Biên phòng - Chúng tôi gặp lão thành cách mạng Nguyễn Hải Hào, 92 tuổi, cựu sĩ quan pháo binh khi bác cùng các đội viên Đội Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu vừa hân hoan đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp. Gương mặt phúc hậu và giọng nói thanh thoát của bậc lão niên từng tham gia Cách mạng Tháng Tám đã gợi cho chúng tôi những hình dung rõ nét về thời kỳ hào hùng ấy. Đặc biệt, ông Nguyễn Hải Hào đã có những ký ức tuyệt vời về khoảnh khắc trở về quê hương, tiếp quản Thủ đô Hà Nội vào ngày 10/10/1954.

Giành chính quyền ngoại ô Hà Nội
Cha và anh của ông Nguyễn Hải Hào đều tham gia cách mạng. Căn nhà ở làng Giáp Nhất (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) là nơi nuôi giấu cán bộ, là nơi cán bộ Thành ủy về bắt liên lạc, chỉ đạo, xây dựng lực lượng Thanh niên Cứu quốc vùng ngoại thành. Đây cũng là một trong những điểm in báo “Hồn Nước” và truyền đơn, áp phích cho cách mạng.
Từ khi 10 tuổi, ông Hào đã trở thành liên lạc viên và đưa các chú, các anh đến mọi khu phố để dán truyền đơn, kẻ khẩu hiệu và gặp gỡ các nhân sĩ, trí thức yêu nước trong vùng. Ngày 18/8/1945, cậu bé Hào ngày ấy được giao nhiệm vụ đạp xe đi triệu tập các đầu mối đến nhà mình để họp nhận lệnh Tổng khởi nghĩa ở vùng ngoại thành Hà Nội.
Cuộc đấu tranh giành chính quyền ở ngoại thành Hà Nội thắng lợi, đoàn người từ Thanh Xuân kéo về trung tâm thành phố. Cậu bé Hào đi trong đoàn người ấy, tay ôm khẩu súng mới cướp được ở Đại lý Hoàn Long đi dưới lá cờ đỏ sao vàng rồi tất cả tập hợp trước Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh. “Ủng hộ Việt Minh”, “Chính quyền nhân dân cách mạng”, “Cách mạng thành công muôn năm”..., muôn người cùng hô vang thể hiện quyết tâm giành lại độc lập dân tộc. Đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng của Thủ đô.
Toàn quốc kháng chiến, ông Nguyễn Hải Hào đã tham gia lực lượng tự vệ, vận chuyển pháo từ Đình Chính Kinh đến pháo đài Xuân Tảo, góp phần mở đầu toàn quốc kháng chiến, chiến đấu anh dũng để bảo vệ Thủ đô. Tiếp đó, ông cùng đơn vị rút quân qua cầu Long Biên, lên chiến khu tiếp tục kháng chiến dài lâu và kinh qua nhiều trận đánh làm kinh hồn giặc Pháp.
Năm 1954, người đội viên cứu quốc Thành Hoàng Diệu này cũng đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng với vai trò là một chiến sĩ pháo binh. Khi cờ Tổ quốc bay trên nóc hầm Đờ Cát, cũng là lúc chàng trai ngoại thành Hà Nội ấy vừa tròn 22 tuổi đời, theo đoàn quân chiến thắng là Trung đoàn 45 (nay là Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh) xuôi về đóng quân tại Sơn Tây.
Khúc ca tháng 10
Ông kể: “Đầu tháng 10, chúng tôi được lệnh chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô nên cán bộ, chiến sĩ trung đoàn ai cũng rất vui khi có được vinh dự ấy. Cá nhân tôi càng mong chờ hơn bởi mình là người Hà Nội, đi theo kháng chiến suốt 9 năm chưa quay về quê hương. Sáng hôm ấy, chúng tôi hành quân từ nơi đóng quân về sân bay Bạch Mai. Trên các ngả đường đoàn quân đi qua, nhân dân Hà Nội cầm cờ, hoa, hát vang, hô khẩu hiệu mừng thủ đô sạch bóng quân thù. Người dân Hà Nội vô cùng yêu quý bộ đội đã đổ ra đường chào đón chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Hồi ấy, tôi còn rất trẻ, theo các anh lớn tuổi đi dựng lán trại đóng quân ở khu vực Bạch Mai. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ bầu trời Hà Nội trước sự tấn công của kẻ thù từ trên cao”.
Trên đường trở về, ông Nguyễn Hải Hào luôn lâng lâng trong niềm tự hào, bởi những ngày đầu kháng chiến, ông cùng đồng đội chiến đấu bằng vũ khí thô sơ như dao găm, gươm, mác và bom ba càng, thì ngày trở về đã nghiêm chỉnh “quân phong, quân kỷ” và vũ khí hiện đại hơn. “Xe đi qua đường Láng, tôi nhìn về phía làng mình đã bị cháy rụi, lòng chỉ muốn bơi vượt sông về thăm mà rồi đành nén lại. Mãi sau này, khi hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị hành quân về Sơn Tây, tôi mới được tranh thủ nửa ngày. Căn nhà trước đây từng là nơi cha tôi cùng các chú, các bác bàn chuyện khởi nghĩa chỉ còn lại nền đất” - ông Hào nhớ lại.

Chiều ngày 10/10/1954, lễ chào cờ lịch sử đã diễn ra tại sân vận động Cột Cờ (nay là Hoàng thành Thăng Long). Cùng với các đơn vị bộ binh thuộc Đại đoàn 308, Đại đoàn 304, các đơn vị cơ giới và pháo binh của ông Nguyễn Hải Hào được tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh tham dự lễ chào cờ. Nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt, đứng vòng trong, vòng ngoài, chật kín cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ).
“Đúng 15 giờ, còi từ Nhà hát Lớn vang lên, chúng tôi đứng nghiêm hướng về phía kỳ đài. Không gian như lắng đọng giây lát rồi lại bừng lên, tiếng hát của bài “Tiến quân ca” hùng tráng. Tiếng ca từ dưới chân Cột Cờ vang xa rồi lan tỏa dần đến các xóm phố, người dân Hà Nội ở nội thành đứng nghiêm tại chính nhà mình để hát theo. Bài hát ấy tôi đã hát nhiều lần, nhưng nay được hát trong ngày khải hoàn trên quê hương mình nó mới thiêng liêng làm sao” - ông Nguyễn Hải Hào chia sẻ.
Với người cựu chiến binh này, đó là phút giây đặc biệt không thể nào quên, bởi hơn ai hết, ông là người đã góp sức giành chính quyền về tay cách mạng, đã từng sống chết với Thủ đô để bảo vệ Hà Nội từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến và hôm nay được trở về trong tư thế của những người chiến thắng. Những ngày tháng sau này, ông Nguyễn Hải Hào cũng đã tiếp tục chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong kháng chiến chống Mỹ cho đến khi hòa bình lập lại.
Phạm Vân Anh