoảng 20km. Có em 7 tuổi phải đặt vào thúng gánh đi; có em trượt ngã xuống cầu Bình Giã (không bị thương tích nặng)... Thỉnh thoảng, máy bay Pháp lại quần đảo trên đầu ầm ầm để do thám.

Các em được cấp hộ chiếu và qua Mục Nam Quan, được phía Trung Quốc đón tiếp. Sau 3 ngày hành trình trên đất Trung Quốc, các em học sinh dừng chân một đêm ở Nam Xương, rồi tiếp tục lên xe ô tô đi Cửu Giang. Cô hiệu trưởng đầu tiên của Trường Tiểu học Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm kể lại, rất may là đoàn đi từ Việt Nam sang Trung Quốc an toàn. Chúng tôi nhanh chóng báo cáo với Bộ Giáo dục, Trung ương Đảng và Bác Hồ là đã đoàn kết, thương yêu nhau thực hiện tốt chỉ thị của Bác. 

35eb_10b
Cậu bé Lê Duy Ứng (thứ 2 từ trái sang) được cha mẹ tiễn lên đường sang Trung Quốc học tập. Ảnh: Tư liệu

Ông Lê Duy Ứng năm nay đã 78 tuổi, nhưng nói về Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm ở Trung Quốc thì ông vẫn nhớ như in. Ông nhấn mạnh, lúc đó, các thầy giáo, cô giáo Trung Quốc có trách nhiệm lo ăn, ở, quần áo ấm và dạy tiếng Trung cho học trò, còn lại toàn bộ chương trình học tập từ chữ viết cho tới các môn học ngữ văn, toán, lịch sử, sinh vật, địa lý... đều do các thầy giáo, cô giáo của Việt Nam đảm trách.

Đoàn trường thành lập Đội thiếu nhi Tháng 8 và tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời. Đặc biệt, trường hành động theo một số điều lệnh của quân đội như sáng dậy đúng giờ, khi kẻng báo thức là bật dậy; học sinh tham gia thể dục đầy đủ không vắng một em; đi ăn cơm xếp hàng trật tự. Ngoài các môn học văn hóa thì học sinh còn được dạy hàng loạt kỹ năng sống, học đàn vilon, guitar, mandolin, học bóng đá, bóng bàn... Riêng các em học sinh nữ học thêm các môn may, thêu, ren...

Dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng được chăm sóc kỹ và sớm rèn luyện với nắng gió nên các em học sinh đều khỏe mạnh. Khẩu phần ăn hằng ngày của các em được các thầy giáo, cô giáo Trung Quốc lên thực đơn rất chu đáo.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO