Biên phòng - Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, rất nhiều phụ nữ dũng cảm, mưu trí đã cùng tham gia tấn công vào sào huyệt của địch ở khắp các đô thành miền Nam. Nhiều chị đã lập chiến công hiển hách, cũng có không ít chị đã anh dũng hy sinh ở độ tuổi hai mươi. Họ luôn luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo...

Nữ Trưởng Công an quận đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh
Chúng tôi đến thăm Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Thị Thu (Năm Thu) đúng dịp cả nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tuy tuổi đã gần 80, nhưng bà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Nhắc tới không khí hào hùng của 50 năm về trước, bà vô cùng xúc động.
Sinh ra và lớn lên ở xã An Nhơn Tây, Củ Chi, 18 tuổi, Năm Thu tham gia hoạt động cách mạng. Ban đầu được bố trí làm công tác đoàn thể, chị hăng hái vận động thanh niên tham gia tải thương, tải đạn, vận động lính ngụy bỏ ngũ. Sáng dạ, lanh lợi, nhiệt tình, chỉ sau 2 năm, chị đã vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 1963, Năm Thu được cấp trên tin tưởng điều về công tác tại Ban bảo vệ An ninh Khu Sài Gòn-Gia Định (Ban An ninh T4). Nhiệm vụ mới của chị là tổ chức đường dây giao liên, dẫn đường, đưa đón cán bộ ra, vào nội thành. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự mưu trí, sáng tạo, chị đã xây dựng, đưa vào hoạt động hiệu quả 15 cơ sở trải dọc các xã vùng ven...
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 1965, chị được giao công việc mới, khó khăn, đòi hỏi sự mưu trí, lòng dũng cảm kiên cường. Đó là vào nội thành xây dựng cơ sở, nắm tình hình chuẩn bị nhu yếu phẩm, vũ khí... cho cuộc Tổng tiến công Xuân 1968. Nhiều cơ sở mới được chị xây dựng và hoạt động hiệu quả, nhất là trong tuyên truyền chống bắt lính, vận động quần chúng tích cực bảo vệ cán bộ, cất giấu vũ khí, chuyển công văn, tài liệu...
Đại tá Đoàn Thị Thu nhớ lại: Chuẩn bị cho Tổng tiến công Mậu Thân 1968, khí thế của các chiến sĩ An ninh T4 lên cao lắm. Mọi người làm việc không kể ngày đêm, bất chấp nguy hiểm... Tổng tiến công Xuân 1968 nổ ra, chị và đồng đội vừa tham gia chiến đấu, vừa chỉ đạo các cơ sở làm tốt công tác hỗ trợ, tiếp tế vũ khí, lương thực, thực phẩm, dẫn đường cho quân giải phóng.
Sau nhiều năm công tác tích cực, tháng 7-1970, Năm Thu bị địch bắt, bị tù 2 năm. Năm 1973, chị trở về, tiếp tục vào nội thành móc nối lại cơ sở hoạt động, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Hòa bình lập lại, Đoàn Thị Thu tiếp tục công tác trong ngành Công an và được đề bạt làm Trưởng Công an quận Tân Bình. Đây cũng là nữ công an đầu tiên của thành phố được giao giữ trọng trách vinh quang nhưng cũng không kém phần nặng nề. Nhưng với sự quyết tâm, sự nhiệt tình và bằng kinh nghiệm thực tế, chị và đồng đội tiếp tục lập nhiều thành tích trong tấn công các loại tội phạm, lập lại trật tự trị an xã hội trên địa bàn quận. Với những thành tích đạt được, năm 1995, Đại tá Đoàn Thị Thu được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nữ biệt động duy nhất đánh vào Dinh Độc Lập
Hình ảnh “gan dạ, dũng cảm, kiên cường, bất khuất” của người phụ nữ Nam bộ trong kháng chiến đã thể hiện rõ nét ở nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa - người con gái sinh ra và lớn lên tại huyện Củ Chi “đất thép thành đồng”. Năm 1965, tròn 18 tuổi, cô bé Nghĩa đã trở thành nữ biệt động Sài Gòn. Với vỏ bọc là một thợ may, Nghĩa được giao nhiều nhiệm vụ như làm liên lạc, chuyển thư từ, công văn vũ khí vào nội và ngoại thành. Mỗi khi nhận nhiệm vụ, cô giao liên gan dạ, dũng cảm đã vượt qua khó khăn, nguy hiểm, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đã nhiều năm trôi qua nhưng bà Nghĩa vẫn không thể nào quên được cái Tết Mậu Thân 1968, một cái Tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời bà. “Đó là vào đúng thời điểm giao thừa, đơn vị tôi nhận được lệnh sẽ đánh vào Dinh Độc Lập. Lúc đó tất cả chúng tôi ai cũng nung nấu ý chí và lòng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, đội biệt động Sài Gòn gồm 15 người, trong đó chỉ có tôi là nữ, chia làm hai hướng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Trong quá trình chiến đấu, chúng tôi được lệnh cố giữ trận địa từ 15-30 phút sẽ có quân chi viện, nhưng hơn 30 phút trôi qua, vẫn chưa thấy quân ta đến. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 15 chiến sĩ biệt động với hàng trăm tên địch diễn ra trong 2 đêm 1 ngày. Tám người đã anh dũng hy sinh, số còn lại dù bị thương nhưng vẫn kiên cường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng”, bà Nghĩa nhớ lại.
Sau trận đánh vào Dinh Độc Lập, bà Nghĩa bị bắt. Dù bị tra tấn rất tàn bạo, dã man nhưng bọn địch vẫn không lấy được ở bà thông tin gì. Sau đó chúng đã giam Nghĩa ở nhiều nhà tù, từ nhà tù Tổng nha Cảnh sát đến Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng đưa ra Côn Đảo. Năm 1974, được trả tự do, Vũ Minh Nghĩa tiếp tục tham gia chiến đấu. Năm 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Nghĩa cùng đơn vị được lệnh đánh vào Dinh Độc Lập, góp phần giải phóng đất nước.
Với những thành tích gan dạ, dũng cảm, kiên trung, nữ biệt động thành Vũ Minh Nghĩa được tặng thưởng Huân chương Chiến công và nhiều Bằng khen.
Nữ tình báo hai lần lập công xuất sắc
Tuy tuổi đã cao, sức không còn khỏe, nhưng khi nhắc lại những kỷ niệm oai hùng của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, nữ chiến sĩ tình báo năm xưa Nguyễn Thị Mỹ Nhung (tức Tám Thảo) vẫn sôi nổi, đầy nhiệt huyết. Bà kể lại: “Sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng với quyết tâm đi theo kháng chiến, 16 tuổi, tôi đã được làm quen với nhiệm vụ giao liên. Trong thời gian này, tôi đã được gặp, làm quen với những nhà tình báo nổi tiếng như Phạm Xuân Ẩn; Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)... Đây cũng là cơ duyên để tôi trở thành nữ chiến sĩ tình báo sau này”.
Năm 1964, do giỏi ngoại ngữ, Tám Thảo trở thành phiên dịch cho cơ quan Hải quân Mỹ, theo yêu cầu của tổ chức. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Tám Thảo lập công xuất sắc. Trước Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, đồng chí Nguyễn Văn Tàu (Cụm trưởng Cụm Tình báo H63) trực tiếp giao nhiệm vụ cho Tám Thảo, bằng mọi cách phải có được sơ đồ bố trí bên trong của Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, cần có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu. Nhưng nhờ sự thông minh, sắc sảo, không lâu sau đó, Tám Thảo đã nộp cho cấp trên một bộ tư liệu bằng ảnh chụp. Đây là tài liệu vô cùng quý giá, giúp ta tổ chức tấn công chính xác các mục tiêu trong Bộ Tư lệnh Hải quân địch vào rạng sáng ngày mùng 2 Tết năm 1968...
Sau đợt 1 của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, tổ chức tin tưởng giao cho Tám Thảo phải lấy cho được một bộ hồ sơ mật của địch. Bằng vỏ bọc là nhân viên phiên dịch, một lần nữa Tám Thảo đã dũng cảm, tài trí lấy được tập hồ sơ mật mà tổ chức đang rất cần. Theo đánh giá của lãnh đạo Cụm Tình báo H63: Tập tài liệu ấy có nội dung rất quan trọng, là cơ sở cực kỳ quý báu để ta tổ chức tiến công đợt 2 vào giữa năm 1968. Với những thành tích đặc biệt trong đợt Tổng tiến công Xuân 1968, nữ chiến sĩ tình báo Tám Thảo đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Năm mươi năm đã trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa, về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn luôn in đậm trong trái tim những người phụ nữ gan dạ, kiên cường và mưu trí.
Đăng Bảy